Lúa Gạo Chảy Đi Đâu?
Giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đang tăng mạnh theo chiều hướng có lợi cho nông dân. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại đối mặt tình trạng khan hiếm hàng.
Ngày 5/8, tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu dự hội nghị “Bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức đã đặt vấn đề: Nói ĐBSCL thiếu gạo như chuyện không tưởng. Vậy một lượng lúa gạo lớn đang nằm ở đâu?
Không tin còn 5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu
Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, cho biết: “ĐBSCL đã thu hoạch 750.000/1,6 triệu ha diện tích lúa hè thu với năng suất 5,37 tấn/ha. Dự kiến đến ngày 15/9 sẽ thu hoạch dứt điểm.
Tổng lượng sản xuất trong vụ hè thu, thu đông và vụ mùa của vùng năm 2014 ước đạt 13,4 triệu tấn lúa. Trong đó, có khoảng 8,3 triệu tấn lúa hàng hóa, tương đương gần 4,2 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Như vậy, tổng lượng gạo hàng hóa xuất khẩu trong năm nay có thể đạt trên 8 triệu tấn”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến ngày 31/7, cả nước đã xuất khẩu 3,617 triệu tấn gạo, hợp đồng còn lại chưa giao hàng là 2,102 triệu tấn. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho hơn 1 triệu tấn, lượng gạo cân đối xuất khẩu còn lại trong tháng 7 và 8 là hơn 2,6 triệu tấn đã và đang thu hoạch, tháng 9 khoảng 537.000 tấn và vụ thu đông có khoảng 1 triệu tấn gạo xuất khẩu. Như vậy, từ nay đến cuối năm còn khoảng 5 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.
Năm nay, các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung vào Philippines và Malaysia được ký vào thời điểm cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu, đã góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Hiện có nơi thương lái thu mua lúa tươi IR50404 tại ruộng với giá rất cao, từ 5.100-5.200 đồng/kg. ĐBSCL mới chỉ thu hoạch 1/2 diện tích gieo sạ nên hiện lúa vẫn còn đang nằm trên đồng.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), thắc mắc: “Nếu đúng từ đây tới cuối năm còn 5 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu thì tôi rất phấn khởi, nhưng có thật vậy không? Một cơ quan của Bộ Công thương mới đây có tổng hợp từ UBND 11 tỉnh ĐBSCL, vùng còn tồn kho 1,7 triệu tấn gạo (đã thu hoạch rồi nhưng chưa bán). Trong đó, trong dân còn tồn 800.000 tấn. Hiện giá lúa đang tốt, có nơi thương lái đã đặt cọc trước cho nông dân. Vậy ở đâu ra mà bảo còn tồn trong dân tới 800.000 tấn?”.
Từ cuối tháng 6 đến ngày 5/8, giá gạo nguyên liệu đã tăng 1.000 đồng/kg, gạo 15%, 25% tấm trong nước cao hơn giá xuất khẩu trung bình thế giới. “Mấy chục công ty thành viên của Vianfood 2 mỗi ngày mua không được từ 5.000-7.000 tấn gạo. Không biết 5 triệu tấn gạo ở đâu ra, trên đồng cũng không có”, ông Năng đặt vấn đề.
Thương lái “ôm hàng”
Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng bảo ĐBSCL thiếu lúa gạo như chuyện không tưởng. Ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, giải thích: “Lúa không còn tồn trong dân là đúng nhưng vẫn còn trong thương lái. Thương lái thấy thị trường đang có nhu cầu và Việt Nam có nhiều đầu mối xuất khẩu nên trữ lại chờ giá tăng. Còn nông dân thì đã bán lúa ngay sau khi thu hoạch tại ruộng”.
Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vẫn duy trì khối lượng khá lớn. Tổng lượng gạo xuất khẩu qua Trung Quốc 6 tháng đầu năm đạt 1,275 triệu tấn. Trong đó, theo tổng hợp từ các cửa khẩu biên giới, xuất khẩu đường tiểu ngạch khoảng 530.000 tấn, trị giá hơn 198 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 374 USD/tấn.
Thương lái Nguyễn Công Lý (ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) mấy ngày qua đi gom hàng ở xã Bình Tấn (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) với giá cao. “Lúa IR 50404, tôi mua tại ruộng từ 5.100-5.200 đồng/kg, lúa hạt dài OM 4900 từ 5.100-5.200 đồng/kg, lúa thơm khoảng 5.600 đồng/kg, Jasmine khoảng 5.400 đồng/kg. Sở dĩ giá mua lúa IR 50404 cao vì có người đặt hàng tôi”, ông Lý giải thích.
Ông Lý cho biết thêm gần một tháng nay, ông có nghe tin nhiều thương lái đi thu mua lúa rồi xay ra thành gạo giao cho các đầu mối để bán sang Trung Quốc. Do phía Trung Quốc đang hút hàng nên các “đầu nậu” về trong nước thu gom.
Ông Lâm Hoàng Sa nhìn nhận: “Năm nay do doanh nghiệp dự báo lúa hè thu có giá thấp nên họ ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp. Giờ giá lúa tăng, không có hàng phải đi thu gom. Bài toán “nông dân vui thì doanh nghiệp buồn và ngược lại” là do chúng ta giải quyết vấn đề cung cầu chưa ổn. Bản chất của vấn đề nằm ở khâu quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất ra hàng hóa và định hướng thị trường ngay từ ban đầu”.
Có thể bạn quan tâm
Anh Sa Lê (người dân tộc Chăm ở xóm Chăm Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) là người đầu tiên ở An Giang thành công với mô hình nuôi le le.
Gạo bao thai của HTX Thương mại dịch vụ và Sản xuất (TMDV&SX) nông - lâm - thuỷ sản Tuấn Hùng, xã Dực Yên (HTX Tuấn Hùng, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng và thị trường ưa chuộng.
Chùm ngây thuộc loài đại mộc, cây có thể trồng trong chậu cảnh hoặc ngoài vườn và có thể mọc cao từ 5 đến 10m. Cây sinh trưởng tốt ở nhiều điều kiện khí hậu.
Hải Phòng đã đưa ra 3 phương án lựa chọn vị trí xây dựng Trung tâm nghề cá tại Thủy Nguyên, đảo Bạch Long Vỹ và đảo Cát Bà.
Nhóm nghiên cứu Hồ Mỹ Hạnh, Trường cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Cần Thơ và Bùi Minh Tâm, khoa thủy sản, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu đặc điểm hình thái phân loại và định danh cá chành dục phân bố ở tỉnh Hậu Giang nhằm phát triển loài cá này, mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân.