Lục Đầu Giang Đang Bị Đầu Độc
“Tất cả chỉ diễn ra trong vòng có một tiếng đồng hồ. Nước sông tự nhiên bốc mùi rồi cá, tôm chết trắng sông. Hầu như chẳng có gia đình nào kịp trở tay, vớt vát được gì." - Một chủ bè nuôi cá ở Lục Đầu Giang cay đắng kể lại.
Lục Đầu Giang, nơi hợp lưu 6 con sông lớn ở miền Bắc gồm sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính sông Thái Bình. Từ bao đời nay, ngã sáu sông là nguồn sống của hàng nghìn hộ dân làm nghề chài lưới, nuôi cá lồng bè. Nhưng gần đây, các dòng sông bị đầu độc, nghề sông nước ở Lục Đầu Giang lâm đường tận vận.
Mất tiền tỷ chỉ trong một giờ
Trên khúc sông của Lục Đầu Giang, bên này là thị xã Chí Linh, bên kia là huyện Nam Sách đều thuộc tỉnh Hải Dương có hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè. Cá lăng, cá ngạnh, cá quất… Tấp nập, đông đúc không thua gì đô thị trên bờ. Nhiều gia đình có thu nhập khá, nhiều địa phương được khuyến khích phát triển mô hình nuôi cá lồng nhằm để xây dựng kinh tế mũi nhọn.
Đã có những thời điểm, Lục Đầu Giang đẻ ra những tỷ phú chuyên cung cấp khối lượng cá khổng lồ cho TP Hải Dương và Thủ đô Hà Nội. Vậy mà bây giờ Lục Đầu Giang trở thành điểm chết. Cá tôm tự nhiên chết dạt vào bờ ken kín cả một khúc sông. Cá nuôi lồng bè chết không kịp vớt, không kịp đào hố tiêu hủy. Nông dân khóc ròng vì xót của, vì nợ nần, vì viễn cảnh phá sản. Nghề sông nước đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, còn nguyên nhân, vẫn đang phải đợi các cơ quan chức năng đi tìm.
Vợ chồng Nguyễn Đức Nho là một trong những nông dân tiên phong ở xã Cổ Thành (thị xã Chí Linh) ra Lục Đầu Giang phát triển mô hình nuôi cá lồng bè. Sau một thời gian đi xuất khẩu lao động, gom góp được ít vốn, đôi vợ chồng trẻ đầu tư nuôi cá với khát vọng làm giàu. Mỗi vụ cá ở Lục Đầu Giang thường kéo dài khoảng 2 năm. Sau một vài vụ đầu thắng lợi nho nhỏ, vợ chồng Nho mạnh dạn cắm nhà vay ngân hàng thực hiện giấc mộng làm giàu.
Ngoài việc đầu tư một số điểm nuôi nhỏ lẻ, đôi vợ chồng dồn hết tiền bạc vào hai lồng bè nuôi cá lăng đặc sản. Theo chu kỳ, dự tính đến tháng 8 này sẽ cho thu hoạch. Mỗi cân cá lăng bán tại bè giá ổn định tầm 120 ngàn đồng. 2 lồng cá của gia đình được hơn 5 tấn. Chỉ mấy hôm trước, nhìn cá trong lồng ăn ào ào, phát triển bình thường, vợ chồng trẻ đã khấp khởi mừng. Bỗng dưng tai họa từ đâu ập về. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, từ chỗ triệu phú họ trở thành tay trắng.
“Ban đầu thấy cá tôm tự nhiên chết từ thượng nguồn trôi về dạt vào bờ sống chúng tôi cứ tưởng là dịch. Chưa kịp đưa cá lên hồ để tránh thì thấy các lồng cá chết nổi ồ ạt như kiểu bị người ta bỏ thuốc độc vào. Con nào con nấy trắng bụng, máu từ đầu, từ mang ộc ra đỏ lừ cả lồng bè. Cá nổi đặc lồng, dùng lưới quét không kịp, phải thuê máy xúc vào đào hố, xúc đi chôn. Chứng kiến cảnh cá chết sạch chỉ trong nháy mắt, vợ tôi ngất lên ngất xuống, gào khóc kêu trời, đau thắt ruột gan”, Nguyễn Đức Nho chua chát kể.
Tai họa không chỉ giáng xuống riêng gia đình Nho. Cách đó vài chục mét là khu nuôi của xã Nhân Huệ, tập hợp những đại gia nuôi cá lồng như ông Chiến, ông Hào, ông Tịu… Toàn là những chủ lồng kỳ cựu, kinh nghiệm đầy mình nhưng vẫn không thoát khỏi. Mỗi hộ đầu tư cả tỷ đồng nuôi cá lồng đều dính phải nước độc, trắng tay sạch sành sanh.
“Tất cả chỉ diễn ra trong vòng có một tiếng đồng hồ. Nước sông tự nhiên bốc mùi rồi cá, tôm chết trắng sông. Hầu như chẳng có gia đình nào kịp trở tay, vớt vát được gì. Mà giả sử có vớt được cũng chẳng ai mua vì cá chết do nhiễm độc, cho không người ta chẳng thèm lấy nữa là buôn bán”, ông Hào nói giọng rất cay đắng. Những ông chủ nuôi cá lồng bè ở Lục Đầu Giang kể lại rằng, hôm cá bị đầu độc chết, dân quanh vùng vớt được cả tạ, toàn cá đặc sản như ngạnh, lăng, nheo… Nhưng vớt xong rồi lại mang đi chôn vì không nhà nào dám ăn cả.
Không chỉ riêng dân nuôi cá lồng bè ca thán. Hàng trăm hộ dân làm nghề đánh bắt tôm cá tự nhiên cũng lâm cảnh đường cùng vì Lục Đầu Giang nhiễm độc. Bi đát nhất là xóm chài Bạch Đằng, xã Nhân Hậu, nơi tập trung hơn 100 hộ dân, 500 nhân khẩu làm nghề chài lưới. Từ xưa đến nay, Lục Đầu Giang ban cho dân vạn chài nguồn cá tôm vô tận, họ sống khỏe. Nhưng thời điểm này, chài lưới ngày này qua ngày khác, đi lưới từ đầu hôm đến tận sáng, một con cua cũng không còn.
“Nhà tôi mấy đời sống trên sông nhưng lần đầu tiên gặp “hiện tượng” kỳ lạ đến thế. Hôm đó, chỉ trong một buổi chiều, cá tôm ở dưới sông gần như chết sạch. Sau đó, đến lượt cá nuôi trong lồng cũng chung số phận. Không hiểu người ta đã đổ gì xuống sông mà nước nhiễm độc đến mức ấy.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm sông nước, tôi có thể khẳng định cá chết không phải do dịch dã gì mà chắc chắn do nước sông bị nhiễm độc”, ông Đỗ Văn Vịnh, một người làm nghề đánh cá phân tích. Từ khi Lục Đầu Giang trúng độc, cư dân xóm Bạch Đằng chết lặng. Thay vì chài lưới, chỉ còn những tiếng thở than.
Quá nhiều nghi phạm
Tất cả những hộ dân làm nghề nuôi cá lồng bè và chài lưới ở Lục Đầu Giang đều khẳng định, nguyên nhân cá chết là do nhà máy đóng hai bên các dòng sông xả thải có hóa chất độc hại. Thời điểm cá bị chết, nước từ các dòng sông đổ về ngửi thấy có mùi hăng hắc như thuốc tẩy. Sau khi xảy ra cơ sự, chính quyền địa phương cũng đã xuống tận các lồng bè để ghi nhận sự việc và mời các cơ quan chức năng vào cuộc lấy mẫu nước và cá đi xét nghiệm.
Hiện tại, mẫu nước và cá chết đang được Sở TN-MT tỉnh Hải Dương phân tích. Những người làm nghề vạn chài như ông Đỗ Văn Vịnh, suốt ngày ngược xuôi trên các dòng sông đã điểm mặt chỉ tên từng “thủ phạm” đầu độc Lục Đầu Giang. Đó là Nhà máy phân đạm Hà Bắc xả nước thải ra sông Thương, Cty giấy Phong Châu xả thải có hóa chất ra sông Ngũ Huyện Khê (một nhánh của sông Cầu), Cty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại dùng nước sông Thái Bình để “làm mát” các thiết bị sau đó lại đổ ra sông…
Thủ phạm chính là ai, ở đâu thì chưa ai dám khẳng định, ông Trần Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ phàn nàn: “Phong trào nuôi cá lồng ở địa phương mới mạnh lên từ 2-3 năm nay. Đây là hướng phát triển tốt không chỉ xã mà huyện, tỉnh đều khuyến khích. Do mới nuôi được ít năm nên chưa ai có lãi trong khi số tiền đầu tư là rất lớn. 100% hộ nuôi cá lồng phải vay vốn từ ngân hàng.
Bây giờ cá chết, xã cũng muốn cùng với người dân làm rõ nguyên nhân nhưng đành phải chờ cơ quan cấp trên. Người dân có nghi ngờ một số nhà máy đầu nguồn gây ô nhiễm, chúng tôi nghĩ là có cơ sở, vì không thể nào một lúc cá tôm lại chết nhiều như thế được”.
Để tìm hiểu nguyên nhân, PV NNVN đã đi ngược một số dòng sông, tiếp cận các nhà máy xả thải, nhưng thực tế rất khó để kết luận nguyên nhân.
Cty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại chỉ nằm cách khu vực xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt vài cây số nên bị người dân nghi ngờ là thủ phạm chính. Các hộ dân cho biết, nhà máy Phả Lại phải dùng một lượng nước rất lớn để làm mát tua bin. Hàng năm, định kỳ nhà máy cho một lượng thuốc tẩy rửa nhất định để làm sạch đường ống. Rất có thể, thuốc tẩy rửa đó là độc tố khiến cá tôm chết sạch?
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Giám đốc sản xuất Cty Phả Lại đã phủ nhận hoàn toàn: “Nhà máy khai thác nguồn nước từ sông Thái Bình để làm mát tua bin. Việc nước chạy qua tua bin chỉ làm tăng khoảng 5oC. Tuy nhiên, quá trình chảy lộ thiên từ nhà máy ra sông, nhiệt độ của nước mát trở lại bình thường.
Ngoài ra, hàng năm Cty còn phải 4 lần đánh giá tác động môi trường, mỗi lần như thế đều có các cơ quan chức năng tham gia. Người dân nói dùng thuốc để tẩy đường ống là không đúng. Chúng tôi có cho 1 lượng Clo trong tiêu chuẩn cho phép để làm sạch nguồn nước. Hơn nữa lượng nước để làm mát tua bin là rất lớn, xấp xỉ 300 nghìn m3/h, thử hỏi có loại hóa chất nào lớn để hòa vào nguồn nước đó”.
Tại sông Ngũ Huyện Khê, một nhánh của sông Cầu ở Bắc Ninh, các nhà máy sản xuất giấy biến dòng sông này thành sông chết. Ngày ngày các nhà máy vô tư xả thải xuống sông, bốc mùi nồng nặc, nước đen ngòm còn hơn cả sông Tô Lịch (Hà Nội), hay sông Thị Vải (TP.HCM). Chỉ cần đứng bên dòng sông một lúc sẽ thấy choáng váng. Với nguồn nước sông này, bất cứ loài sinh vật nào cũng khó sống chứ đừng nói đến tôm cá.
Ngược sông Thương đến TP Bắc Giang là điểm xả thải của Nhà máy phân đạm Hà Bắc, ngược lên sông Lục Nam còn có cả một công ty luyện đồng nằm ở huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)…
Hiện chưa ai có thể khẳng định chắc chắn đơn vị nào là thủ phạm khiến Lục Đầu Giang bị đầu độc, nhưng với thực trạng có quá nhiều nhà máy vô tư xả thải ra sông đang khiến hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề chài lưới, nuôi cá lồng bè ảnh hưởng quá nặng nề.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số các dòng sông đổ về Lục Đầu Giang thì sông Cầu đang bị ô nhiễm nhất. Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu từng điểm mặt chỉ tên sáu nguồn thải chính ở tỉnh Bắc Ninh đang ngày đêm “bức tử” sông Cầu.
Làng nghề Tam Giang và Tam Đa (huyện Yên Phong), cửa cống Vạn An, sông Ngũ Huyện Khê, điểm “tập kết” của lượng nước thải từ các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp đổ vào, như làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, giấy Phú Lâm và giấy Phong Khê.
Chưa kể một lượng nước thải sinh hoạt đáng kể nữa của các khu đô thị Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong đổ về đây và thải ra sông Cầu. Cảng sông nội địa Đáp Cầu có 2 cảng kinh doanh của Cty kính Đáp Cầu và Cty kính nổi Việt-Nhật. Trạm bơm Kim Đôi có công suất tối đa 10.000m3/giờ. Kênh Kim Đôi nhận nước thải từ các khu vực nội thị như Bồ Sơn, Đại Phúc, Thị Cầu, Đáp Cầu và nước thải từ KCN Quế Võ đổ vào.
Có thể bạn quan tâm
Trước thực trạng diễn ra của bệnh tôm, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (viết tắt EMS hoặc AHPNS) chưa xác định tác nhân gây ra, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh đã đề xuất người nuôi triển khai nuôi tôm theo mô hình mới.
Anh Phạm Thận, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bắc Phong (Thuận Bắc) không những tích cực công tác xã hội mà còn làm kinh tế gia đình giỏi. Anh là người đi đầu ở thôn Mỹ Nhơn thực hiện mô hình “vườn - ao - chuồng” (VAC) mang lại hiệu quả cao.
Chúng tôi gặp Nguyễn Thanh Thọ 45 tuổi đang chăm chút cột cành cây khổ qua chuẩn bị lên giàn. Anh Thọ nêu gương nông dân cần mẫn làm ăn căn cơ nuôi con ăn học chu đáo ở thôn Phước Thiện 1, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước. Tuy đất đai canh tác ít nhưng anh đầu tư thâm canh các loài cây la- ghim bảo đảm chất lượng nông sản gắn với nhu cầu tiêu thụ thị trường đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2007, chị Nguyễn Thị Ngọc Lệ 31 tuổi, ở thôn Trường Thọ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) trồng táo trên diện tích 3,5 sào đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện mỗi ngày có khoảng 20 - 30 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Trong đó, cá được nhập lậu chủ yếu qua các cửa ngõ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh.