Phát Triển Cây Mắc Ca Cây Tỷ Đô Của Nông Nghiệp Việt Nam
Hai vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây mắc ca, do đó có thể coi là điều kiện đặc hữu của Việt Nam trong việc trồng cây mắc ca.
Sáng ngày 8/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty CP thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) phối hợp tổ chức Diễn đàn phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên.
Tại diễn đàn, TS Nguyễn Trí Ngọc- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây- cho biết, cây mắc ca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm trí gấp ba cây cà phê, cây điều, thị trường tiêu thụ rất lớn, hiện cung không đủ cầu.
Sau hơn 10 năm đưa vào trồng tại Việt Nam, diện tích mới đạt trên 2000 ha và có trên 10 giống mắc ca phù hợp với vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Hiện, Việt Nam đã quy hoạch 200 nghìn ha ở Tây Nguyên và 30 nghìn ha và Tây Bắc. Dự kiến, đến 2025 đạt 200 nghìn tấn hạt và tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD sau năm 2025.
Trong thời gian qua, bên cạnh việc các nhà khoa học bỏ tâm sức nghiên cứu, cũng đã có nhiều doanh nghiệp “âm thầm” đầu tư vào cây mắc ca. Trong đó phải kể tới là Vinamaca với các thành công bước đầu khá vững chắc trong lĩnh vực giống cây và phát triển canh tác tại Tây Nguyên.
Tại Điện Biên, Công ty IDT cũng đang tiến hành triển khai dự án trồng cây mắc ca trên diện tích 4.000 ha và IDT cũng đã đưa ra thị trường những sản phẩm chế biến mắc ca đầu tiên với thương hiệu cao cấp Delix. Lĩnh vực này trở nên sôi động hơn khi ngân hàng Lienviet Postbank mới đây đã công bố Đề án 10.000 tỷ đồng đầu tư vào mắc ca.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, hai vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây mắc ca, do đó có thể coi là điều kiện đặc hữu của Việt Nam trong việc trồng cây mắc ca. Một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg quả và với giá hiện khoảng 15 USD/kg nhân thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm.
GS Hoàng Hòe- nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NN & PTNT)- dự báo, nhu cầu nhân mắc ca trên thị trường thế giới sẽ không thấp hơn 10 lần so với cà phê.
Cũng theo giáo sư Hoàng Hòe, cà phê chủ yếu làm đồ uống và một phần nhỏ pha rượu hay bánh kẹo trong khi nhân mắc ca do đặc điểm dòn, bùi, thơm ngon, cách ăn và chế biến cũng rất đa dạng cho phép mắc ca vượt qua mọi ranh giới sắc tộc, tôn giáo, tuổi tác, giới tính và truyền thống ẩm thực để đến với mọi người trên thế giới.
Vì là đồ ăn nên lượng tiêu dùng hàng ngày của mỗi người sẽ lớn hơn cà phê, ca cao rất nhiều.
Thực tế cũng cho thấy, mức đầu tư vào trồng cây mắc ca ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với một số nước như Australia, Mỹ, Nam Phi… Do đó, mắc ca hoàn toàn có thể là đột phá thứ hai sau cây cà phê và Việt Nam có thể trở thành cường quốc về mắc ca.
Cây mắc ca cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, điều 12 Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa chính thức có hiệu lực từ 10/2/2014 quy định: “Các dự án trồng cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống.
Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm thời gian để các vườn cây hiện có định hình về năng suất, chất lượng, tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật, thăm dò thị trường và xây dựng chuỗi trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ là rất quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm và tránh tình trạng trồng ồ ạt nhưng đầu ra không tiêu thụ được.
Có thể bạn quan tâm
Mùa lũ 2015, mực nước trên đồng thấp là điều kiện cho chuột sinh sôi, nảy nở tràn lan.
Người nông dân trồng các loại rau theo yêu cầu của cửa hàng, bảo đảm số lượng cung cấp; ngược lại, phía cửa hàng RAT phải bao tiêu sản phẩm mà người trồng rau sản xuất ra theo kế hoạch đã thống nhất với giá cao hơn rau sản xuất đại trà.
Ngày 16/11/2015, tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh tổ chức tổng kết mô hình giúp nhà vườn quản lý và phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn.
Nhờ điều kiện đất đai thích hợp và học hỏi kinh nghiệm trồng cây có múi cho trái nghịch mùa, đời sống người dân các xã của huyện mới Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), thuộc vùng lõi Chiến khu Đ trong hai cuộc kháng chiến, giờ khá lên trông thấy.
Trong vài năm qua, Na Uy đã cắt giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi cá hồi xuống mức gần như bằng không. Điều này đã dẫn đến một ngành công nghiệp phát triển mạnh và giảm nguy cơ kháng kháng sinh ở người.