Lợi Ích Từ Ứng Dụng 1 Phải, 5 Giảm
Chương trình “1 phải, 5 giảm” (1P5G) ngày càng được nhiều nông dân huyện Châu Thành (An Giang) áp dụng. Bởi, chương trình không những tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe cho nông dân.
Phó Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật (BVTV) huyện Châu Thành Nguyễn Thị Lê cho biết, vụ hè thu vừa qua, toàn huyện có hơn 10.000 nông dân tham gia ứng dụng sản xuất lúa theo các biện pháp kỹ thuật của chương trình “1P5G” trên tổng diện tích gần 13.000 héc-ta, đạt 44,35%. Trong đó, các địa phương có diện tích áp dụng “1P5G” cao, như: Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành, Hòa Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Hòa…
Riêng vụ thu đông 2013, do thời tiết không được thuận lợi, dịch bệnh phát triển hơn các vụ trước nên diện tích áp dụng “1P5G” trên địa bàn huyện có giảm nhưng không đáng kể. “Hầu hết nông dân khi tham gia tập huấn “1P5G” đều biết cách sử dụng giống lúa chất lượng cao, mật độ sạ vừa phải, bón phân theo bảng so màu lá lúa và sử dụng thuốc theo phương pháp “4 đúng”, giúp hạn chế số lần phun xịt.
Do đó, số lượng nông dân và diện tích tham gia ứng dụng “1P5G” ngày càng tăng lên qua mỗi vụ. Tuy năng suất lúa áp dụng “1P5G” không cao hơn bao nhiêu phương pháp sản xuất cũ nhưng giúp nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất từ 1 - 3 triệu đồng/héc-ta”, chị Lê chia sẻ.
Nông dân Trần Văn Châu, ấp Hòa Thạnh (xã Hòa Bình Thạnh) canh tác lúa ứng dụng “1P5G” hơn 4 năm nay, cho biết, sau khi tham gia lớp tập huấn, hội thảo ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1P5G” do Trạm Bảo vệ Thực vật huyện tổ chức, ông mạnh dạn ứng dụng tiến bộ này vào sản xuất thay cho tập quán cũ.
“Mặc dù được cán bộ Nông nghiệp hướng dẫn khá kỹ nhưng vụ đầu tiên áp dụng, tôi cũng hơi lo. Khi thu hoạch, tuy năng suất không cao hơn bao nhiêu nhưng tiết kiệm từ 150.000 – 250.000 đồng/công với phương pháp sản xuất cũ. Từ đó, tôi áp dụng “1P5G” cho đến nay” - ông Châu nói.
Bà Nguyễn Thị Lê cho biết, từ đầu năm đến nay, Trạm BVTV huyện Châu Thành đã tổ chức 16 lớp tập huấn “1P5G”, thu hút rất đông nông dân tham gia. Qua đánh giá kết quả, mô hình “1P5G” giúp nông dân tiết kiệm được giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, số lần bơm nước, tỷ lệ đổ ngã thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con nông dân.
Tuy năng suất không tăng nhiều nhưng giúp nông dân tiết kiệm từ 1 – 3 triệu đồng/héc-ta so với kỹ thuật canh tác truyền thống. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng và diện tích áp dụng “1P5G” trên địa bàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
Trong những ngày này, trên khắp nẻo đường Tây Nguyên xuất hiện rất nhiều những sạp bày bán bơ chính vụ.
Các cơ sở kinh doanh khi bán cây giống đều không xuất hóa đơn, chứng từ nên khi phát hiện giống cây kém chất lượng thì người dân không thể đòi họ bồi thường.
Sau vài tháng thị trường cá sấu giống ở các tỉnh ĐBSCL biến động mạnh, đẩy giá tăng cao đột biến, đến nay giá cá sấu giống đã có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn khá cao so với thường kỳ.
Mặc dù được xem là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Thuận, nhưng nghề làm cá cơm ở làng chài Mũi Né (TP Phan Thiết) đang gặp rất nhiều khó khăn vì sự vất vả của nghề, đầu ra thì bấp bênh, thiếu vốn đầu tư và nguồn lợi thủy sản đang ngày dần cạn kiệt. Làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không có biện pháp kịp thời.
Hàng trăm ngàn tấn thịt gà đông lạnh (chủ yếu đùi gà) đã nhập khẩu từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đang được bán ra với giá siêu rẻ: chưa tới 20.000 đồng/kg.