Loại Thuốc Làm Chín Trái Vẫn Được Phép Sử Dụng
Trước vụ thu hoạch sầu riêng năm nay bà con ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại phập phồng lo lắng. Thông tin sử dụng thuốc làm chín trái trong vụ thu hoạch năm ngoái đã khiến người trồng lao đao vì giá bán xuống thấp, nguy cơ thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn bị mất dần.
Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ thu hoạch này, các ngành chức năng cùng với chính quyền huyện Khánh Sơn đã có hàng loạt giải pháp để giữ vững thương hiệu cho cây sầu riêng. Và thông tin mới nhất từ Chi cục Bảo vệ Thực vật Khánh Hòa cho biết: loại thuốc làm chín trái vẫn được phép sử dụng. Thông tin này đã giải đáp nhiều hoài nghi lâu nay.
Loại thuốc làm chín trái sầu riêng mà một số nhà vườn và tiểu thương đã sử dụng vào năm 2013 đã được sử dụng khá rộng rãi. Sau khi sự việc này được công bố trên 1 số kênh thông tin, lập tức giá bán sầu riêng rớt thảm hại, thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù, ngay tại thời điểm đó, UBND huyện đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, gửi mẫu xét nghiệm.
Sau đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Khánh Hòa xác nhận đây là thuốc nằm trong danh mục cho phép sử dụng. Tuy nhiên, tình hình vẫn không có nhiều chuyển biến. Một vài tiểu thương lợi dụng thông tin này, tiếp tục ép giá bán đối với bà con.
Ông Trần Văn Sĩ, Xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho rằng việc đưa thông tin sử dụng thuốc làm chín là do tư thương đánh lừa, làm giá bà con để ép bà con bán sớm.
Ngay trong đầu vụ thu hoạch năm nay, thông tin sử dụng thuốc trên sầu riêng lại nổi lên, khiến người tiêu dùng e ngại, ảnh hưởng đến thương hiệu và thu nhập của bà con.
Do vậy, vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Khánh Hòa đã có buổi làm việc với UBND huyện Khánh Sơn, trao đổi thêm 1 số thông tin xung quanh loại thuốc này. Theo Chi cục, kết quả những mẫu thuốc lấy tại huyện Khánh Sơn vào năm ngoái cho thấy đây chỉ là loại thuốc làm chín thông thường, thuộc nhóm phosphonate.
Rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng, và an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm trên sầu riêng ở Khánh Sơn cũng hoàn toàn không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Khánh Hòa cho biết loại thuốc này có tên là trái chín, gọi là thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng. Khi sử dụng thuốc kích thích làm rụng lá, phóng thích etylen, là loại thuốc nội sinh thực vật, nó không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, chỉ thúc đẩy làm nhanh chín trái.
Đặc thù của sầu riêng là không thể chờ trái chín, rụng xuống mới đem bán. Hầu hết nhà vườn đều thu hoạch hàng loạt, việc tiêu thụ phụ thuộc vào tiểu thương.
Do vậy, Chi cục cũng khuyến cáo: các nhà vườn, và tiểu thương phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định sử dụng thuốc phải nằm trong danh mục được cơ quan chức năng cho phép, đúng liều lượng; sầu riêng được thu hoạch đúng thời điểm trái đạt độ chín, nhằm đảm bảo chất lượng sầu riêng.
Trong vụ sầu riêng năm nay, UBND huyện Khánh Sơn cũng đã tiến tới thành lập Hiệp hội sầu riêng để tăng cường công tác quản lý, cũng như tạo điều kiện để bà con chủ động trong thu hoạch, yên tâm sản xuất.
Theo bà Lê Thị Trang, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Khánh Hòa, người trồng sử dụng thuốc nằm trong danh mục cho phép nhưng phải thu hoạch ở độ vừa chín, sử dụng với nồng độ cho phép không ảnh hưởng đến chất lượng.
Năm nay, cả huyện Khánh Sơn có khoảng 400 ha sầu riêng sẽ cho thu hoạch. Cùng với những thông tin được các ngành chức năng công bố, UBND huyện và bà con rất hy vọng sầu riêng Khánh Sơn không chỉ giữ được chất lượng, thương hiệu, mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, để làm được điều này, phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm, ý thức của chính người trồng sầu riêng. Bà con phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn thương hiệu sầu riêng của chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi vịt ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã thực hiện mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học (ATSH) nhằm hạn chế dịch bệnh, cung ứng nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Bằng quyết tâm và ham học hỏi, anh Văn Minh Thể, sinh năm 1980 ở thôn 6, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã nuôi thành công loài chim trĩ đỏ trên vùng đất Tây Nguyên.
Trong những ngày này, nông dân tỉnh Tiền Giang đang tập trung chăm sóc lúa thu đông bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, với tổng diện tích hơn 38.000 ha, tập trung nhiều ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phú Đông, Gò Công Tây. Tuy nhiên, vào thời điểm này do thời tiết diễn biến phức tạp nên các đối tượng sâu bệnh, dịch hại đang có xu hướng tăng cao trên lúa thu đông.
Trong khi ở nhiều nơi, cây vụ đông mới bắt đầu lên xanh thì ở huyện Nam Sách (Hải Dương), những ruộng cà chua đã cho những trái quả đỏ, xanh.
Trong khi các “vựa rau” ở Tư Nghĩa hay TP.Quảng Ngãi tiêu điều vì bị mưa vùi gió dập thì nhiều ruộng la ghim của nông dân xã Đức Thạnh (Mộ Đức) lại bán được giá.