Lối ra cho nhãn chín muộn
Kiếm tiền tỷ nhờ nhãn chín muộn
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho hay, toàn Hà Nội hiện có khoảng 500ha trồng nhãn muộn, trong đó tập trung chủ yếu ở Hoài Đức và Quốc Oai. “Nhãn muộn Hà Nội chín muộn hơn vụ nhãn thông thường từ 1,5-2 tháng, chín sau vụ nhãn muộn của Hưng Yên khoảng nửa tháng”, ông Mỹ thông tin.
Còn theo ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, hiện nay Hội có 60 hội viên với diện tích vườn nhãn đạt 50ha, sản lượng thu hoạch mỗi năm từ 300-400 tấn.
Tháng 9/2012, sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện các hộ đều áp dụng theo quy trình canh tác này, đảm bảo chất lượng ATTP. Năm 2014, nhãn hiệu tập thể “nhãn chín muộn Hoài Đức” đã được xây dựng và huyện Hoài Đức đã được công nhận hai mã vùng chỉ dẫn địa lý, nhận diện sản phẩm nhãn chín muộn là xã Song Phương và An Thượng.
Ông Trần Văn Bảy, xã Song Phương, Hoài Đức chia sẻ, gia đình ông trồng 3 vườn nhãn muộn với 600 gốc. Bình quân mỗi gốc cho thu hoạch từ 60-70kg, có những chùm nhãn nặng từ 2-3kg, với trọng lượng 50-60 quả/kg, như vậy mỗi vụ nhãn muộn, nhà ông Bảy thu về từ 35-40 tấn nhãn quả.
Với giá bán trung bình 35.000-37.000 đồng/kg, vụ nhãn năm 2014, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Bảy bỏ túi khoảng 1 tỷ đồng. Vụ nhãn năm nay, theo ông Bảy, nhãn không đẹp, nhưng vẫn có thể bán cho thương lái với giá 40.000 đồng/kg. Đồng tình, một lãnh đạo Sở NN&PTNT cho hay, trong khi nhãn trồng đúng vụ, nông dân bán tại vườn chỉ được giá từ 20.000-25.000 đồng/kg, thì nhãn muộn vừa cho năng suất cao lại được giá.
Khi nhãn chín muộn đi Mỹ
Cũng theo một cán bộ NN&PTNT, do nhãn chín muộn lại to đẹp nên nhiều người dân vẫn lầm tưởng là nhãn Trung Quốc. “Giá lại cao nữa nên có lúc cũng bán chậm, vì thông tin đến với người tiêu dùng ít quá”. Một vấn đề cũng không kém đau đầu với những người trồng nhãn muộn, là tình cảnh bị thương lái ép giá. “Năm nào được mùa, nhãn đẹp, y như rằng các thương lái bày trò giảm giá”, ông Bảy cho biết.
Nhìn nhận vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, phần lớn nhãn chín muộn của Hà Nội vẫn do thương lái thu mua tận vườn và chuyển đến các thị trường qua chợ đầu mối hoa quả như Long Biên, Đền Lừ... Do vậy, giá thành quả nhãn chín muộn phải cộng thêm nhiều chi phí phụ vì phải qua nhiều “cầu” và thương lái có thể thoải mái ép giá. Cũng theo bà Thoa, chỉ có khoảng 5-10% nhãn chín muộn được đưa vào siêu thị, nhà hàng.
Nhãn chín muộn xuất khẩu sang Mỹ sẽ giúp người nông dân không phụ thuộc vào thương lái.
Năm nay, tình hình có vẻ sáng sửa hơn khi Sở NN&PTNT Hà Nội đã mời một số doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác tiêu thụ nhãn chín muộn cho người nông dân. Đặc biệt, sau khi lấy mẫu kiểm tra, Công ty Ánh Dương Sao xác định, nhãn muộn Hoài Đức đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã. Ngay năm nay, Công ty Ánh Dương Sao sẽ đưa thử nghiệm khoảng 900kg nhãn muộn Hoài Đức sang thị trường Mỹ. “Nếu cho kết quả tốt, thị trường chấp nhận thì nhãn muộn không còn phụ thuộc vào thương lái nữa”, một cán bộ Nông nghiệp hồ hởi.
Để hỗ trợ người trồng nhãn Hoài Đức, theo ông Lê Đình Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 1, Cục Bảo vệ thực vật, hiện Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thiện việc cấp mã vùng trồng, hộ trồng nhãn muộn Hoài Đức cho đối tác Mỹ.
Trao đổi với bà con trồng nhãn Hoài Đức, ông Thành nhấn mạnh, thị trường nước ngoài đặc biệt là các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản… rất khó tính. Các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng tại những nước này luôn quan tâm đến vấn đề dịch hại và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Đặc biệt, phía Mỹ đã yêu cầu các vùng trồng nhãn xuất khẩu đi Mỹ không được sử dụng 5 hoạt chất trừ sâu, bệnh.
“Nếu trong quá trình kiểm tra, họ phát hiện dư lượng hóa chất thì lô hàng đó sẽ bị trả về, vùng trồng nhãn đó sẽ bị đánh dấu”, ông Thành cho biết.
Một trong những khó khăn là tại miền Bắc không có trung tâm chiếu xạ, các lô hàng hoa quả tươi đều phải đưa vào Bình Dương để chiếu xạ. Theo một cán bộ Bộ NN&PTNT, đến tháng 1/2016, trung tâm chiếu xạ thuộc Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ KH-CN đã được Bộ NN&PTNT đầu tư 18 tỷ đồng sẽ hoàn thành. Những quả vải, quả nhãn của nông dân miền Bắc không còn phải lặn lội vào Nam, vừa mất thêm chi phí vừa ảnh hưởng đến chất lượng.
Thêm nữa, như nhận định của ông Lê Đình Thành, người trồng trái cây không nên chỉ nghĩ đến việc đảm bảo ATTP để xuất khẩu mà toàn bộ sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng. “Trước hết là cho người tiêu dùng trong nước”.
Nhãn chín muộn là cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao của nông dân một số khu vực ngoại thành Hà Nội, thời gian thu hoạch từ 25/8 – 20/9 hàng năm. Nhãn chín muộn có 2 dòng, HTM1 (dòng quả méo), và HTM2 (dòng quả tròn). Nhãn chín muộn Hà Nội có đặc tính quả to, cùi dày, ngọt, trọng lượng trung bình 50 - 55 quả/kg. Hiện nay phần lớn sản phẩm được thu hái tươi, ít sơ chế, tiêu thụ chủ yếu qua thương lái nên đầu ra chưa ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, trại chăn nuôi dê, cừu của ông Hoàng Đại Nghĩa dưới chân khu núi 1, thôn Quán Thẻ 3, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận hiện có hơn 1.100 con dê, cừu (trong đó có 1 trại dê 700 con và 1 trại cừu 400 con), thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hoà), vùng nuôi cá mú được xem là lớn nhất Việt Nam, người Trung Quốc không chỉ thu mua mà còn sử dụng mặt nước vịnh để nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá mú.
Để khôi phục diện tích vườn chuyên canh cam sành, ngành Nông nghiệp Vĩnh Long vận động nông dân đốn bỏ vườn cam bị nhiễm bệnh.
Vụ lúa hè thu 2011, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh kết hợp cùng các doanh nghiệp thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu" sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP
Ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau vụ dưa hấu vừa qua, nhà nông đã bắt đầu tính đến chuyện trồng dưa trái vụ và đưa các giống dưa mới vào trồng thử nghiệm trên các cánh đồng. Tuy nhiên, nỗi lo của nhà nông hiện nay là không có đầu ra cho sản phẩm