Lo Ế Ẩm Nhưng Vải Thiều Vẫn Bội Thu
Đầu mùa vải năm nay, do quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc xấu đi, có thời điểm xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều rất khó khăn. Nhưng không ngờ, chính từ chỗ khó, với những nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, Bắc Giang và Hải Dương đã có một vụ mùa bội thu.
Theo các số liệu thống kê mới nhất của Sở Công thương Bắc Giang và Hải Dương, hai tỉnh chiếm gần như 100% sản lượng vải cả nước, kết thúc mùa thu hoạch vải thiều năm nay, tổng sản lượng thu hoạch và tiêu thụ trên địa bàn hai tỉnh đạt ước khoảng trên 242.000 tấn, tăng trên 52.000 tấn so với năm 2013.
Riêng tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hết quả vải với sản lượng ước tính 192.000 tấn, tăng 52.000 tấn so với sản lượng báo cáo đầu vụ. Tổng giá trị trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt 2.180 tỉ đồng. Còn Hải Dương đã bán hết 50.000 tấn từ ngày 2.7 vừa qua.
Về giá cả, năm nay, ở thời điểm cuối vụ, giá vải tươi dao động từ 14.000 - 24.000 đồng/kg, không tăng nhiều so với thời điểm đầu vụ. Đáng chú ý, giá xuất khẩu vải trung bình đạt 16.000 đồng/kg, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1.600 tỉ đồng (tương đương 75 triệu USD).
Giá vải sấy khô đạt khá cao 50.000 - 60.000 đồng/kg. Riêng với thị trường nội địa, theo Bộ Công thương, tổng sản lượng tiêu thụ đến thời điểm hiện tại khoảng 93.000 tấn (chiếm 49% tổng sản lượng toàn tỉnh). Trong đó, thị trường tiêu thụ phía nam thuận lợi, giá cao, sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn, chiếm 65% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Theo một cán bộ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), mặc dù có thời điểm, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc rất khó khăn, thậm chí có những ngày dừng lại hoàn toàn, nhưng tổng hợp chung, lượng vải thiều năm nay xuất qua các cửa khẩu phía bắc sang thị trường Trung Quốc vẫn tương đương so với các năm trước.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lộc cho hay, lượng tiêu thụ quả vải năm nay đã hết, sản lượng thu hoạch của cả nước dự kiến tăng khoảng 27,3% so với vụ vải năm 2013, tương đương 52.000 tấn. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng khẳng định đây là vụ mùa vải bội thu vì về cơ bản, giá cả ổn định nhưng tiêu thụ trong nước tăng mạnh, thị trường xuất khẩu được mở rộng, là một tín hiệu rất đáng mừng.
Ông Trần Văn Lộc nhớ lại có thời điểm, vải thiều được mùa, sản lượng lớn nhưng tiêu thụ rất khó khăn do căng thẳng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc về biển Đông. Thậm chí, có thời điểm một ký vải thiều chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng. Nhưng cái khó ló cái khôn, Bộ Công thương và UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, các Sở Công thương vào cuộc hỗ trợ đầu ra quyết liệt nên đã tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng vì ở thời điểm khó khăn nhất, UBND TP.HCM và các tỉnh thành miền Đông - Tây Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn và Thanh Hà. Sở Công thương TP.HCM còn kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều ở thị trường nội địa, nên nhiều công ty, điển hình là siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Hapro triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân”.
Có thể nói, cách xử lý, tiêu thụ quả vải tươi năm nay là một bài học cho việc tiêu thụ hàng nông sản trong thời điểm khó khăn. Năm sau, khả năng sản lượng thu hoạch vải còn cao hơn nữa, nếu các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ nông dân mở rộng thị trường như mùa vải vừa qua. Lúc đó, nông dân trồng vải thiều không còn phải quá lo lắng ế thừa sản phẩm, được mùa lo rớt giá.
Có thể bạn quan tâm
Giá bán cà phê nhân của nông dân ở thị trường nội địa hiện đang ở mức 34.900 đồng/kg tăng gần 1.400 đồng/kg so với tuần trước (28-1-2014), nhưng nguồn cung trên thị trường vẫn khan hiếm do nông dân giảm lượng bán ra thị trường.
Nếu như ở các nước Brazil, Thái Lan… trong canh tác mía, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 80 - 90% thì tại Việt Nam, tỉ lệ cơ giới hóa hiện chỉ ở mức 10 - 20%, chủ yếu ở khâu làm đất.
Cùng với hệ thống sông, suối do thiên nhiên ban tặng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có rất nhiều ao, hồ, đập, nhất là hồ chứa của hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi chính là nguồn tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; từng bước nâng cao tỷ trọng lĩnh vực thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đối với khai thác, sau thời gian biển động, thời tiết trên các vùng biển tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác, hải sản xuất hiện nhiều ngay từ đầu mùa vụ mới nên ngư dân các địa phương đã đồng loạt ra khơi.
Như vậy, để được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, các vùng nuôi cá da trơn của Việt Nam phải nâng cấp để đạt tiêu chuẩn giống như các vùng nuôi cá hiện nay ở Mỹ đang áp dụng.