Lập hàng rào ngăn thuốc BVTV độc hại
Loạt bài của Báo NNVN khởi đăng vào ngày 15/5/2015, gần như ngay lập tức, ngày 16/5/2015, Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND huyện Thanh Sơn tổ chức thanh tra, kiểm tra đồng loạt các đại lý, hộ dân kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn.
Kết quả, trong số 7 tổ chức, cá nhân bị kiểm tra có 4 hộ kinh doanh thuốc BVTV có các hành vi vi phạm như sau: Kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh thuốc BVTV vi phạm về nhãn hàng hóa, cửa hàng và kho chứa không đúng qui định, buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng, người trực tiếp bán thuốc có hành vi bán và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV không đúng qui định, không có chứng chỉ hành nghề…
Đến ngày 3/6/2015, Chi cục BVTV Phú Thọ có công văn số 166/BVTV-KT về việc hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên một số loại cây trồng chính của tỉnh.
Công văn nhằm hướng dẫn chi tiết cho nông dân về tên loại thuốc, đối tượng phòng trừ, ngưỡng phòng trừ, cách pha thuốc, phun thuốc và thời gian cách ly của từng loại thuốc với từng đối tượng.
Theo công văn hướng dẫn, tổng cộng có 89 loại thuốc BVTV trên một số cây trồng chính, một số loại thuốc được hướng dẫn sử dụng cho 2-3 đối tượng sâu, bệnh. Cụ thể, trên lúa có 51 loại, trên rau 20 loại, cây ăn quả 16 loại, cây chè 12 loại, cây ngô 8 loại…
Công văn hướng dẫn trên được Chi cục BVTV Phú Thọ ban hành thông qua kết quả cuộc Hội thảo kỹ thuật ngày 23/5/2015 với sự tham gia của lãnh đạo Sở NN-PTNT, đại diện một số đơn vị trong khối trồng trọt, đại diện các phòng nông nghiệp, phòng kinh tế, trạm BVTV các huyện, các công ty sản xuất, chế biến chè, một số công ty sản xuất thuốc BVTV, các cơ sở buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh...
Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ cho biết: Đây là văn bản hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV chứ không phải Chi cục BVTV Phú Thọ ban hành danh mục thuốc BVTV như một số luồng thông tin phản ánh.
Mục đích ban hành văn bản là nhằm khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người nông dân dễ mua thuốc, sử dụng thuốc theo nguyên tắn 4 đúng.
Các loại thuốc trong văn bản hướng dẫn này đã được Chi cục BVTV Phú Thọ tiến hành khảo nghiệm, trình diễn, hội thảo lấy ý kiến qua nhiều vụ sản xuất và chỉ sử dụng thuốc khi sâu bệnh gây hại vượt ngưỡng phòng trừ.
Văn bản không hề có mục đích "ngăn sông cấm chợ" đối với các loại thuốc BVTV khác có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam ban hành theo Thông tư số 03/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT.
Song song với việc ra văn bản hướng dẫn, Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ tổ chức các lớp tập huấn cho các đại lý, cá nhân được cấp chứng chỉ kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, cả tỉnh Phú Thọ có tổng số 651 người có chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc BVTV, trong vòng tháng 6 và tháng 7 năm 2015 sẽ có 9 lớp tập huấn tại các địa phương nhằm đánh giá việc chấp hành các qui định của pháp luật về kinh doanh thuốc BVTV.
Việc Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV gây ra một số ý kiến trái chiều. Theo Thông tư số 03/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/1/2015 Ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam thì có tới hơn 4.000 loại thuốc thương phẩm được phép sử dụng, tuy nhiên trong văn bản hướng dẫn của Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ đã rút gọn còn 107 loại thuốc.
Ví dụ, trên cây chè, trong số 371 loại thuốc được phép kinh doanh trên thị trường, Chi cục BVTV Phú Thọ chỉ hướng dẫn cho nông dân 12 loại.
Có ý kiến cho rằng, việc Chi cục BVTV Phú Thọ hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc là việc làm "ngăn sông cấm chợ", tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuốc BVTV, đây là việc làm cần thiết, trong bối cảnh thị trường thuốc BVTV quá bát nháo như hiện nay.
Thực trạng mà theo ông Phan Văn Đạo, chẳng khác gì mớ bòng bong, người dân sẽ rất khó lựa chọn các loại thuốc BVTV phù hợp để phòng chống dịch hại.
GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phân tích: Việc ban hành văn bản hướng dẫn là việc làm cần thiết và cần phải tuân thủ theo các qui định về sử dụng thuốc BVTV, theo Luật Bảo vệ và KDTV.
Hiện nay, trong danh mục thuốc BVTV có nhiều loại thuốc (tên thương mại), có nhiều loại ít được sử dụng, nhưng vẫn không thể bỏ ra khỏi danh sách được.
Vừa qua có một số loại muốn thay đổi phương thức sử dụng (cấm) thì phải thông qua Hội đồng khoa học xem xét, đánh giá cơ sở khoa học, lý do tại sao thay đổi hướng dẫn sử dụng so với lúc đăng ký.
Hiện nay Bộ NN-PTNT cũng đang chỉ đạo để rà soát các loại thuốc BVTV sử dụng trên rau, chè và hướng dẫn cho nông dân sử dụng. Biên bản thảo luận về danh sách thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng trên địa bàn tỉnh cần thể hiện một cách khoa học, công bằng.
“Thực tế chúng tôi đã có những giải pháp mạnh tay nhưng hiệu quả chưa cao. Mấu chốt vẫn nằm ở người dân, cần phải có những biện pháp hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV hợp lý nhất. Chúng tôi cam đoan việc ban hành văn bản hướng dẫn là hoàn toàn khách quan”, ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng BVTV tỉnh Phú Thọ cam kết. |
Do đó, nếu Chi cục BVTV Phú Thọ ban hành Công văn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV thì nên chăng có đánh giá các loại thuốc mà ngành BVTV ban hành, và nếu có hướng dẫn thì nên theo tên hoạt chất (AI) vì hiện nay trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, có nhiều loại cùng 1 hoạt chất nhưng có các tên thương mại.
Cần có cơ sở để chọn 107 loại thuốc BVTV, nếu có những khảo nghiệm đánh giá khách quan thì việc ban hành văn bản hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV sẽ rất hữu ích.
Mới đây, tại Hội nghị phát triển chè bền vững năm 2015 tổ chức tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, rất nhiều ý kiến đại biểu tham dự đều lên tiếng cần phải có giải pháp chọn lọc, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV.
Với 371 loại thuốc được phép sử dụng, tên thương mại dài loằng ngoằng, khó nhớ như hiện nay thì người nông dân rất khó khăn trong việc chọn lựa sản phẩm sử dụng. Họ rất dễ rơi vào bẫy của các đại lý kinh doanh. Chính vì vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ lập tức có văn bản chỉ đạo Chi cục BVTV tỉnh này ban hành văn bản hướng dẫn nông dân, đặc biệt là trên cây chè.
Theo tìm hiểu, Chi cục BVTV Phú Thọ từng có công văn về việc hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh gửi UBND các huyện, thành, thị làm cơ sở chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh đảm bảo an toàn và hiệu quả trong sản xuất.
Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc sai nguyên tắc, không đảm bảo thời gian cách ly. Rút kinh nghiệm, trong lần ban hành công văn lần này, Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ đã cho in bảng hướng dẫn sử dụng poster bằng khổ lớn, tổ chức các cuộc hội thảo và treo dán ở các hàng, đại lý kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Tiền Giang), vụ khoai lang năm nay nông dân xuống giống gần 200 ha, chủ yếu là ở các xã vùng đất cát như: Tân Hương, Tân Lý Đông và Tân Lý Tây. Trong vụ này, bà con trồng nhiều nhất là khoai bí đế, một số ít diện tích trồng khoai Nhật (ruột tím).
Những năm gần đây, cây chuối đã khẳng định giá trị kinh tế khi mức thu nhập hiện nay của những hộ trồng chuối đạt từ 30-50 triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ nhờ trồng chuối mà thoát nghèo, có cuộc sống no đủ.
Nông dân trồng xoài ở TP.Cao Lãnh đang lao đao vì nếu giá xoài giảm như hiện nay sẽ không đủ chi phí mua thuốc trừ sâu, thuê nhân công chăm sóc. Có nhà vườn không hái bán để xoài chín rụng kín gốc cây mà không nhặt.
Hội đồng bình tuyển công nhận cây đầu dòng giống bưởi đỏ, bưởi da xanh thực hiện thí nghiệm khoa học kiểm tra khả năng sạch bệnh greening của cây bưởi được đề nghị là cây đầu dòng, đây là tiêu chí quan trọng nhất để nhân rộng cây có múi.
Diện tích nuôi cá điêu hồng hiện nay phát triển khá nhanh, nhất là ở xã Phú Túc (Châu Thành), điển hình nhất là hộ chị Phạm Thị Bé Ba, ở cồn Tân Mỹ thuộc ấp văn hóa Phú Mỹ (Phú Túc), thu lợi nhuận về gần 1,6 tỷ đồng/năm.