Long Hựu Đông - Cần Đước (Long An) Nuôi Tôm Nước Ngọt Và Sự Phát Triển Nông Nghiệp Bền Vững?
Trong tổng số hơn 1.000ha đất nông nghiệp của xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước (Long An), có trên 200ha đất ngoài khu vực đê bao được nông dân khai thác nuôi tôm hơn 10 năm qua, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, xã còn gần 800ha đất sản xuất nông nghiệp (đã được thi công đê bao ngăn mặn, trữ ngọt) sản xuất lúa 2 vụ.
Tuy nhiên là vùng đất ngập mặn, việc trồng lúa lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, vì vậy vào những năm nắng hạn kéo dài, đất nhiễm mặn, một số diện tích trong khu vực đê bao nông dân không trồng lúa được hoặc trồng lúa kém hiệu quả, từ đó một số hộ mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm nước ngọt.
Phong trào nuôi tôm nước ngọt, nuôi tôm trong các vùng đê bao ngăn mặn đã phát triển nhanh chóng với hàng chục hécta ở các ấp Rạch Đào, Long Ninh, Rạch Cát,… Hiệu quả nuôi tôm nước ngọt ở các khu vực trên là khá cao điển hình như hộ gia đình anh Trần Văn Phát ở ấp Rạch Đào, với 2.000m2 đất nuôi tôm trong năm 2013, qua 3 vụ nuôi, gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng.
Cũng giống như gia đình anh Phát ở khu vực ấp Rạch Đào mỗi hộ nuôi khoảng 2.000 - 3.000m2 đều thu lãi vài chục triệu đồng/vụ, vì thế rất nhiều người mong muốn chuyển đổi trồng lúa sang nuôi tôm nước ngọt.
Tuy nhiên, do nuôi tôm tự phát nên hiện nay nhiều hộ nuôi tôm nước ngọt ở các khu vực kể trên cũng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất. Hệ thống quạt cung cấp oxy cho ruộng tôm phải sử dụng bằng máy phát điện, chi phí cao. Cũng do tự phát nên Nhà nước không đầu tư hệ thống thủy lợi để trữ nước ngọt, vì vậy những hộ nuôi tôm ở khu vực này đều gặp khó khăn trong việc cấp nước cho ruộng nuôi tôm.
Điều đáng quan tâm là nhiều hộ đã đưa nước mặn vào trong khu vực trồng lúa để nuôi tôm hay khoan giếng khai thác nước mặn phục vụ nuôi tôm, ảnh hưởng khá nhiều cho các hộ trồng lúa.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Thanh Hà cho biết: Việc nuôi tôm nước ngọt của một số hộ đạt kết quả cao. Tuy nhiên, xã không chủ trương mở rộng diện tích nuôi tôm vì theo quy hoạch sử dụng đất đã được huyện phê duyệt đây là vùng trồng lúa. Việc nông dân đào ao trong vùng đất thủy lợi một cách ồ ạt là hết sức nguy hiểm.
Ngoài khó khăn trước mắt là không có nguồn nước cung cấp cho ruộng tôm, vấn đề lãnh đạo xã quan tâm chính là những mâu thuẫn khi bước vào vụ trồng lúa.
Lãnh đạo xã đang xin ý kiến của huyện trong vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nếu được phê duyệt cần phải có dự án cụ thể khoanh vùng đầu tư, xây dựng hệ thống đê bao tách biệt khu vực nuôi tôm và trồng lúa, đồng thời vận động nông dân liên kết hợp tác sản xuất, việc nuôi tôm mới đạt hiệu quả, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp ở địa phương. Với quan điểm trên, hiện nay, xã không giải quyết việc đào ao nuôi tôm, xã cương quyết buộc nông dân trả lại hiện trạng.
Thực tế cho thấy, quyết định của UBND xã Long Hựu Đông là hoàn toàn có cơ sở nhằm bảo đảm tính bền vững cho sản xuất nông nghiệp cũng như bảo đảm nguồn nước, hiệu quả nuôi tôm khi diện tích được mở rộng.
Hiện nay, tại ấp Rạch Đào, toàn bộ hệ thống kênh mương của xã đều cạn kiệt nước, bên cạnh đó là những ruộng tôm nằm chơ vơ trên đồng khô nứt nẻ, trong khi nắng hạn kéo dài mà thời điểm thu hoạch còn khá xa nên những ruộng tôm này chắc chắn gặp nhiều khó khăn.
Nếu như phát triển tôm không theo quy hoạch chắc chắn việc quản lý, cung cấp nước cho ruộng tôm, nhất là những đòi hỏi về kỹ thuật cho con tôm nước ngọt là khá cao, vì vậy việc đào ao nuôi tôm ồ ạt sẽ có nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy việc mở rộng diện tích nuôi tôm nước ngọt trong điều kiện của xã hiện nay là rất khó khăn nếu không có dự án và sự hỗ trợ về chuyên môn của các ngành liên quan.
Đồng thời cũng cần phải nhìn nhận rằng nhu cầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của nông dân là chính đáng, vì thế lãnh đạo địa phương cần khảo sát cụ thể điều kiện của từng vùng, để có hướng giải quyết tốt nhất vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp địa phương, đồng thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của nông dân.
Related news
Các mô hình chăn nuôi lợn có rộng khắp cả nước, song cách từng bước đi lên xây dựng trang trại của anh Bùi Văn Hồng, tại xã Bình Tâm, huyện Châu Thành (tỉnh Long An) đã mang hiệu quả kinh tế cao, là tấm gương điển hình đang được nhiều người dân học hỏi
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ban hành quyết định công bố dịch heo tai xanh trên địa bàn xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai).
Trên thị trường Đà Lạt, rau đang ở mức cao giá nhất suốt nhiều tháng qua, trong đó có những loại rau củ giá cao đạt đỉnh. Xà lách mỡ Đà Lạt hiện đang có giá 35 ngàn đồng/kg nhưng cũng rất khan hàng. Các loại xà lách khác như cua rôn, cua ria, lô lô đều từ 20 - 25 ngàn đồng/kg.
Vào những ngày này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Văn Quýt cư ngụ ở ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ông là người thành công với mô hình nuôi đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 03 ha
Theo Dự án Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn (RNM) ven biển giai đoạn 2011 - 2015 của Sở NNPTNT Khánh Hoà thì toàn tỉnh sẽ trồng mới 600ha RNM, nâng tổng diện tích RNM tập trung lên 625ha.