Lỗi Giống Lúa Nhị Ưu 838
Nông dân một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã gặp khó trong vụ xuân này do tỷ lệ nảy mầm thấp của hạt giống lúa Nhị ưu 838.
Vốn có kinh nghiệm trong sản xuất và cũng đã sử dụng giống lúa Nhị ưu 838 vào gieo cấy từ 5-6 năm nay nên vụ xuân này, anh Trần Hải Đường (Đội trưởng Đội sản xuất số 9, xóm Tân Thành 1, xã Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên) mua tới 25 kg giống lúa lai trong đó có 15 kg giống Nhị ưu 838.
Trong đợt 1 (ngày 20/1) gia đình anh Đường ngâm ủ 15 kg thóc giống. Vài ngày sau khi gieo mạ trên khay, mở nilon thì giống Nhị ưu 838 chỉ có mầm, rễ kém phát triển và bốc mùi thối, trong khi các giống khác gieo cùng thời điểm lại phát triển bình thường.
Để bảo đảm thời vụ gieo cấy, sau đó khoảng 15 ngày, gia đình anh Đường vẫn tiếp tục ngâm ủ giống lúa Nhị ưu 838 song vẫn thấy hiện tượng như thế. Ông Nguyễn Văn Thanh (Trưởng xóm Tân Thành 1, xã Đồng Bẩm) cho biết, khi ngâm ủ giống lúa Nhị ưu 838 thì thấy có hiện tượng nấm mốc và bốc mùi thối.
Qua kiểm tra, cán bộ Trung tâm Giống cây trồng Thái Nguyên, cán bộ Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên đã xác định, hạt giống lúa Nhị ưu 838 trong quá trình ngâm ủ có mùi chua, có mầm nhưng không có rễ, đem ra ruộng gieo thì không lên cây mạ.
Để kịp thời vụ gieo cấy, Trung tâm đã đề nghị các hộ nông dân đổi giống Nhị ưu 838 bằng giống lúa ngắn ngày khác và Trung tâm sẽ không thu tiền giống Nhị ưu nảy mầm kém.
Ông Nguyễn Văn Thi (Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm) cho biết, tổng số 161 kg lúa giống Nhị ưu 838 đưa về xóm Tân Thành 1 tương đương với gần 90% diện tích gieo cấy vụ xuân này của xóm và bằng khoảng 1/10 diện tích gieo cấy của toàn xã.
Người dân sợ vỡ kế hoạch thời vụ. Đó là chưa kể công chăm sóc, tiền mua khay mạ mà không thể sử dụng lại được… Tuy nhiên, toàn bộ những bất cập đó đã được đơn vị cung ứng giống tìm hướng khắc phục.
Ông Vũ Quốc Thành (Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng tỉnh Thái Nguyên) cho biết, nguyên nhân của sự việc trên là do lô giống tại xã Đồng Bẩm có chất lượng không đồng đều. Vì trong tổng số hơn 1,1 tấn giống lúa Nhị ưu 838 giao cho Trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên cung ứng cho các xã, phường thì chỉ có lô giống tại xã Đồng Bẩm có hiện tượng nói trên.
Trong quá trình tìm hiểu về hiện tượng giống lúa Nhị ưu 838 bị hỏng khi ngâm ủ và ra mạ, PV NNVN có thêm thông tin hiện tượng trên cũng xảy ra tại huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên). Ông Đỗ Xuân Hiền (Giám đốc Cty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trong vụ xuân này, Cty đã nhập về 7,5 tấn giống lúa Nhị ưu 838, trong đó cung ứng tại huyện Định Hóa số lượng là 6 tấn.
Ngay sau khi có phản ánh của bà con, cán bộ Cty đã phối hợp với UBND huyện Định Hóa tiến hành thống kê số lượng thóc giống đã bị hỏng khi ngâm ủ; chỉ đạo bà con nông dân không tiếp tục ngâm ủ nữa, đồng thời đổi sang giống khác để kịp thời gieo cấy vụ xuân.
Đối với những diện tích mạ có thể gieo cấy được thì đơn vị cung ứng sẽ chịu trách nhiệm về năng suất, sản lượng của lúa. Khi có số liệu thống kê chính thức, đơn vị cung ứng sẽ tính toán cụ thể với bà con.
Ông Mã Quốc Hùng (Trạm trưởng Trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên) cho biết, giống Nhị ưu 838 được nhập về từ Trung Quốc. Các đơn vị cung ứng cơ sở chỉ là trung gian. Dó đó cần phải có biện pháp đảm bảo chất lượng giống.
Theo kinh nghiệm thì những bao thóc giống Nhị ưu 838 có hình chú Tễu như những năm trước hoặc có tem đóng thẳng vào vỏ bao thường chưa bị lỗi bao giờ. Những bao bị lỗi là những bao có hình thức khác hoặc có tem dán vào vỏ bao.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tuần rồi, giá lúa khô loại thường ở ĐBSCL đã giảm từ mức 5.650–5.750 đ/kg của tuần trước xuống còn 5.250-5.400 đkg (giảm 350-400 đ/kg), lúa khô chất lượng cao cũng từ mức 5.800–5.900 đ/kg giảm xuống còn 5.450–5.600 đ/kg (giảm 300-350 đ/kg). Gạo hàng hóa cũng giảm mạnh.
Nghề nuôi heo rừng thương phẩm đang phát triển ở Đăk Lăk. Nhưng do hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế, nên thịt heo rừng giả được bán nhiều, ngành chức năng khó kiểm soát.
Trong khi các hộ nuôi tôm sú ở vùng ngập mặn, ven biển các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) phải đối mặt với tình trạng tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chết trên diện rộng, thì tôm của Câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng tại xã Hiệp Mỹ Đông và Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) vẫn phát triển tốt.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015 của UBND tỉnh Tây Ninh trình kỳ họp thứ hai -HĐND tỉnh khoá VIII cho biết, 5 năm qua (2006-2010), sản xuất nông - lâm - thuỷ sản của tỉnh tiếp tục duy trì được tăng trưởng cao trong điều kiện khó khăn và thách thức do dịch bệnh và thời tiết
Một loại thức ăn chăn nuôi chứa thảo dược giá rẻ, tốc độ lớn chẳng kém lợn ăn cám công nghiệp, thịt sạch, thơm ngon, giảm ô nhiễm môi trường, giật bằng độc quyền giải pháp hữu ích…