Giữ vị ngọt cho cam sành Ngã Bảy
Chạy dọc theo tuyến đường về các xã Đại Thành, Tân Thành, không khó nhận ra nhiều vựa nông sản chuyên thu mua cam sành với số lượng lớn. Điều này cho thấy, trồng cam không chỉ có giá trị kinh tế cho nhà vườn mà còn góp phần hỗ trợ các lĩnh vực khác của địa phương phát triển hơn. Tại xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, người dân đã thành lập hẳn một câu lạc bộ làm vườn có thu nhập cao. Ngoài nâng cao hiệu quả canh tác cho các thành viên, câu lạc bộ còn là địa chỉ tư vấn kỹ thuật tin cậy cho nhiều nhà vườn khác. Theo ước tính của nhiều hộ, bình quân mỗi héc-ta cam sành vào giai đoạn cho trái rộ, nhà vườn thu nhập vài trăm triệu đồng/năm là chuyện bình thường, thậm chí nhiều hộ thu nhập hơn 1 tỉ đồng.
Thực tế đã chứng minh, cây cam sành chiếm vị trí rất quan trọng trong cơ cấu cây nông nghiệp ở thị xã Ngã Bảy. Trong khi cây lúa, cây mía vẫn đang loay hoay với nỗi lo đầu ra thì cây cam sành đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Đây là cây trồng có nhiều ưu thế để phát triển nhưng kèm theo thách thức không nhỏ là dịch bệnh gây hại, vườn cây già cỗi... khiến diện tích vườn cây đang giảm dần. đặc biệt, bệnh vàng lá gân xanh đe dọa, trong khi công tác quản lý dịch bệnh rất khó khăn và phức tạp dẫn đến nhiều hộ nông dân khánh kiệt. Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Bảy cho biết hiện toàn thị xã có khoảng 1.305ha bị dịch bệnh vàng lá gân xanh trong tổng số 2.811ha, trong số đó có khoảng 347ha phải đốn bỏ hoàn toàn.
Đến với hộ ông Lư Văn Mừng, ở ấp Đông An A, xã Đại Thành, vườn cam gần 2ha nhà ông đang bắt đầu cho trái chiếng. Nhiều người dân cho biết, vườn cam nhà ông là một trong số những vườn được chăm bón kỹ, cây cam khỏe mạnh. Ông Mừng chia sẻ: “Phải thường xuyên theo dõi vườn cam để chủ động phát hiện sớm sâu bệnh gây hại cho cây, có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả. Ngoài việc hạn chế tối đa phun thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ bón cho cây. Nhờ đó giảm tình trạng đất bạc màu nhanh, vườn cam duy trì năng suất ổn định, quả đẹp, đặc biệt là kéo dài thời gian thu hoạch. Từ đó cam vừa dễ bán, vừa được giá”.
Riêng ông Huỳnh Hoàng Anh, ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, một trong những người đã nhiều lần có ý định chặt bỏ cam vì đa phần cam đã già cỗi cộng thêm dịch bệnh. Nhưng cuối cùng ông chấp nhận trụ lại với loại cây trồng này. Thay vào đó, ông khoanh vùng những khu vực cam sạch bệnh rồi chăm bón kỹ. Khu vực cây bệnh ông đốn bỏ và cải tạo lại đất vườn, ông chọn cây giống mới sạch bệnh để trồng. “Để bảo đảm giống cam sạch bệnh, chất lượng, tôi lấy những cây khỏe mạnh mang đi nhờ những người bạn có kinh nghiệm để chọn lọc mắt ghép rồi mang về trồng lại”, ông Hoàng Anh cho biết.
Vườn cam sành của ông Nguyễn Văn Hùng, ở ấp Đông An, xã Đại Thành, có trên 3 công nhưng hầu như bị bệnh vàng lá gân xanh. Đối với người nông dân này, việc đốn bỏ cam là chuyện “một sớm một chiều”. Còn việc lựa chọn cây trồng nào để chuyển đổi mới quan trọng. Tuy nhiên, trong ánh mắt của người nông dân này vẫn le lói lên niềm hy vọng.
“Đã bao năm gắn bó với cây cam, giờ đốn bỏ cũng thấy tiếc. Nghĩ lại, cũng do bản thân mình chưa xem xét kỹ lưỡng trước khi chọn cây giống nên khi cây bị bệnh trở tay không kịp. Giờ chuyển sang cây trồng khác không dễ gì. Nếu chọn được nguồn cây giống sạch bệnh, tôi sẵn sàng cải tạo lại vườn để trồng cây mới một thời gian rồi quay lại trồng cam. Vấn đề là làm sao chọn được giống sạch bệnh để tránh được bài học từ vụ cam vừa qua?”. Trăn trở của ông Hùng cũng là băn khoăn của những hộ trồng cam hiện nay.
Điều đáng mừng hơn là hiện nay cả chính quyền địa phương cùng người dân đều đồng lòng vào cuộc với mong muốn giữ lại “vị ngọt” của cam sành Ngã Bảy. Ông Lê Văn Trận, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Ngành chuyên môn tăng cường khuyến cáo bà con có nguyện vọng trồng lại cam sành thì nhà vườn nên tiến hành cải tạo lại đất để chuyển sang canh tác cây trồng có giá trị kinh tế khác trong thời gian ngắn. Rồi sau đó mới bắt đầu xử lý và trồng lại cam sành để tránh thiệt hại.
Đặc biệt bà con phải biết lựa chọn, quản lý giống cây trồng ngay từ ban đầu sao cho có chất lượng, sạch bệnh. Song song đó, chúng tôi khuyến cáo bà con sử dụng cây giống sạch bệnh hoặc áp dụng các biện pháp trồng xen cây ổi trong vườn cam để xua đuổi rầy chổng cánh (tác nhân truyền bệnh vàng lá gân xanh) hoặc trồng cây chắn gió để hạn chế sự xâm nhập rầy chổng cánh vào vườn và che bớt nắng cho cam, sử dụng thuốc hóa học an toàn, hợp lý để trừ rầy hiệu quả”.
Có thể bạn quan tâm
Dù không phải địa phương có dịch nhưng những ngày này, người chăn nuôi thương hiệu gà đồi Yên Thế như đang "ngồi trên lửa" vì giá gà giảm quá sâu.
Dù phải mất kinh phí nhưng bà con ở Vĩnh Phúc vẫn rủ nhau đi học phòng chống dịch cúm gia cầm, bởi khi có kiến thức thì chăn nuôi sẽ đạt hiệu quả kinh tế lâu dài.
UBND TPHCM vừa có văn bản triển khai quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Theo đó, Chi cục Thú y lấy mẫu định kỳ 6 tháng/lần để giám sát chặt tình hình dịch tễ các nhà nuôi yến trên địa bàn và lấy mẫu kiểm tra đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cúm gia cầm xảy ra. Ngoài ra, TP yêu cầu các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh các nhà nuôi yến ngoài khu vực quy hoạch.
Trong những năm gần đây, phong trào phụ nữ đầu tư chăn nuôi bò phát triển khá mạnh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn - Bình Định). Ngoài cây lúa thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở đây để trang trải cuộc sống.
Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.