Lo ngại nhất chăn nuôi khi tham gia TPP
Có những thế mạnh riêng để hội nhập
Nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực sẽ gặp nhiều thách thức nhất của Việt Nam khi tham gia TPP.
Bộ NN&PTNT đã chuẩn bị thế nào để đối phó, thưa ông?
Bản thân tôi rất chia sẻ lo ngại với các chuyên gia và bà con nông dân.
Nông nghiệp nước ta vốn là nền nông nghiệp dựa trên các hộ sản xuất nhỏ lẻ vì thế rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường.
Trong điều kiện hội nhập, giảm thuế, tự do hóa thương mại thì hàng hóa của các nước với giá rẻ có thể xâm nhập vào thị trường nước ta, ảnh hưởng đến thu nhập vốn đã rất nhỏ của người nông dân.
Tuy nhiên, sự lo ngại chính đáng đó có thể chỉ đúng với một số trường hợp.
Bởi TPP còn mở ra cơ hội xuất khẩu, môi trường cạnh tranh lành mạnh với những mặt hàng đang là thế mạnh của Việt Nam.
Những mặt hàng này đã quen với cạnh tranh, có khả năng sản xuất hiệu quả cao hơn so với các nước khác.
Ví dụ như lúa gạo, có thể cạnh tranh có hiệu quả với các nước trong TPP như: Nhật, Canada, Mê-xi-cô… Trong TPP cũng chỉ có Mê-xi-cô là có sản xuất cà phê, rõ ràng nếu tái cơ cấu ngành cà phê tốt, hoàn toàn có thể cạnh tranh được.
Tuy nhiên đối với lĩnh vực chăn nuôi thì khó khăn hơn rất nhiều, trong thời gian còn 10 năm để chuẩn bị chúng ta sẽ làm gì, thưa ông?
Đúng là ngành đáng lo ngại nhất khi hội nhập chính là chăn nuôi.
Lĩnh vực chăn nuôi của nước ta chủ yếu dựa vào các hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật không cao.
Dẫn đến giá thành cao, hiệu quả kém, thiếu tính bền vững.
Trước tình hình đó, chúng ta cần bình tĩnh, rà soát, tìm hướng đi phù hợp, phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhân công.
Bên cạnh đó, cần chủ động tiếp thu thành tựu về khoa học kỹ thuật của các nước có nền chăn nuôi tiên tiến.
Chính vì thế, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã cử các đoàn công tác tới làm việc với những nước có nền chăn nuôi phát triển như: Chăn nuôi heo ở Đan Mạch, chăn nuôi gia cầm ở Mỹ, Thái Lan; mô hình chăn nuôi đại gia súc ở Úc… Làm việc với cộng đồng doanh nghiệp (DN) để kêu gọi đầu tư vào ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Truy tận gốc chất cấm
Hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là vấn đề nóng, trong khi các chế tài xử lý được cho là chưa đủ sức răn đe?
“Liên kết nông dân trong chuỗi sản xuất là hết sức quan trọng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Để liên kết cần có những hình thức hợp tác phù hợp như: các tổ hợp tác, các HTX kiểu mới.
Tổ hợp tác, HTX phải gắn trong các chuỗi giá trị, đồng thời tập trung vào các khâu hỗ trợ cho tiêu thụ nông sản thay vì chỉ làm các dịch vụ cung ứng về đầu vào”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát
ATVSTP ảnh hưởng lớn nhất đến niềm tin của người tiêu dùng, cho dù mức độ ô nhiễm có thể chưa phải cao như mọi người cảm nhận.
Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là phải giải tỏa, củng cố niềm tin cho người dân vào nông sản sản xuất trong nước.
ATVSTP cũng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân.
Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo theo hai hướng.
Một mặt vẫn tiếp tục kiểm tra tồn dư trên thức ăn được chế biến sẵn, nhưng đó chỉ là phần ngọn.
Hướng quan trọng nữa Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo là điều tra, phát hiện đường dây buôn bán, truy đến tận cùng nguồn xuất ra thị trường của chất cấm này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng của Bộ thực hiện đúng chủ trương: Công bố, công khai danh tính, đơn vị vi phạm cũng như đơn vị làm tốt.
Với quy định xử phạt hành chính hiện nay, chúng tôi sẽ rà soát để có báo cáo với Chính phủ có sự điều chỉnh.
Mặt khác, đề nghị cơ quan chức năng xem xét những hành vi vi phạm nghiêm trọng để xử lý theo pháp luật hình sự.
Như ông nói muốn cạnh tranh thì phải thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, vậy cơ chế đột phá nào để thực hiện điều này, thưa ông?
Bộ đã xác định thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Chính vì thế trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ, rà soát các khâu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp: Đơn giản hóa, giảm đến mức tối thiểu thủ tục hành chính, chi phí về công sức, tiền bạc; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tin học; Rà soát các loại phí, lệ phí...
Gần đây nhiều DN lớn trong nước cũng như quốc tế đã đầu tư vào nông nghiệp, điều đó cho thấy môi trường đầu tư nông nghiệp bắt đầu hấp dẫn.
Nhưng tôi thấy nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư cần phải tiếp tục cả tầm vĩ mô lẫn kỹ thuật.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất những cơ chế mới để khuyến khích sự hợp tác giữa hộ nông dân với DN để giải quyết khó khăn lớn của các DN hiện nay là đất đai.
Bởi hầu hết đất đai đã được chia cho nông dân sử dụng ổn định lâu dài, để có đất cho DN cần có những chính sách mới.
Trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu, không thể trông chờ nguồn đầu tư từ ngân sách.
Nguồn quan trọng nhất trong tương lai sẽ là đầu tư của nhân dân, các DN, trong đó có DN có vốn nước ngoài (FDI).
Ngoài việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp về cải thiện môi trường đầu tư, chúng tôi cũng đã soạn thảo, sớm trình Chính phủ Nghị định quy định những chính sách đặc thù để khuyến khích các DN FDI đầu tư vào nông nghiệp.
Cảm ơn ông!
Mở đợt cao điểm truy quét chất cấm
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương triển khai đợt cao điểm hành động về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, thời gian từ nay đến hết tháng 2/2016 (sau Tết âm lịch).
Theo đó, các địa phương cần tập trung ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm, đặc biệt là chất tạo nạc Salbutamol trong chăn nuôi lợn, chất tạo màu vàng ô với gia cầm; các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Cùng đó, giảm tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi; ô nhiễm vi sinh trong thịt vượt ngưỡng 30% so với 9 tháng đầu năm 2015.
Các địa phương xây dựng, hình thành một số điểm cung ứng nông sản, thủy sản an toàn có xác nhận (rau, quả, thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi) cho người tiêu dùng để phổ biến, nhân rộng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Xóm Hữu Nghị, xã Hợp Tiến được biết đến là một trong những địa phương trồng vải nhiều, có chất lượng cao của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Hàng chục năm nay, 48 hộ dân trong xóm vẫn cần mẫn chăm sóc đồi vải của mình để đem đến cho người tiêu dùng những chùm quả chín ngọt.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người nông dân nuôi tằm tại Trung Quốc đã dần thay đổi và cải tiến phương thức nuôi tằm.
Thử nghiệm nuôi cá bóp lồng bè (còn gọi là cá bớp, bốp) ở Cà Mau bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên đảo Hòn Chuối.
Từ thôn thuần nông nghèo nhất xã Hoàng Đông (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), đến nay, Bạch Xá đã trở thành địa chỉ hàng đầu nuôi và cung cấp "đặc sản" rắn hổ mang, rắn hổ trâu ở tỉnh này, mang lại tiền tỷ cho không ít hộ gia đình.
Một số huyện ven đô Hà Nội, Vĩnh Phúc- vùng chăn nuôi bò sữa truyền thống của các tỉnh phía Bắc đang đô thị hóa quá nhanh, đẩy dần đàn bò sữa dời khỏi các vùng này. Trong sự dịch chuyển ấy, Hà Nam nổi lên như một tỉnh nuôi bò sữa tiềm năng.