Lo Đầu Ra Cho Gia Cầm Mùa Dịch
Mặc dù giá gà, vịt đang giảm mạnh do ảnh hưởng từ thông tin của dịch cúm gia cầm (CGC), song ở nhiều địa phương vẫn tìm ra các giải pháp để tiêu thụ gia cầm an toàn. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã vơi bớt khó khăn trong giai đoạn này.
Thông tin minh bạch, rõ ràng
TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện các giải pháp thúc đẩy, tiêu thụ gia cầm sạch, an toàn. Cụ thể, Chi cục Thú y TP.HCM vừa tổ chức trao quyết định công nhận mới 4 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn là những đơn vị an toàn dịch bệnh đối với CGC. Đồng thời, gia hạn công nhận an toàn dịch bệnh cho 4 cơ sở khác.
Như vậy, toàn TP.HCM hiện có 74 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó, với phương pháp chăn nuôi tiên tiến, tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật về tiêm phòng dịch cho vật nuôi, nhiều trại chăn nuôi gia cầm như Xí nghiệp Chăn nuôi gà Củ Chi (cơ sở 1), trại gà Nguyễn Thị Mỹ Hoa, trại bồ câu Ngọc Điền, trại gà của bà Nguyễn Thị Lạc… đã được chứng nhận an toàn với CGC.
Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân khẳng định, dịch CGC chủ yếu chỉ diễn ra ở những trại chăn nuôi nhỏ, lẻ, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh. “Nếu nuôi gà trong trại lạnh, có máy đo nhiệt độ hàng ngày, gà được tiêm phòng vaccine đầy đủ, sẽ rất khó xảy ra dịch bệnh. Với các trại nuôi này, người tiêu dùng hãy cứ vô tư sử dụng sản phẩm” - bà Huân cho biết.
Trao đổi với NTNN, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. HCM cho biết, hiện tại, 6 tỉnh lân cận thành phố có 44 cơ sở chăn nuôi, giết mổ đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với 54 thương hiệu được đăng ký. Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát gia cầm không có nguồn gốc, chúng tôi khuyến khích các cơ sở nói trên đưa sản phẩm an toàn, sạch vào thành phố. Nếu người tiêu dùng tìm những sản phẩm này sẽ vừa bảo vệ sức khỏe của mình, vừa giúp người chăn nuôi.
Ông Mai Văn Hiệp – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, với tốc độ lây lan như hiện nay, dịch CGC có khả năng sẽ phủ kín các tỉnh trong thời gian tới. “Cán bộ thú y trước khi tịch thu, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh của nông dân phải giải thích rõ các chế độ hỗ trợ, đền bù. Phải làm sao ở vùng có dịch thì xử lý quyết liệt, còn vùng không có dịch thì phải tuyên truyền để người tiêu dùng không e ngại, tẩy chay sản phẩm”- ông Hiệp nhấn mạnh.
Cơ hội để tiêu thụ gà sạch
Bên cạnh việc thông tin rõ ràng về dịch cúm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch CGC hoành hành như hiện nay cũng là cơ hội để người chăn nuôi sản xuất các sản phẩm sạch. Đây sẽ là lối ra ổn định, an toàn cho người nông dân.
Là cán bộ xã, nhưng cũng đồng thời là một hộ chăn nuôi gà với số lượng lớn, có thời điểm hơn 2.000 con gà mỗi lứa, ông Nguyễn Hữu Khải - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Kỳ (Yên Thế - Bắc Giang) cho biết: “Hôm nay họ hàng nhà tôi có một đám cưới, chúng tôi vẫn thịt gà ăn bình thường, bởi gà nhà mình đều có nguồn gốc, chứng nhận rõ ràng”.
Cũng theo ông Khải, giá gà hiện giảm xuống rất thấp, có hộ chỉ bán được 32.000 đồng/kg và cao nhất 45.000 đồng/kg, nhiều hộ đang lỗ khoảng 30-40 triệu đồng/1.000 con gà. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi gà sạch, có địa chỉ vẫn có thể bán được gia cầm với giá có lãi.
"Cán bộ trước khi tịch thu, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh của nông dân cũng phải giải thích rõ các chế độ hỗ trợ, đền bù. Phải làm sao ở vùng có dịch thì xử lý quyết liệt, còn vùng không có dịch thì phải tuyên truyền để người tiêu dùng không e ngại, tẩy chay sản phẩm”.
Ông Mai Văn Hiệp - Phó Cục trưởng Cục Thú y
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại “thủ phủ” của gà ở khu vực miền Bắc với thương hiệu nổi tiếng Gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), nhiều người chăn nuôi tuân thủ theo quy trình sản xuất sạch vẫn tìm được đầu ra ổn định. Gia đình ông Nguyễn Hữu Quý ở thôn Ngò 2 xã Đồng Kỳ được biết đến là một trong những hộ chăn nuôi gà có số lượng lớn nhất xã với mức 7.000 con gà mỗi lứa.
Thấy giá gà trên thị trường xuống thấp, từ những tháng cuối năm 2013, ông Quý đã chuyển toàn bộ giống gà ri lai và mía lai truyền thống của huyện Yên Thế sang nuôi giống gà lai chọi. Tuy gà lai chọi chậm lớn hơn nhưng với ưu điểm là thịt chắc, thơm ngon và được chăn nuôi theo đúng quy trình khép kín nên hiện ông Quý vẫn bán được từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Nhà bà Nguyễn Thị Phương ở thôn 3 xã Đồng Lạc (Yên Thế) từ tháng 6 năm ngoái đã “bắt tay” với doanh nghiệp sản xuất gà sạch, cung ứng cho thị trường Hà Nội. “Từ con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chúng tôi đều được công ty cấp và cả quy trình chăn nuôi sạch cũng tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của công ty. Gà xuất chuồng phải đảm bảo tối thiểu trên 4 tháng nên giá bán luôn ổn định và được công ty đảm bảo bao tiêu đầu ra”- bà Phương nói.
Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn (xã Đồng Tâm, Yên Thế) cho biết, mỗi năm công ty sản xuất và liên kết với các hộ dân chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP khoảng 1.000 tấn. Với sản phẩm này, trong thời gian qua rất mừng là lượng khách hàng ở các đại lý, siêu thị tại Hà Nội tìm mua tăng lên. Dù bây giờ có dịch, nhưng sản phẩm của công ty và của nông dân liên kết không bị ế đầu ra.
Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Tuấn Anh- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến gia cầm Trường Anh (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: “Mặc dù dịch CGC đang bùng phát ở nhiều địa phương, nhưng với sản phẩm gia cầm được sản xuất và chế biến theo quy trình khép kín, sạch bệnh nên lượng tiêu thụ của công ty thời gian qua có dấu hiệu tăng.
Nếu như trung bình mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 500kg gà/ ngày đã qua giết mổ tại siêu thị thì một tuần trở lại đây đã tăng lên 700kg/ngày. Chỉ có nuôi sạch, sản xuất sạch thì người chăn nuôi, doanh nghiệp mới tồn tại.
Có thể bạn quan tâm
Trong vài năm trở lại đây, ngoài trái bưởi Năm Roi thương phẩm thì Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành đã tạo dáng cho trái bưởi có giá trị cao gấp nhiều lần so với bưởi thường. Và giờ đây, cũng từ việc tạo dáng, các thành viên CLB cho ra thị trường loại sản phẩm mới là trái đào tiên hồ lô vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Hiện nay một số loại rau màu vụ đông trồng sớm, có thời gian sinh trưởng ngắn như: bí xanh, dưa chuột bao tử, su hào, cải bắp, súp lơ, cà chua… đang cho thu hoạch. Bí xanh được bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg; dưa chuột xuất khẩu giá 5.000-7.000 đồng/kg; cải bắp giá 5.000-6.000 đồng/cây; su hào 3.000-4.000 đồng/củ; cà chua 6.000-7.000 đồng/kg… cho thu nhập cao hơn, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn so với chính vụ.
Bằng Giã là một trong những xã có diện tích mặt nước lớn của huyện Hạ Hoà, rất thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản. Xã có 12 khu dân cư, với tổng diện tích tự nhiên là 840ha, trong đó diện tích mặt nước 154ha. Hệ thống đầm, hồ ở đây rất phong phú, đa dạng lại ở sát bờ sông Thao và ngòi Lao nên có thế mạnh để phát triển thuỷ sản đa dạng.
Bệnh nhiệt thán hay còn gọi là bệnh than là bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loài gia súc và người. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn một số tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang…) đã xảy ra nhiều ổ bệnh nhiệt thán ở gia súc và lây sang người.
Những năm gần đây, do quá trình đô thị hoá diện tích đất nông nghiệp của xã Sông Lô, thành phố Việt Trì ngày càng thu hẹp, chính quyền địa phương đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó vùng sản xuất rau an toàn là một trong những hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đồng thời đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.