Lúa nếp Anh Đào
Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh là đơn vị thực hiện việc khảo nghiệm trình diễn và phát triển giống.
Đây là giống lúa cảm ôn, cấy được cả 2 vụ trong năm; TGST vụ xuân 140 - 145 ngày, vụ mùa 110 - 115 ngày; Chiều cao cây 115 - 120 cm, cứng cây, chống đổ khá, thích hợp chân đất vàn và vàn thấp, bông dài, hạt to, bầu, vỏ hạt màu vàng sẫm, khối lượng nghìn hạt 28 - 30 gram, năng suất trung bình 6 - 7 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 8 tấn/ha.
Gạo đẹp, xôi dẻo, mùi rất thơm, ăn ngon.
Khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Vụ mùa năm 2015, Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện Yên Phong triển khai mô hình khảo nghiệm trình diễn giống lúa nếp Anh Đào tại cánh đồng Bãi Gié của HTX Đức Lân, xã Yên Phụ với quy mô 4,85 ha.
Trước khi vào vụ, Cty cùng với Trạm Khuyến nông huyện, BQL HTX khảo sát địa bàn để bố trí điểm khảo nghiệm giống và tổ chức tập huấn tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật thâm canh giống mới cho các hộ nông dân trong mô hình. Cty đầu tư 100% giống và 50% phân bón gồm đạm, lân, kali cho các hộ nông dân tham gia mô hình.
Do có sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo cơ sở, sự đồng thuận cao của các hộ cũng như sự ủng hộ của ngành nông nghiệp nên mô hình được triển khai rất thuận lợi. Mạ được gieo ngày 28 - 29/6; cấy ngày 21 - 22/7; mật độ cấy 32 - 35 khóm/m2; 2 - 3 dảnh/khóm.
Tổng lượng phân bón là 15 kg lân supe; 6 kg đạm và 6 kg kali.
Mặc dù giống nếp Anh Đào chưa được công nhận chính thức, nhưng thông qua kết quả thực tế cấy thử nghiệm 2 vụ xuân và mùa tại xã Yên Phụ cho thấy đây là giống có triển vọng, góp phần đa dạng hóa vào bộ giống lúa nếp chất lượng cao và có thể mở rộng mô hình trong những năm tiếp theo trên địa bàn huyện Yên Phong và một số nơi khác.
Trong điều kiện thời tiết vụ mùa 2015 và thâm canh của các hộ làm mô hình cho kết quả, giống lúa nếp Anh Đào sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, trỗ bông nhanh, tập trung, khóm lá gọn, lá đòng dài, to vừa, góc lá hẹp (lá đứng), bản lá dày, trũng, lòng mo, bộ lá màu xanh sáng, tuổi thọ bộ lá cao.
Đây là những ưu điểm của giống, là tiền đề để giống có năng suất cao, TGST khoảng 115 - 120 ngày.
Các hộ đã phun phòng trừ kết hợp 2 lần sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đốm sọc vi khuẩn và bệnh đen lép hạt như các giống lúa nếp khác cấy cùng trà nhưng tỷ lệ hại nhẹ hơn các giống khác và bị đổ nghiêng do ảnh hưởng của mưa gió cuối vụ.
Các yếu tố cấu thành năng suất đều cao hơn giống lúa nếp cấy cùng trà.
Để tổng kết mô hình trình diễn, vừa qua, Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị đầu bờ giống lúa nếp Anh Đào.
Toàn bộ khách tham quan đều đánh giá đây là giống cho năng suất cao hơn các giống lúa nếp khác cấy cùng trà từ 10 - 15% (dự kiến đạt 205 - 210 kg/sào).
Lãi khoảng từ 800.000 - 1.000.000 đồng/sào, cao hơn rất nhiều so với các giống lúa tẻ và giống lúa nếp có TGST tương đương.
Với sản phẩm đầu ra, Cty CP Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình đã ký kết và thương thảo hợp đồng thu mua với thóc lúa nếp Anh Đào.
Để đảm bảo chất lượng, Cty thu mua ngay tại đầu bờ, đầu ruộng và cân tươi sau đó đưa về để chế biến.
Có thể bạn quan tâm
Hơn tuần qua, giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL tăng thêm 300 - 400 đ/kg. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở Vĩnh Long không vui, bởi phần lớn họ đã bán hết lúa từ trước đó.
Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan và được bà con nông dân vùng lũ nhân rộng. Mô hình này không cần diện tích rộng, người nuôi tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con vùng lũ.
Đó là Dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng phát triển sản xuất lợn giống” tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, do Phòng NN – PTNT huyện triển khai từ năm 2009; giúp gần 200 hộ có con giống, kinh nghiệm nuôi lợn nái để bán giống cũng như phục vụ nhu cầu nuôi lợn thịt của gia đình. Đã có rất nhiều hộ thoát đói nghèo từ Dự án ý nghĩa này.
Gà sao là đối tượng vật nuôi mới với ý tưởng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi có giá trị thu nhập cao cho nông hộ nhằm thay thế dần những vật nuôi thu nhập thấp không ổn định và thường xuyên bị rủi ro dịch bệnh, giá đầu ra bấp bênh. Với mục đính đó, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp –PTNT; Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh xây dựng thành công mô hình gà sao tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) và Đức Lạng (Đức Thọ) đạt hiệu quả cao.
Mặc dù đang ở chính vụ nhưng nhiều ao nuôi thủy sản nước lợ vẫn chưa được nông dân cải tạo, thả giống do điều kiện nuôi không thuận lợi. Lựa chọn con giống và kỹ thuật thả nuôi phù hợp là biện pháp cần thiết để nông dân có thể tận dụng những diện tích ao “bỏ hoang”, nâng cao hiệu quả kinh tế.