Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyển đổi cây trồng phát huy hiệu quả kinh tế

Chuyển đổi cây trồng phát huy hiệu quả kinh tế
Ngày đăng: 22/10/2015

Quanh chuyện làm vườn, có nông dân không giấu niềm vui: Khoảng 7 năm trước trồng 1ha (10 công) bưởi Năm Roi, mỗi năm đã thu hoạch hơn 300 - 400 triệu đồng.

Dò tìm ra hướng đi, hễ thấy đất xấu làm ruộng bết bát chuyển đổi làm vườn cây ăn trái, dần dần như "phong trào" lan rộng khắp huyện.

Chọn cây, làm vườn

Sau 6 năm xây dựng, quốc lộ Nam Sông Hậu (quốc lộ 91C) chạy dọc theo bờ Nam sông Hậu đoạn từ TP Cần Thơ đi qua huyện Châu Thành (Hậu Giang) hoàn thành, lưu thông từ tháng 3-2011.

Con đường này đã định hình bên trái là những nhà máy, khu công nghiệp mới mọc lên nằm kề ven sông, còn bên phải là những vườn cây xanh mượt.

Dọc theo ven đường, đi chốc lát sẽ thấy nhà vườn bán lẻ nhiều loại trái chín cây để trong sề đặt trên kệ trước nhà.

Mùa nào thức ấy, nào là đu đủ, chuối, sầu riêng, măng cụt, vú sữa cho đến các loại cây có múi… Chỉ tới khi vào mùa trái chín rộ, số lượng nhiều nhà vườn mới bán cho thương lái hay chành vựa.

Mùa bưởi Năm Roi ở huyện Châu Thành-Hậu Giang.

Rẽ vào rạch Mái Dầm, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tôi gặp nhiều nhà vườn chuyên canh cam, bưởi, xoài… trò chuyện.

Anh Đỏ (Ngô Văn Lễ) nhớ lại: Hơn 10 năm trước, ruộng lúa còn xen kẽ vườn cây.

Vườn ít, phần lớn là đất lúa.

Nhưng đất ngoài bìa ven sông Hậu màu mỡ, còn nằm sâu trong kinh rạch, thiếu đường nước không thể sánh bằng.

Anh Đỏ kể: Đất nhà từ thời ba má tôi có gần 17 công, đất không xấu, nhưng thế đất trên gò cao, xa rạch dẫn nước nên không làm được lúa 3 vụ/năm.

Vì vậy mỗi năm làm 1 vụ lúa mùa và 1 vụ lúa đông xuân, năng suất trúng cao nhất chừng 30 giạ/công (20 kg/giạ).

Cộng gộp một vụ, sau khi trừ chi phí, với giá lúa 5.000 đồng/kg thì còn lời chưa tới 25 triệu đồng, loay xoay chỉ đủ ăn trong gia đình.

Bởi vậy cách đây 10 năm, ba tôi cho cải tạo một phần vườn cây tạp sau nhà thấy có huê lợi rồi chuyển từ từ đất ruộng lên bờ làm vườn.

Hồi đó ba tôi chọn giống bưởi Năm Roi về trồng vì nghĩ dễ chăm sóc hơn cây cam.

Hơn nữa giống bưởi này năng suất cao, cây đúng tuổi cho trái đầy cành, khoảng 100 kg/cây.

Nếu chăm sóc tốt, ít sâu bệnh, trái vào mùa không lo dội chợ.

Từ 7 năm trước ba tôi bán 10 công bưởi đã thu trên 300 - 400 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Trung Hậu, nông dân xã Phú Hữu cùng huyện Châu Thành có 8 công ruộng, canh tác lúa 3 vụ trong năm, năng suất đạt trung bình 30 giạ/công, nhưng gia đình anh vẫn nghèo.

Anh Hậu bộc bạch: Tôi nghĩ nếu cứ chăm bẵm ôm cây lúa chắc khó khá giàu lên được, tới phiên chọn cây trồng thấy có người lựa cam sành, có người trồng xoài, bưởi.

Riêng tôi mạnh dạn chọn cây chanh không hạt, bây giờ mới thấy hiệu quả bất ngờ.

Anh Hậu chia sẻ: "Nhờ có cán bộ khuyến nông huyện chỉ dẫn kỹ thuật chăm sóc nên tôi trồng chanh tốt nhất nhì trong xóm.

Tôi còn biết "điều khiển" cây cho trái nghịch mùa, trồng đạt năng suất trên 1 tấn/công, thậm chí có năm cây sung sức cho trái cao nhất đạt 3 tấn/công.

Hiện thời chanh không hạt tại vườn có giá 9.000 đồng/kg, tính trên 8 công đất, thu nhập của gia đình tôi cao hơn nhiều so với trồng lúa".

"Bật đèn xanh"… trên đất xấu

"Tôi nghĩ nếu bà con thấy đất trồng lúa hiệu quả thấp thì tốt hơn là nên đề nghị với chính quyền địa phương cho chuyển sang làm vườn, chọn trồng cây ăn quả loại nào có thị trường phù hợp.

Nhưng tốt nhất nên học theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương thì cơ hội thoát nghèo vươn lên khá giàu không khó" - anh Hậu nói.

Đem chuyện tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tâm tư nông dân trò chuyện với anh Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, anh Hành cho rằng: Trước đây chủ trương của huyện không cho chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái, vì đi ngược với Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Hơn nữa trước đây có xã thủy lợi chưa hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay khi một số bà con cải tạo vườn tạp thành vườn cây chuyên canh với những vườn cây có múi như cam, bưởi, chanh hay măng cụt, nhãn, xoài… hiệu quả cao hơn trồng lúa từ 4 đến 15 lần.

Có nguồn thu nhập khá cao nên đời sống bà con nông dân nâng lên rõ rệt.

Từ thực tiễn sản xuất của nông dân, hiện nay tỉnh chấp thuận cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả.

Riêng huyện Châu Thành do đất trồng lúa còn lại manh mún, nhỏ lẻ, qui mô sản xuất 2 - 3 công/hộ nên có kế hoạch chuyển đổi mạnh trên 100% diện tích.

Hiện nay toàn huyện có 10.900 ha vườn cây ăn trái và chỉ còn 250 ha đất lúa đang trong quá trình chuyển đổi.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, cho biết: Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao, hướng dẫn kỹ thuật và giúp nông dân trồng những loại cây ăn trái phù hợp.

Trong đó có mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất trồng mía kém hiệu quả ở huyện Phụng Hiệp khoảng gần 1.000 ha.

Các loại cây có khả năng thích nghi, đạt năng suất khá cao như:

Bắp lai và các giống cây có múi như cam xoàn, cam sành, quýt… Từ đó, sẽ nhân rộng ra các địa phương khác để nhà nông khai thác hiệu quả đất trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.


Có thể bạn quan tâm

Có 34 Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Yên Bình (Yên Bái) Có 34 Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Yên Bình (Yên Bái)

Từ năm 2009, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình (Yên Bái) đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi ba ba gai tại 3 xã là Tân Nguyên, Bảo Ái và Yên Bình.

14/01/2013
Người Trồng Mía Lao Đao Vì Giá Thấp Ở Thanh Hóa Người Trồng Mía Lao Đao Vì Giá Thấp Ở Thanh Hóa

Thời gian gần đây, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), thu mua mía của các hộ dân tại xã Thọ Hải, Thọ Xuân với giá thấp, khiến nhiều hộ có nguy cơ lỗ nặng. Do đó, nhiều người dân đã chặn đường, không cho xe vào bốc mía chở về công ty.

15/01/2013
Phong Trào Nuôi Các Loại Thủy Sản Trên Địa Bàn Tỉnh Phát Triển Mạnh Phong Trào Nuôi Các Loại Thủy Sản Trên Địa Bàn Tỉnh Phát Triển Mạnh

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì tính đến tới thời điểm này, toàn tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành việc thả giống nuôi thủy sản với tổng diện tích là 1.300 ha. Hiện tại, bà con đang tích cực chăn nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nhằm phòng chống các loại bệnh trong mùa mưa.

02/08/2013
5.368 Tỷ Đồng Dư Nợ Cho Vay Nuôi Và Chế Biến Cá Tra Ở Đồng Tháp 5.368 Tỷ Đồng Dư Nợ Cho Vay Nuôi Và Chế Biến Cá Tra Ở Đồng Tháp

Tại buổi làm việc với các bộ ngành liên quan đến nguồn vốn cho vay phát triển nghề cá tra vào chiều 15-1, tại TP Cao Lãnh, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, cho biết trong năm 2012 các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho người nuôi và các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu hơn 11.522 tỷ đồng, tăng đến 69% so với năm 2011.

17/01/2013
Đón Năm Rắn Bằng Dự Án Rắn Đón Năm Rắn Bằng Dự Án Rắn

Ông Lý Hồng Hởi (Bảy Hởi) ở ấp Lợi Hoà (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được nhiều người biết đến với nghề nuôi rắn và nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm khác như: dúi, nhím, cua đinh… tuy nhiên, hiện nay, bầy rắn sinh sản của ông Bảy Hởi mới là những cái “máy in tiền” cho ông khi ông cho sản xuất và kinh doanh con giống rắn.

17/01/2013