Nông thôn khởi sắc
Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, tỉnh đều có từ 4-5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; đặc biệt có một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Lộ giao thông, cảnh quan môi trường ở vùng nông thôn Hậu Giang ngày một khang trang, sạch đẹp.
Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Hậu Giang phải đối mặt với nhiều thách thức như: đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do đa phần sản xuất nông nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều thiếu thốn,…
Tuy nhiên, với sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hậu Giang đã vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM theo lộ trình đề ra, hiện đang trở thành một trong những địa phương tiêu biểu trong xây dựng NTM của khu vực ĐBSCL.
Thu nhập tăng cao, hộ nghèo giảm mạnh
Xác định việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là thước đo, là yếu tố cốt lõi của chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương triển khai nhiều chương trình, nhất là việc thực hiện tốt công tác quy hoạch, từ đó đã hình thành được những vùng phát triển những loại cây, con phù hợp, góp phần đưa thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên.
Cụ thể, đối với thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành, đây là 2 địa phương có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển vườn cây ăn trái nên trong quá trình thực hiện đề án quy hoạch, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã quy hoạch nơi đây thành vùng trồng cây ăn trái mà nổi tiếng là thương hiệu “Cam sành Ngã Bảy” và “Chanh không hạt Hậu Giang”;
Đồng thời, kết hợp xây dựng hệ thống đê bao khép kín nhằm giúp người dân chủ động nguồn nước tưới tiêu trong quá trình sản xuất.
Chính những loại cây ăn trái đặc sản trên đã thật sự mang đến “một luồng gió mới”, cơ hội cho người dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu.
Hiện tại, thu nhập bình quân 1ha cam sành đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Cá biệt, tại xã NTM Đại Thành (thị xã Ngã Bảy) có 18 hộ thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm trở lên, gần 600 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Riêng xã NTM Tân Thành (thị xã Ngã Bảy) có CLB làm vườn với 52 thành viên, thu nhập bình quân mỗi hộ thành viên trên 1 tỉ đồng.
Đối với cây chanh không hạt tại xã NTM Đông Thạnh (Châu Thành), hiện cây trồng này đang cho thu nhập bình quân khoảng 650 triệu đồng/ha/năm.
Ông Tô Chí Thâm, lão nông ở ấp Phú Quới, xã NTM Đông Thạnh, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Từ khi Nhà nước có chủ trương xây dựng NTM, nông thôn Đông Thạnh có nhiều thay đổi rõ nét.
Nông dân được tiếp cận với những giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, được hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhờ vậy, thu nhập không ngừng tăng, không còn lo cảnh đói nghèo như trước”.
Ngoài phát triển vườn cây ăn trái, Hậu Giang còn xây dựng nhiều mô hình kinh tế khác ở những địa phương còn lại như: mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, mía; mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại; đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện đề án 1.000 nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ vườn tạp… Từ đó, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, hiện đạt 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả tỉnh từ 22,8% (năm 2011) hiện giảm xuống còn 8,4%.
Nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nên thu nhập của người dân nông thôn Hậu Giang không ngừng tăng lên.
Cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện
Đời sống của người dân ngày càng ổn định thì việc xây dựng NTM ở Hậu Giang cũng thuận lợi hơn.
Người dân đã nhận thức rõ về lợi ích và hiệu quả mà phong trào mang lại, thấy được vai trò chủ thể của mình nên không còn tình trạng thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Sau khi nghe các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền lợi ích trong xây dựng NTM, bà con đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc,… để làm đường liên xóm, ấp, xây trường học, nhà văn hóa ấp… và phong trào hiến đất xây dựng các công trình công cộng đã thực sự trở nên sôi nổi.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh xây dựng được 1.183km đường nông thôn, trong đó, xây dựng mới 895km đường nhựa và đường nông thôn, duy tu, sửa chữa 288km; xây dựng 857 cây cầu, với bề rộng mặt cầu trung bình từ 2,5m trở lên.
Tổng kinh phí thực hiện hơn 1.630 tỉ đồng (trong đó: ngân sách nhà nước chiếm 66%; nhân dân đóng góp chiếm 34%).
Không chỉ có giao thông phát triển, hiện nay khi về các vùng quê nông thôn của tỉnh, nhất là ở các xã được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ dễ dàng thấy được sự “thay da đổi thịt” với hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ấp,… cũng được đầu tư đồng bộ, khang trang; đồng hành cùng với những tuyến đường nhựa, xi măng thông thoáng thì ngày càng có nhiều ngôi nhà khang trang;
Các nẻo đường đều có những luống hoa khoe sắc như tô điểm thêm những gam màu sáng cho bức tranh NTM ở Hậu Giang ngày một ấm no, sung túc.
Đánh giá quá trình xây dựng NTM của thị xã NTM Ngã Bảy (một trong những địa phương xây dựng NTM tiêu biểu của tỉnh), ông Tăng Minh Lộc, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Trung ương, cho biết:
“Tôi thật sự bất ngờ và đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và người dân Ngã Bảy đã làm được trong quá trình xây dựng NTM, nhất là thu nhập của người dân không ngừng tăng, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khởi sắc.
Có được kết quả này là nhờ địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đề ra nhiều kế hoạch và có lộ trình, bước đi rõ ràng.
Trong điều hành chỉ đạo, luôn thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên huy động được cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay xây dựng NTM.
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, cho rằng: Qua hơn 10 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, hành động, nhất là thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyên truyền nên đến nay, bộ mặt nông thôn Hậu Giang có nhiều thay đổi đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Đây là tiền đề quan trọng, giúp Hậu Giang tiếp tục có những bước triển trong những năm tiếp theo…
Tính đến nay, toàn tỉnh có 12/54 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm hơn 22%), vượt 1 xã so với kế hoạch đề ra; phấn đấu cuối năm nay, có thêm xã NTM thứ 13 (xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy dự kiến ra mắt xã NTM vào ngày 22-12 tới).
Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận thị xã Ngã Bảy đạt chuẩn NTM theo tiêu chuẩn cấp huyện, đây là đơn vị NTM cấp huyện đầu tiên của tỉnh và ĐBSCL.
Có thể bạn quan tâm
Diệt mối bằng bẫy sinh học thể hiện tính năng ưu việt hơn các biện pháp khác.
Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh quá trình thực hiện Dự án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Huyện Quang Bình có trên 700ha diện tích mặt nước, gồm: Ao, hồ, sông, suối, thủy lợi, thủy điện,... vì vậy rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS). Để khai thác tiềm năng đó, những năm qua, nhân dân trong huyện đã đẩy mạnh phát triển NTTS; nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích mặt nước để NTTS. Tuy nhiên, việc NTTS cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, chưa quy mô; các hộ dân chủ yếu chỉ nuôi ở ao, ruộng lúa mang tính tự cung, tự cấp nhằm cải thiện đời sống; vì vậy chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành. Người nuôi cá ở ĐBSCL vẫn đang lo lắng. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Thế nhưng việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá.
Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy sinh khối hệ sợi loài đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis nguồn gốc từ Tây Tạng.