Liên Kết Nuôi Chim Cút
Những năm gần đây, nghề nuôi chim cút phát triển khá mạnh ở Quảng Nam, trong đó Điện Bàn là địa phương có nhiều hộ tham gia nhất. Để nghề này phát triển bền vững, Hội ND đã vận động, hướng dẫn các hộ nuôi chim liên kết, hợp tác với nhau.
Hướng đi đúng
Chủ tịch Hội ND xã Điện Thắng Bắc - ông Nguyễn Thanh Lịch cho hay, từ năm 2005 đến nay, nghề nuôi chim cút ở xã phát triển rộng khắp với trên 1/3 số hộ tham gia (trên 500 hộ). Trong đó, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại (nuôi trên 2.000 con trở lên/trại) có trên 100 hộ. Với giá trứng cút hiện nay, những hộ nuôi từ 2.000 con chim cút đẻ trứng trở lên có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
Anh Trần Phước Nam - một ND nuôi cút lâu năm ở xã Điện Thắng Bắc cho biết, gia đình anh đang nuôi trên 10.000 con cút đẻ trứng. “Nếu chăm sóc tốt thì số lượng trứng thu được trên 90% đàn nuôi. Trừ các chi phí công chăm sóc, thức ăn… mỗi tháng gia đình tôi thu trên 35 triệu đồng, bình quân mỗi năm lãi hơn 400 triệu đồng” - anh Phước cho hay. Anh còn xây dựng lò ấp trứng lộn và ấp con giống. Hiện nay anh có 9 lò ấp trứng và trong lò ấp thường xuyên có 70.000 trứng. “Trứng cút lộn là món ăn hấp dẫn, nên người tiêu dùng khá ưa thích, vì thế thị trường tiêu thụ hiện nay khá mạnh” - anh Nam cho hay.
Liên kết để nâng cao hiệu quả
Ông Trần Phước Hoan- Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Bắc thông tin, nghề nuôi chim cút đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động ở địa phương. Nhờ nghề này mà nhiều hộ có thu nhập ổn định. Chính quyền phối hợp với Hội ND xã khuyến khích người dân nuôi chim cút, đặc biệt tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ nuôi chim cút liên kết với nhau để phát triển nghề bền vững.
“Trên địa bàn xã có một số hộ vừa nuôi chim cút với quy mô lớn, vừa nuôi cút đẻ trứng, cung cấp con giống, thức ăn… cho nhiều hộ rồi bao tiêu luôn sản phẩm. Đây là mô hình liên kết khá hiệu quả, người nuôi hưởng nhiều cái lợi. Khi liên kết, ND sẽ yên tâm về con giống nên không bị dịch bệnh; giá thành, đầu ra của sản phẩm thường xuyên ổn định. Địa phương sẽ khuyến khích các hộ chăn nuôi theo hướng liên kết này” - ông Hoan khẳng định.
Theo ông Nguyễn Như Thịnh - Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Điện Bàn, nếu nuôi chim cút với quy mô nhỏ ND sẽ không hưởng được cơ chế khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh (theo Quyết định số 35/2012 của UBND tỉnh Quảng Nam). Huyện có khuyến khích các hộ liên kết để mở rộng chăn nuôi theo quy mô lớn... Ông Thịnh cho biết, 5 năm lại đây, phong trào nuôi chim cút thịt, cút đẻ trứng ở Điện Bàn phát triển nhanh. Riêng các xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam đã có hơn 150 hộ nuôi chim cút với quy mô lớn, thu nhập 300 - 400 triệu đồng/hộ/năm, trong đó một số hộ đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
”Nếu chăm sóc tốt thì số lượng trứng thu được trên 90% đàn nuôi. Trừ các chi phí công chăm sóc, thức ăn... mỗi tháng gia đình tôi thu trên 35 triệu đồng” - Anh Trần Phước Nam.
Có thể bạn quan tâm
Thương lái kinh doanh lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, thị trường lúa gạo trong vùng đang lên cơn sốt.
Các doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất; nhiều nhà đầu tư chiến lược tiếp tục được thu hút về địa bàn; nông dân canh tác có lời hơn... là những tín hiệu tích cực của nền kinh tế tỉnh nhà trong 9 tháng đầu năm.
Một trong những thành tựu nổi bật của giai đoạn 2010-2015 chính là sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục phát triển khá toàn diện theo hướng hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao trên thương trường.
Theo hãng thông tấn Canada (CP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng - sẽ thúc đẩy nền kinh tế của 12 nước thành viên thông qua việc mở rộng thị trường giao thương nội khối.
Lễ công bố 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra vào ngày 17/10 tới tại Hà Nội.