Long Hựu Đông - Cần Đước (Long An) Nuôi Tôm Nước Ngọt Và Sự Phát Triển Nông Nghiệp Bền Vững?
Trong tổng số hơn 1.000ha đất nông nghiệp của xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước (Long An), có trên 200ha đất ngoài khu vực đê bao được nông dân khai thác nuôi tôm hơn 10 năm qua, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, xã còn gần 800ha đất sản xuất nông nghiệp (đã được thi công đê bao ngăn mặn, trữ ngọt) sản xuất lúa 2 vụ.
Tuy nhiên là vùng đất ngập mặn, việc trồng lúa lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, vì vậy vào những năm nắng hạn kéo dài, đất nhiễm mặn, một số diện tích trong khu vực đê bao nông dân không trồng lúa được hoặc trồng lúa kém hiệu quả, từ đó một số hộ mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm nước ngọt.
Phong trào nuôi tôm nước ngọt, nuôi tôm trong các vùng đê bao ngăn mặn đã phát triển nhanh chóng với hàng chục hécta ở các ấp Rạch Đào, Long Ninh, Rạch Cát,… Hiệu quả nuôi tôm nước ngọt ở các khu vực trên là khá cao điển hình như hộ gia đình anh Trần Văn Phát ở ấp Rạch Đào, với 2.000m2 đất nuôi tôm trong năm 2013, qua 3 vụ nuôi, gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng.
Cũng giống như gia đình anh Phát ở khu vực ấp Rạch Đào mỗi hộ nuôi khoảng 2.000 - 3.000m2 đều thu lãi vài chục triệu đồng/vụ, vì thế rất nhiều người mong muốn chuyển đổi trồng lúa sang nuôi tôm nước ngọt.
Tuy nhiên, do nuôi tôm tự phát nên hiện nay nhiều hộ nuôi tôm nước ngọt ở các khu vực kể trên cũng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất. Hệ thống quạt cung cấp oxy cho ruộng tôm phải sử dụng bằng máy phát điện, chi phí cao. Cũng do tự phát nên Nhà nước không đầu tư hệ thống thủy lợi để trữ nước ngọt, vì vậy những hộ nuôi tôm ở khu vực này đều gặp khó khăn trong việc cấp nước cho ruộng nuôi tôm.
Điều đáng quan tâm là nhiều hộ đã đưa nước mặn vào trong khu vực trồng lúa để nuôi tôm hay khoan giếng khai thác nước mặn phục vụ nuôi tôm, ảnh hưởng khá nhiều cho các hộ trồng lúa.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Thanh Hà cho biết: Việc nuôi tôm nước ngọt của một số hộ đạt kết quả cao. Tuy nhiên, xã không chủ trương mở rộng diện tích nuôi tôm vì theo quy hoạch sử dụng đất đã được huyện phê duyệt đây là vùng trồng lúa. Việc nông dân đào ao trong vùng đất thủy lợi một cách ồ ạt là hết sức nguy hiểm.
Ngoài khó khăn trước mắt là không có nguồn nước cung cấp cho ruộng tôm, vấn đề lãnh đạo xã quan tâm chính là những mâu thuẫn khi bước vào vụ trồng lúa.
Lãnh đạo xã đang xin ý kiến của huyện trong vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nếu được phê duyệt cần phải có dự án cụ thể khoanh vùng đầu tư, xây dựng hệ thống đê bao tách biệt khu vực nuôi tôm và trồng lúa, đồng thời vận động nông dân liên kết hợp tác sản xuất, việc nuôi tôm mới đạt hiệu quả, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp ở địa phương. Với quan điểm trên, hiện nay, xã không giải quyết việc đào ao nuôi tôm, xã cương quyết buộc nông dân trả lại hiện trạng.
Thực tế cho thấy, quyết định của UBND xã Long Hựu Đông là hoàn toàn có cơ sở nhằm bảo đảm tính bền vững cho sản xuất nông nghiệp cũng như bảo đảm nguồn nước, hiệu quả nuôi tôm khi diện tích được mở rộng.
Hiện nay, tại ấp Rạch Đào, toàn bộ hệ thống kênh mương của xã đều cạn kiệt nước, bên cạnh đó là những ruộng tôm nằm chơ vơ trên đồng khô nứt nẻ, trong khi nắng hạn kéo dài mà thời điểm thu hoạch còn khá xa nên những ruộng tôm này chắc chắn gặp nhiều khó khăn.
Nếu như phát triển tôm không theo quy hoạch chắc chắn việc quản lý, cung cấp nước cho ruộng tôm, nhất là những đòi hỏi về kỹ thuật cho con tôm nước ngọt là khá cao, vì vậy việc đào ao nuôi tôm ồ ạt sẽ có nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy việc mở rộng diện tích nuôi tôm nước ngọt trong điều kiện của xã hiện nay là rất khó khăn nếu không có dự án và sự hỗ trợ về chuyên môn của các ngành liên quan.
Đồng thời cũng cần phải nhìn nhận rằng nhu cầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của nông dân là chính đáng, vì thế lãnh đạo địa phương cần khảo sát cụ thể điều kiện của từng vùng, để có hướng giải quyết tốt nhất vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp địa phương, đồng thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 4.5, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết, bọ dừa đã xuất hiện và gây hại gần 1.800ha dừa ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An với tỷ lệ hại 55-60%, có nơi gây hại đến 85%.
Sáng qua (22.6), đoàn công tác liên ngành của TP. Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Tây Tựu (xã điểm của huyện Từ Liêm).
Người Cà Mau không còn xa lạ với nghề ương cua bột. Tuy nhiên, để ương cua bột thành công và đạt hiệu quả như một số hộ dân ở ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn thì không phải ai cũng có thể làm được.
Những ngày gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm rất mạnh. Chiều 20-6, giá cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, đây là mức giá rất thấp trong nhiều năm qua, khiến người nuôi chịu lỗ 4.000 - 5.000 đồng/kg
Ngành sản xuất chế biến cá tra tạo ra sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn khi cả người nuôi và doanh nghiệp đều lâm cảnh khó, lại chưa gắn kết bền vững với nhau! Trong bối cảnh người nuôi thua lỗ lớn, doanh nghiệp thiếu vốn, cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh... thì mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỉ USD năm 2012 là một thách thức!