Liên kết sản xuất lúa giống hàng xóa ở Duy Xuyên nông dân điêu đứng
Nhìn những bao lúa giống chất đầy ngoài hiên, bà Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Trà Kiệu Tây (xã Duy Sơn) cho biết, vụ đông xuân 2014 - 2015 bà sản xuất tổng cộng 3 sào giống lúa AC5 trên cánh đồng mẫu Đồng Cả. Mặc dù ngành nông nghiệp huyện đã tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, nguồn nước tưới cơ bản đảm bảo nhưng do thời tiết diễn biến bất lợi khiến sâu bệnh bùng phát mạnh. Vì vậy, năng suất bình quân mỗi sào chỉ đạt 270kg lúa giống khô.
Với giá bán theo hợp đồng đã ký cao hơn 25 - 30% so với các loại giống lúa khác, bà Huệ ước lượng sẽ thu về khoảng 1,8 triệu đồng/sào. Thế nhưng, cho đến bây giờ bà Huệ vẫn chưa cầm được đồng nào trên tay vì gần 2 tháng nay Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa vẫn chưa tiến hành thu mua sản phẩm. “Khi vãi hạt giống xuống ruộng, tôi nuôi biết bao hy vọng vì doanh nghiệp ấy hứa bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm và đảm bảo giá thu mua cao hơn so với giá thị trường.
Vậy mà thu xong hoạch, tôi chờ mỏi mòn cũng không thấy người của doanh nghiệp đến. Hiện hàng trăm ký lúa giống AC5 của tôi vẫn nằm im lìm, trong khi điều kiện bảo quản không đảm bảo, dễ bị hư hỏng hết. Cũng cần nói thêm, do không bán được giống nên thời gian qua tôi phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền về trả nợ cho các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Làm ăn kiểu này, nông dân là người hứng chịu mọi thiệt hại” - bà Huệ ngán ngẩm nói.
Cũng như bà Huệ, nhiều hộ nông dân khác ở Duy Xuyên cũng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi vẫn chưa thấy doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Giám đốc Hợp tác xã Duy Sơn 2 cho biết, vụ đông xuân vừa qua đơn vị đứng ra ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa sản xuất tổng cộng 13ha giống lúa AC5 và Thảo dược VH1. Theo hợp đồng đã ký, sau khi hoàn thành việc gieo sạ lúa hè thu 2015, phía doanh nghiệp sẽ trực tiếp đến thu mua sản phẩm và trao tiền tận tay cho nông dân. Thế nhưng, đến nay vẫn không thấy bóng dáng họ đâu.
Ông Tấn nói: “Doanh nghiệp đã trễ hẹn hơn một tháng. Trước tình hình này, chúng tôi nhiều lần liên hệ với công ty yêu cầu vào thu mua lúa giống cho người dân nhưng họ cứ hẹn với lý do chưa sắp xếp được thời gian để thu mua, vận chuyển sản phẩm. Theo tôi, rất nhiều khả năng doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm”. Còn ông Trần Xuân Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Duy Hòa 2 cho biết, trong những năm gần đây, việc liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa là hướng đi chủ lực ở địa phương, qua đó giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Riêng vụ đông xuân 2014 - 2015 hợp tác xã lần đầu tiên ký hợp đồng sản xuất 20ha lúa giống AC5 và Thảo dược VH1 với Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa. Trong khi doanh nghiệp hỗ trợ giống, hợp tác xã đứng ra đảm bảo khâu dịch vụ thủy lợi, cung ứng vật tư phân bón và thu hoạch với chi phí bình quân mỗi sào khoảng 1,3 triệu đồng. “Nếu doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng không thu mua sản phẩm, đồng nghĩa với việc hợp tác xã chịu lỗ hơn 500 triệu đồng và lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn về mặt tài chính. Còn sắp tới họ vào thu mua sản phẩm, dù với giá theo hợp đồng đã ký kết thì hợp tác xã vẫn phải chịu lỗ, bởi năng suất 2 giống lúa này đạt quá thấp” - ông Dũng cho hay.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên, trong vụ đông xuân 2014 - 2015 toàn huyện sản xuất 56,2ha lúa giống hàng hóa AC5 và Thảo dược VH1, tập trung chủ yếu ở 3 xã Duy Hòa, Duy Phước, Duy Sơn với năng suất bình quân đạt 50 - 55 tạ/ha. Như vậy, với chừng đó diện tích, ước tính người dân sẽ thu về ít nhất 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do doanh nghiệp chưa chịu thu mua sản phẩm nên cho đến giờ này nhà nông vẫn chưa cầm được một xu.
Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên nói: “Chúng tôi đang tích cực liên hệ với doanh nghiệp và họ hứa sẽ vào thu mua sản phẩm trong thời gian sớm nhất, không để nông dân chịu thiệt thòi. Mặc dù vậy, việc doanh nghiệp tìm đến liên kết sản xuất hàng hóa rồi không thực hiện đúng như cam kết ban đầu đã đánh mất niềm tin ở người nông dân”.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Hồng Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) cho biết sau những cơn mưa vừa qua, chỉ riêng ấp Phước Bình 1 đã có khoảng 85 ha mì sắp đến ngày thu hoạch bị thiệt hại nặng nề.
Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ giống, thiết bị, vật tư; được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê; quy trình cấp giấy chứng nhận Utz Certified Good Inside cho cà phê và được tham quan, học tập những mô hình cà phê sản xuất trên địa bàn khu vực đơn vị đóng quân…
Thực tế cho thấy, đối với diện tích lúa, mía, nơi nào được bao tiêu đầu ra thì ở đó nông dân làm ăn có hiệu quả, lợi nhuận cao hơn so với SX đơn lẻ. Cụ thể, đối với diện tích lúa SX theo mô hình hợp tác, cánh đồng lớn, được bao tiêu đầu ra cho lợi nhuận cao hơn 2 triệu đ/ha/vụ so với SX đại trà; đối với cây mía thì đạt năng suất, lợi nhuận cao hơn từ 5-10%.
Không ít doanh nhân tâm huyết với cá tra như ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, phải bức xúc về một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh làm giảm chất lượng và uy tín cá tra trên thị trường.
Trong số hơn 30 HTX sản xuất, kinh doanh mạnh của tỉnh, HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Nam Dương, xã Nam Dương (Nam Trực), HTXDVNN Thịnh Thắng, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) là những điển hình về tổ chức các hoạt động dịch vụ thiết yếu mang lại hiệu quả cao. Các HTX đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, phục vụ xã viên trong các khâu trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ xã viên đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.