Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúa thu đông thiệt kép

Lúa thu đông thiệt kép
Ngày đăng: 23/09/2015

Khó thêm khó

Mưa liên tục xuất hiện nhiều trong ba ngày gần đây khiến đồng lúa Cà Mau bị ngập nặng. Không chịu nỗi gió lớn, lúa nằm rạp dưới chân ruộng, ngâm hạt trong nước mưa.

Cũng vì vậy mà 20 công đất trồng lúa của gia đình bà Nguyễn Hồng Nhi, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, bị sập gần phân nửa. Bà đã cầu cứu chủ máy gặt đập liên hợp, nhưng họ hồi âm thẳng thừng:

"Lúa bị sập quá nặng không cắt bằng máy được".

Bà Nhi cũng tìm cánh thợ gặt tay và ra mức giá từ 500 - 700 ngàn đồng mỗi công (tùy lúa sập ít sập nhiều) nhưng họ từ chối. "Giờ cũng chẳng biết sao. Chỉ mong mau hết mưa để còn cứu vãn tình thế" - bà Nhi nói.

Nhà nông Cà Mau hối hả thu hoạch và vận chuyển lúa hè thu né mưa giông.

Đồng lúa 13 công của gia đình bà Trương Thị Phi ngụ ấp Bình Minh I, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời vừa thu hoạch xong nhờ quen thân với cánh thợ gặt thuê gần nhà. Chưa kịp mừng, bà Phi lại lo vì thương lái bỏ luôn tiền đã đặt cọc, không mua lúa.

Bà Phi muốn trữ lúa chờ giá nhưng không được vì mưa dầm liên tục. Bà Phi cho biết:

"Hơn nửa tháng trước, hàng xáo tới tận nhà đặt cọc một triệu đồng, hứa mua lúa giá 4.400 đồng/kg và đưa 200 cái bao để đựng lúa. Nhưng thu hoạch xong, họ không mua lúa của tôi, nói lúa sập, giảm chất lượng".

Tình trạng lúa sập vì thiên tai xảy ra hầu khắp các xã ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh. Chia sẻ khó khăn của nhà nông địa phương, ngay cuộc họp khẩn trong sáng 15-9, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cử các đoàn cán bộ trực tiếp xuống cơ sở rà soát thiệt hại, hướng dẫn nông dân và huy động các phương tiện, máy bơm hiện có để tháo nước chống úng, giảm thiệt hại cho đồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết:

"Vụ lúa thu đông này, nông dân đối mặt nhiều khó khăn do giá lúa xuống thấp, có nơi chỉ còn khoảng 3.800 đồng/kg. Thêm vào đó, mưa liên tục những ngày gần đây kéo theo đó là tình trạng khan hiếm nhân công dù giá gặt thủ công đã tăng cao". Trong tình thế khó khăn này, nhiều nông hộ tự vận động gặt "dằn công" cho nhau, mong thu hoạch sớm để lúa giảm hư hao.

Nông dân thiệt kép

Vụ thu đông 2015, toàn tỉnh Cà Mau gieo trồng hơn 35.000 ha, chủ yếu các giống có năng suất, chất lượng cao, như: OM 2517, OM 2395, OM 9921,…

Đến nay, khoảng 30 - 40% trà lúa đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 30 - 35 giạ mỗi công (khoảng 6 tấn/ha). Nhà nông địa phương cho hay, với giá 4.100 đồng/kg, năng suất 30 giạ/công thì trừ mọi chi phí, người trồng lúa hòa vốn.

Còn những nông hộ có lúa bị sập vì thiên tai, năng suất thấp cầm chắc lỗ vốn. Nhà nông Nguyễn Văn Minh ngụ ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình có 18 công đất trồng lúa, cho biết: "Vụ này nông dân trồng lúa chịu thiệt kép. Bởi lúa năng suất không cao, cộng thêm chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu rồi gặt, kéo… cái gì cũng tăng. Trong khi giá lúa đã giảm nhưng gặt xong rồi mà thương lái lại không chịu mua".

Cánh gặt thuê ở Cà Mau được dịp thiên tai đẩy giá công gặt lên cao nhưng không thể cung ứng đủ nhân công cho những đồng lúa sập. Ông Trần Quốc Trạng, một chủ máy gặt đập liên hợp cho biết: Lúa sập nhẹ có thể gặt bằng máy nhưng chỉ thu được tám đến chín bao mỗi công (một bao khoảng hai giạ) trong khi nếu gặt bằng tay thu được khoảng 15 bao.

Cánh hàng xáo vì lúa sập, phẩm chất xuống thấp giảm giá thu mua lúa của nhà nông. Theo hàng xáo Lâm Văn Liền có ghe mua lúa ở miệt Tân Phú, huyện Thới Bình, cùng kỳ năm 2014 vào mua lúa trên địa bàn huyện Thới Bình thường đặt cọc giá từ 4.500 - 4.800 đồng/kg. Nhưng năm nay chỉ dám đặt cọc cỡ 4.200 - 4.500 đồng/kg.

"Nhà máy nói xuất khẩu gặp khó, giảm giá. Nhưng tới ngày thu hoạch, tôi không dám mua theo giá đặt cọc nữa, giảm xuống chỉ còn 3.800 đồng/kg vì lúa quá xấu, mua giá cũ sẽ lỗ vốn"- anh Liền nói. Còn bà Lý Thị Tuyết, thương lái mua lúa ở Cà Mau đến từ tỉnh Hậu Giang, khẳng định: "Thà bỏ tiền đặt cọc chứ lúa chất lượng thấp mà mua giá cao thì càng mua nhiều càng lỗ".

Dù giá lúa giảm sâu nhưng nhà nông không thể cầm lâu chờ giá. Bởi người trồng lúa cần vốn để trả tiền nhân công, tiền vật tư nông nghiệp. Song, không phải nông hộ nào thu hoạch xong cũng bán được lúa dù ở mức thấp hơn dự tính. Những nông hộ có đồng lúa đang hứng chịu mưa bão còn thê thảm hơn vì đang rất lo thành quả vụ lúa thu đông này không khéo sẽ như "công dã tràng" vì mưa dầm.

"Sau khi rà soát thiệt hại lúa do thiên tai, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất lãnh đạo tỉnh Cà Mau có hướng hỗ trợ nhà nông theo quy định", Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Tiền Giang Thiếu Điện Xông Thanh Long Nông Dân Quơn Long Thất Thu Tiền Giang Thiếu Điện Xông Thanh Long Nông Dân Quơn Long Thất Thu

Xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) là vùng chuyên canh thanh long, với 910/925 ha đất nông nghiệp trồng thanh long.

29/04/2014
Vải Thiều Đậu Quả Đạt Khoảng 80% Diện Tích Vải Thiều Đậu Quả Đạt Khoảng 80% Diện Tích

Sau khi rụng sinh lý đợt 1, hiện vải thiều của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đậu quả đạt khoảng 80% trong tổng diện tích 18 nghìn ha.

29/04/2014
Phải Gắn Sản Xuất Với Bao Tiêu Sản Phẩm Phải Gắn Sản Xuất Với Bao Tiêu Sản Phẩm

Sáng 28.4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện nghèo ven biển Lộc Hà.

29/04/2014
4 Sản Phẩm Của Tuyên Quang Được Công Nhận Thương Hiệu 4 Sản Phẩm Của Tuyên Quang Được Công Nhận Thương Hiệu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, đến nay tỉnh đã có 11 sản phẩm nông sản được chọn để triển khai việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

29/04/2014
Xây Dựng Thương Hiệu Diếp Cá Kế Xuyên Xây Dựng Thương Hiệu Diếp Cá Kế Xuyên

Hơn 25 năm nay, 48 hộ dân ở tổ 4, thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đã thoát nghèo, nuôi con ăn học nhờ trồng rau diếp cá. Địa phương đang xây dựng thương hiệu cho loại rau này.

29/04/2014