Lỗi Giống Lúa Nhị Ưu 838

Nông dân một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã gặp khó trong vụ xuân này do tỷ lệ nảy mầm thấp của hạt giống lúa Nhị ưu 838.
Vốn có kinh nghiệm trong sản xuất và cũng đã sử dụng giống lúa Nhị ưu 838 vào gieo cấy từ 5-6 năm nay nên vụ xuân này, anh Trần Hải Đường (Đội trưởng Đội sản xuất số 9, xóm Tân Thành 1, xã Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên) mua tới 25 kg giống lúa lai trong đó có 15 kg giống Nhị ưu 838.
Trong đợt 1 (ngày 20/1) gia đình anh Đường ngâm ủ 15 kg thóc giống. Vài ngày sau khi gieo mạ trên khay, mở nilon thì giống Nhị ưu 838 chỉ có mầm, rễ kém phát triển và bốc mùi thối, trong khi các giống khác gieo cùng thời điểm lại phát triển bình thường.
Để bảo đảm thời vụ gieo cấy, sau đó khoảng 15 ngày, gia đình anh Đường vẫn tiếp tục ngâm ủ giống lúa Nhị ưu 838 song vẫn thấy hiện tượng như thế. Ông Nguyễn Văn Thanh (Trưởng xóm Tân Thành 1, xã Đồng Bẩm) cho biết, khi ngâm ủ giống lúa Nhị ưu 838 thì thấy có hiện tượng nấm mốc và bốc mùi thối.
Qua kiểm tra, cán bộ Trung tâm Giống cây trồng Thái Nguyên, cán bộ Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên đã xác định, hạt giống lúa Nhị ưu 838 trong quá trình ngâm ủ có mùi chua, có mầm nhưng không có rễ, đem ra ruộng gieo thì không lên cây mạ.
Để kịp thời vụ gieo cấy, Trung tâm đã đề nghị các hộ nông dân đổi giống Nhị ưu 838 bằng giống lúa ngắn ngày khác và Trung tâm sẽ không thu tiền giống Nhị ưu nảy mầm kém.
Ông Nguyễn Văn Thi (Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm) cho biết, tổng số 161 kg lúa giống Nhị ưu 838 đưa về xóm Tân Thành 1 tương đương với gần 90% diện tích gieo cấy vụ xuân này của xóm và bằng khoảng 1/10 diện tích gieo cấy của toàn xã.
Người dân sợ vỡ kế hoạch thời vụ. Đó là chưa kể công chăm sóc, tiền mua khay mạ mà không thể sử dụng lại được… Tuy nhiên, toàn bộ những bất cập đó đã được đơn vị cung ứng giống tìm hướng khắc phục.
Ông Vũ Quốc Thành (Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng tỉnh Thái Nguyên) cho biết, nguyên nhân của sự việc trên là do lô giống tại xã Đồng Bẩm có chất lượng không đồng đều. Vì trong tổng số hơn 1,1 tấn giống lúa Nhị ưu 838 giao cho Trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên cung ứng cho các xã, phường thì chỉ có lô giống tại xã Đồng Bẩm có hiện tượng nói trên.
Trong quá trình tìm hiểu về hiện tượng giống lúa Nhị ưu 838 bị hỏng khi ngâm ủ và ra mạ, PV NNVN có thêm thông tin hiện tượng trên cũng xảy ra tại huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên). Ông Đỗ Xuân Hiền (Giám đốc Cty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trong vụ xuân này, Cty đã nhập về 7,5 tấn giống lúa Nhị ưu 838, trong đó cung ứng tại huyện Định Hóa số lượng là 6 tấn.
Ngay sau khi có phản ánh của bà con, cán bộ Cty đã phối hợp với UBND huyện Định Hóa tiến hành thống kê số lượng thóc giống đã bị hỏng khi ngâm ủ; chỉ đạo bà con nông dân không tiếp tục ngâm ủ nữa, đồng thời đổi sang giống khác để kịp thời gieo cấy vụ xuân.
Đối với những diện tích mạ có thể gieo cấy được thì đơn vị cung ứng sẽ chịu trách nhiệm về năng suất, sản lượng của lúa. Khi có số liệu thống kê chính thức, đơn vị cung ứng sẽ tính toán cụ thể với bà con.
Ông Mã Quốc Hùng (Trạm trưởng Trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên) cho biết, giống Nhị ưu 838 được nhập về từ Trung Quốc. Các đơn vị cung ứng cơ sở chỉ là trung gian. Dó đó cần phải có biện pháp đảm bảo chất lượng giống.
Theo kinh nghiệm thì những bao thóc giống Nhị ưu 838 có hình chú Tễu như những năm trước hoặc có tem đóng thẳng vào vỏ bao thường chưa bị lỗi bao giờ. Những bao bị lỗi là những bao có hình thức khác hoặc có tem dán vào vỏ bao.
Related news

Xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn (Cà Mau) có 2.730 ha nuôi tôm. Năng suất bình quân trên tôm nuôi những năm gần đây không ngừng tăng lên. Có được kết quả đó là nhờ người dân tăng cường chuyển đổi diện tích đất nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm nước tĩnh và nuôi tôm công nghiệp.

Trước áp lực siết nợ từ ngân hàng, đã có không ít hộ nông dân nuôi tôm, cá tra ở ĐBSCL quyết định chuyển sang nuôi gia công, thậm chí bán một phần tư liệu sản xuất để giải quyết nợ. Trong khi đó, chính sách khoanh nợ cho đối tượng này, có hiệu lực vào đầu tháng 11-2014, liệu có rơi vào “vết xe đổ” của những chính sách tương tự?

Sáng 10/10, tại Trường Đại học Nha Trang khai mạc lớp tập huấn quốc tế về “Quản lý đàn cá bố mẹ và chọn giống trong nuôi trồng thủy sản”. Tham gia lớp Tập huấn có 32 học viên là các chuyên gia và cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đến từ các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Từ đầu mùa mưa, phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã tuyên truyền bà con tích cực triển khai các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, theo đó từ giữa tháng 9 trở lại đây, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tăng tương đối nhanh gần 2.500 ha, riêng nuôi cá trong vèo chiếm trên 3.000 m2 diện tích mặt nước, tăng hơn gần 800 m2 so với tháng trước.

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 5.425 ha nuôi trồng thủy sản. Mặc dù bị tác động của dịch bệnh, nhưng từ đầu năm đến nay các địa phương đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn thủy sản và xây dựng mô hình chăn nuôi thuỷ sản theo hướng trang trại.