Liên kết làm giàu nuôi heo không lo đầu ra

Trang trại heo của ông Nguyễn Đình Thông
Những năm trước đây gia đình ông Thông gặp nhiều khó khăn trong việc chăn nuôi heo vì số lượng ít, chuồng trại xây sơ sài, gây ô nhiễm môi trường, chưa kể những lo toan mỗi khi heo mắc dịch bệnh. Vì vậy, ông nuôi được vài lứa thì dừng.
Ông rời quê, đi nhiều nơi làm thuê kiếm sống. Khi vào Đồng Nai, thấy có người dân ở đây làm giàu từ chăn nuôi heo do liên kết với một doanh nghiệp, tạo thu nhập ổn định, ông Thông ấp ủ một ngày sẽ nuôi heo theo cách này.
Năm 2012, ông Thông về quê, tìm đến Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đặt vấn đề liên kết chăn nuôi heo. “Công ty rất kỹ, họ cho người đi kiểm tra chuồng trại, thử nước có đảm bảo không, sau đó mới ký hợp đồng. Công ty cung cấp toàn bộ giống, thức ăn và các loại thuốc tiêm phòng cho đàn heo. Đặc biệt, vấn đề đầu ra không phải lo vì cứ đạt trọng lượng quy định thì công ty sẽ đưa xe đến tiêu thụ”, ông Thông nói.
Trang trại chăn nuôi heo của ông Thông được đầu tư hơn 5 tỉ đồng, nằm trên một khu đồi núi thấp, gần như biệt lập với khu dân cư, được chia làm 3 trại khép kín. Mỗi trại rộng 1.200 m2, thả nuôi từ 1.100 - 1.200 con heo thịt. Để phát triển lâu dài, ông Thông áp dụng mô hình chuồng trại nuôi heo trong hệ thống phòng lạnh khép kín.
Các trại đều có hệ thống lọc không khí và hệ thống làm mát. Anh Nguyễn Tiến (28 tuổi), quản lý trang trại, cho biết: “Khi heo mới nhập trại thì thường để nhiệt độ chuồng 31 - 320C. Heo được khoảng 2 tháng thì đặt 29 - 300C, từ sau hai tháng đến khi xuất chuồng thì điều chỉnh nhiệt độ 28 - 290C. Heo giống mới nhập trang trại nặng khoảng 5,2 - 6 kg, sau khoảng 5 tháng thì đạt 90 - 105 kg/con và xuất bán”.
Theo ông Thông, từ ngày liên kết với doanh nghiệp nuôi heo, trang trại heo của ông chưa bao giờ bị dịch bệnh. Việc ứng dụng mô hình chuồng trại khép kín nhằm đảm bảo môi trường ổn định. Do đó, dù trang trại luôn nuôi cùng lúc 3.400 con heo, nhưng chuồng vẫn không có mùi hôi. Ngoài ra, ông Thông còn xây dựng hệ thống biogas khoảng 1.500 m2 để phát điện cung cấp lại cho toàn bộ trang trại.
Ông Thông cho biết, mặc dù quy định của công ty khá khắt khe về chất lượng như: tỷ lệ nạc, trọng lượng heo... nhưng đàn heo của ông luôn được đánh giá có chất lượng cao.
Mỗi năm, ông nuôi hai lứa heo, trừ chi phí thì lãi 400 - 500 triệu đồng/lứa. “Việc hợp tác này đôi bên cùng có lợi, để cuối cùng cho ra những sản phẩm chất lượng cao. Khi hợp tác, người nông dân vừa có cơ hội tiếp cận những cách làm hiện đại, vừa yên tâm sản xuất”, ông Thông đúc kết.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình hình đó, những ngày qua, huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng cũng như chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống, khoanh vùng không để bệnh lây lan ra diện rộng.

Chính vị trí địa lý đặc biệt ấy đã tạo nên một vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng riêng có và tạo nên một giống gà bản địa thuần chủng, mà tên của thôn đã được đặt cho giống gà này: Gà Liên Minh.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Quảng Bình đã thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt thả vườn trên địa bàn của 6 huyện, thị xã (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Ba Đồn và Tuyên Hóa) với quy mô 15.000 con, thực hiện tại 15 hộ, mỗi hộ 1.000 con.

Hiện nay, bệnh viêm phổi dính sườn, bệnh tai xanh trên heo đang diễn biến khá phức tạp ở khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đây là bệnh truyền nhiễm gây thiệt hại lớn đến các hộ chăn nuôi. Tại hội thảo, các bác sĩ thú y đã đưa ra các biện pháp, phác đồ điều trị hiệu quả nhất bằng cách sử dụng một số loại thuốc kháng sinh dành cho heo.

Tuyến đường 534 chạy qua địa phận Nghi Lộc (Nghệ An) trở nên tấp nập hơn từ ngày trại nuôi bò Úc ở cụm công nghiệp Đô Lăng thuộc xã Nghi Lâm đi vào hoạt động. Đây là trại nuôi bò thịt, nhập ngoại đầu tiên của khu vực phía Bắc, và là trại nuôi bò thứ 7 của công ty Kết Phát Thịnh có trụ sở ở tỉnh Long An (6 trại khác ở Long An và TP. Hồ Chí Minh)...