Chủ động mọi tình huống
Công trình thế kỷ
Hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) nằm trên thượng nguồn sông Chu.
Xưa, nơi đây là một vùng rừng núi thâm u, quanh năm mây phủ nhưng nguồn tài nguyên nước vô cùng phong phú.
Bởi vậy, ngay từ đầu thế kỷ 20 người Pháp đã chọn sông Chu để nghiên cứu để xây dựng công trình thuỷ lợi.
Năm 1920 công trình đập dâng Bái Thượng được khởi công xây dựng đến năm 1928 đưa vào khai thác sử dụng trong niềm hân hoan của người dân bản địa.
Tuy nhiên, công trình Bái Thượng cũng chỉ là đập dâng khai thác lưu lượng cơ bản nên chỉ tưới được một phần diện tích đất SX vùng Nam sông Chu, chưa thể đáp ứng được yêu cầu nhiều mặt về phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hoá.
Trước tình hình đó, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, giao cho Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư công trình đầu mối ở xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân.
Sau khi hoàn thành công trình được Bộ bàn giao cho Trung tâm Quản lý thủy nông (BQL Đầu tư và xây dựng thủy lợi 3) quản lý, khai thác.
Đến đầu năm 2012, sau khi Bộ bàn giao công trình cho UBND tỉnh Thanh Hóa thì đơn vị đảm nhận trọng trách quản lý, vận hành hồ là Cty TNHH MTV sông Chu.
“Với tổng sức chứa 1,5 tỷ m3 nước, hồ Cửa Đạt là công trình thế kỷ trọng điểm khu vực Bắc Trung bộ nói chung, xứ Thanh nói riêng.
Ngoài nhiệm vụ chính là cắt giảm lũ sông Chu; phục vụ tưới tiêu cho 86.500 ha đất SX nông nghiệp thuộc các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hoá, Quảng Xương, một phần diện tích huyện Cẩm Thuỷ và TP Thanh Hoá;
Cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 7.715m3/s, hồ Cửa Đạt còn xả mặn cho sông Chu vào mùa kiệt và phát điện kinh doanh với công suất 97 MW”, ông Lê Văn Thủy nhấn mạnh.
Theo ông Thủy, mặc dù đơn vị mới chỉ tiếp nhận quản lý, khai thác 4 năm nhưng với đặc thù vận hành liên hồ chứa Hủa Na (tỉnh Nghệ An) và Cửa Đạt trên cùng một lưu vực sông Chu nên áp lực vừa đảm bảo an toàn cho hồ, vừa cắt giảm lũ vùng hạ lưu cực kỳ lớn.
“Để hạn chế rủi ro xảy ra chúng tôi sàng lọc những cán bộ kỹ thuật dày dặn kinh nghiệm trực 24/24h, kiểm tra, vận hành đồng thời hệ thống hồ Cửa Đạt và 3 đập phụ Hón Can, Dốc Cáy và Bản Chát.
Mùa mưa, Cty tích nước theo đúng quy trình, trường hợp nước trong hồ vượt quá thiết kế thì chủ động xả dàn trải, không xả đột ngột gây ngập lụt.
Còn mùa kiệt, theo dõi sát sao dự báo thời tiết để vận hành theo hình thức tưới tiết kiệm”, ông Thủy nói.
Ngoài các yếu tố trên, để đảm bảo an toàn cho hồ, đầu mùa mưa lũ hàng năm Cty Sông Chu ký quy chế phối hợp vận hành liên hồ chứa với Cty Thủy điện Hủa Na.
Đồng thời, lập phương án phòng chống lụt bão cụ thể cho giai đoạn, từng thời điểm. Tức là, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để xác định mực nước, lúc nào cần xả, xả với lưu lượng bao nhiêu; thời điểm nào thì phải di dời dân; chuẩn bị vật tư tại chỗ; diễn tập vỡ hồ… phòng khi trường hợp có sự cố thì cứ theo phương án để làm.
Đối với nhiệm vụ cấp nước phục vụ SX nông nghiệp, đến thời điểm này hồ Cửa Đạt đang tưới cho gần 80% diện tích của tỉnh (vụ ĐX khoảng 110 nghìn ha; vụ mùa 115 nghìn ha).
“Nhiệm vụ cắt giảm lũ quan trọng bao nhiêu thì tưới SX quan trọng bấy nhiêu.
Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, trong khi thời vụ SX ngắn nên công tác phục vụ tưới rất cấp tập.
Chúng tôi đang bám sát đề án tái cơ cấu ngành để đổi mới cách thức quản lý và phục vụ”, ông Lê Văn Thủy cho hay.
Theo đó, ngành trồng trọt Thanh Hóa tái cơ cấu bằng việc chuyển nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu; đưa các giống lúa ngắn ngày, né lũ (từ 110 - 130 ngày) vào SX; cơ cấu mùa vụ sớm; gieo cấy đồng loạt…cho nên Cty cũng phải đổi mới phương án tưới từ lúa sang màu.
“Ví dụ, trước tưới 50 nghìn ha lúa, 30 nghìn ha màu thì lượng nước tưới đòi hỏi lớn hơn bây giờ tưới 30 nghìn ha lúa, 50 nghìn ha màu.
Hơn nữa, cơ cấu giống ngắn ngày, thời vụ gắt gao (chỉ trong 15 – 20 ngày) thì lưu lượng nước tưới cũng phải tăng lên cho phù hợp, có những thời điểm các trạm bơm phải vận hành 24/24 giờ trong nhiều ngày liền chứ không phải 12/24h như trước nữa”, ông Thủy thông tin thêm.
Hệ thống kênh “khủng”
Song hành với tầm quan trọng của công trình đầu mối, hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã được xem như “cánh tay nối dài”, hiện thực hóa công năng của hồ Cửa Đạt.
Hệ thống kênh có tổng chiều dài 385 km (gồm kênh chính 16,5 km; kênh chính Bắc 34 km (kênh nhánh 180 km) và kênh chính Nam dài 23,5 km (kênh nhánh 131 km)), với tổng mức đầu tư hơn 4,3 nghìn tỷ đồng; trải dài trên địa bàn 6 huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Yên Định, Thọ Xuân và Thiệu Hóa.
Trong thời gian 5 năm, đơn vị thi công công trình đầu mối hồ Cửa Đạt đã đào đắp hơn 38 triệu m3 đất đá; 321 nghìn m3 bê tông; 105 nghìn tấn thép các loại; hơn 2 nghìn tấn cơ khí thuỷ công… với tổng kinh phí xây dựng gần 5 nghìn tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Nhiệm vụ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đảm nhận là cấp nước tưới cho hơn 31 nghìn ha đất SX nông nghiệp (trong đó vùng Bắc sông Chu - Nam sông Mã 19.930 ha; tưới thay hệ thống trạm bơm Nam sông Mã hiện nay hơn 11 nghìn ha); cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp nông thôn dọc tuyến kênh; góp phần cải thiện giao thông nông thôn, môi trường sinh thái và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ông Cao Bá Chí, Phó GĐ BQL dự án thủy lợi Thanh Hóa, đơn vị thực hiện hợp phần kênh chính Nam cho biết, đến thời điểm này đơn vị thi công đã hoàn thành 23 km ở 2 huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân.
Tuyến kênh nhánh cấp 1,2,3 đã thi công được 10/131 km.
“Theo kế hoạch các tuyến kênh nhánh phải hoàn thành trước 31/12/2016.
Tuy nhiên, đến nay hội đồng bồi thường các huyện mới chỉ bàn giao mặt bằng cho chúng tôi đươc 30/131 km.
Tiến độ đang rất chậm, do đó chúng tôi đề nghị tỉnh, huyện cần có phương án đẩy nhanh tiến độ, bàn giao mặt bằng cho chúng tôi thi công”, ông Chí nói.
Còn ông Lê Bá Huân, Trưởng ban ADB 6 (BQL Đầu tư và xây dựng thủy lợi 3, Bộ NN-PTNT), người trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, cùng gắn bó với công nhân công trường cho biết, BQL được giao nhiệm vụ thực hiện hợp phần kênh chính và kênh chính Bắc.
Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5,5/16,5 km kênh chính; 11 km còn lại dự kiến tháng 10/2016 sẽ hoàn thành.
Đối với 34 km kênh chính Bắc, đang triển khai thực hiện trên toàn tuyến, còn 180 km kênh nhánh nằm ở 4 huyện Ngọc Lặc, Yên Định, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, chủ đầu tư đang lựa chọn nhà thầu; dự kiến trong tháng 11/2015 sẽ phát lệnh khởi công một số tuyến.
“Phải khẳng định rằng việc đầu tư xây dựng kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã đóng vai trò hết sức quan trọng.
Khi các hợp phần kênh đưa vào khai thác theo hình thức tự chảy không chỉ giải cơn “khát” vào mùa khô cho hàng chục nghìn ha đất SX nông nghiệp, mà còn cứu gần 20 nghìn ha đất SX hiện nay chưa chủ động được nước tưới, chủ yếu trông vào nước trời.
Đồng thời, tiết kiệm chi phí vận hành, điện, duy tu bảo dưỡng hệ thống trạm bơn Nam sông Mã”, ông Huân nhấn mạnh.
Được biết, các chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí vốn đối ứng, tập trung chỉ đạo hội đồng bồi thường các địa phương bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện đúng tiến độ.
Có thể bạn quan tâm
Bến Tre hiện có tổng diện tích 43.556ha nuôi trồng thủy sản, bao gồm tôm biển 32.106ha. Trong đó, tôm thâm canh, bán thâm canh 5.500ha (tôm sú 1.250ha, tôm thẻ chân trắng 4.250ha); tôm nuôi thả giống vụ 2 có diện tích khoảng 1.911ha. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra liên tục với tổng diện tích thiệt hại 1.322ha, chiếm 18% diện tích thả nuôi. Tôm chết có nhiều nguyên nhân nhưng hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính được xác định là nguyên nhân khá phổ biến cần đặc biệt quan tâm.
Gần đây, tôm sú và ốc hương trên địa bàn xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) thường xuyên xảy ra dịch bệnh, khiến bà con lâm vào cảnh nợ nần. Trước khó khăn đó, người dân đã "rẽ bước sang ngang" đầu tư nuôi cá lồng, trong đó cá vẩu là đối tượng nuôi được chú trọng.
Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt vừa cấp 64 ngàn cây giống ớt ngọt Hà Lan cho 20 hộ nông dân thuộc các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành và Tà Nung.
Ngày 25.8, ông Trần Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện đã có 10ha sắn thuộc 4 xã tại huyện Hướng Hóa bị rệp sáp bột hồng (rệp châu Phi) tấn công, trong đó nhiều nhất là xã A Dơi với 5ha.
Thanh long là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận - điều đó không cần phải bàn cãi. Song, để giải “bài toán” tiêu thụ cho loại trái cây đặc sản lại là vấn đề mà bấy lâu nay địa phương cùng các ngành chức năng vẫn chưa có “đáp án” cụ thể…