Lao Đao Vì Tôm Dịch Bệnh
Nuôi tôm ở xã Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã từng là nghề hái ra tiền đối với một bộ phận người dân nơi đây. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, cũng chính con tôm lại đang đẩy nhiều người vào cảnh trắng tay, nợ nần khi liên tiếp xảy ra dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt.
Điệp khúc tôm chết
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, Hải Lạng là địa phương có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất huyện (trên 500ha). Vào quãng thời gian này năm trước, vùng tôm Hải Lạng đã xảy ra bệnh còi, chậm lớn ở tôm sú (diện tích thiệt hại lên tới 457,6ha) dẫn đến sản lượng tôm sụt giảm mạnh, chỉ đạt 67,2 tấn (bằng 22,4% so với kế hoạch).
Trong khi người dân chưa kịp bù đắp lại thiệt hại xảy ra trong năm 2012, thì theo số liệu thống kê của UBND xã Hải Lạng, tính đến ngày 1-7-2013, diện tích tôm chết do dịch bệnh đã lên tới 274ha với 122 hộ dân nuôi tôm bị ảnh hưởng. Thiệt hại ước đạt trên 16 tỷ đồng. Và như vậy, thực trạng đáng buồn trên đang tiếp tục lặp lại với người nuôi tôm và ngành nuôi trồng thuỷ sản huyện Tiên Yên.
Tìm đến khu vực đầm Hà Dong, một trong những nơi có diện tích nuôi tôm lớn của xã Hải Lạng đúng vào mùa thu hoạch, trước mắt chúng tôi chỉ là những đầm tôm để hoang, cạn nước.
Anh Nguyễn Văn Sinh, thôn Cái Kỳ - một trong những người đã làm giàu từ nghề nuôi tôm buồn bã cho chúng tôi biết: “Năm ngoái, tôi thả gần trăm vạn con giống, chuẩn bị đến ngày thu hoạch nhìn từng đàn tôm nối đuôi nhau lao vào bờ chết hàng loạt, khiến cho cả gia đình mất ăn mất ngủ gần 1 năm trời. Hàng chục năm theo nghề tôm rồi nên chúng tôi cũng chả biết phải chuyển sang nghề gì khác.
Đâm lao đành theo lao, nếu thời tiết thuận lợi, tôm không gặp dịch bệnh thì chỉ 1-2 vụ là chúng tôi kéo lại được vốn. Ai ngờ năm nay điệp khúc tôm chết vẫn lặp lại. Giờ thì 96 vạn con tôm giống lại vỗ béo cho cò hoặc chìm xuống đáy ao hết rồi”.
Tương tự như tình cảnh của anh Sinh, ông Nguyễn Văn Biển, thôn Đồi Mây thẫn thờ kể: “Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay trước khi thả tôm giống tôi cũng đã thuê người cải tạo lại 8ha đầm mất gần trăm triệu đồng. Giữa tháng 6 khi hàng trăm hộ nuôi tôm ở xã bùng phát dịch bệnh, hai vợ chồng ngày nào cũng chèo thuyền kiểm tra thì thấy tôm vẫn khoẻ.
Chúng tôi cũng định thu hoạch ngay lúc đó nhưng vướng nỗi tôm bé quá, bán chả được bao nhiêu nên bàn nhau đợi tôm lớn thêm chút nữa. Ai ngờ đang lúc chuẩn bị thuê người đăng đó, kéo lưới thì tôm chết hàng loạt, chúng tôi cũng không kịp trở tay để tận thu nữa.
Chi phí cải tạo ao đầm cùng với đầu tư mua 120 vạn con giống, tiền thức ăn… giờ đành coi như mất trắng”. Không chỉ riêng hộ nuôi tôm của anh Sinh, ông Biển ở khu vực đầm Hà Dong bị dịch bệnh mà hàng trăm hộ ở đầm Hà Thụ, Cái Đản cũng chẳng khá hơn. Trước tình trạng 2 năm liên tiếp tôm chết hàng loạt tại cả 3 vùng nuôi trên địa bàn xã Hải Lạng, đã khiến cho người dân ở đây hết sức lo lắng. Và họ càng hoang mang hơn, khi mỗi năm tôm lại chết do 1 căn bệnh khác.
Hướng đi nào cho nghề nuôi tôm ở Hải Lạng?
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Đông, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên về việc tôm sú nuôi tại xã Hải Lạng có hiện tượng chết hàng loạt, Chi cục đã cử cán bộ xuống xác minh tình hình dịch bệnh.
Qua kiểm tra sơ bộ cho thấy, trên 90% các hộ nuôi tôm đều mua tôm giống không rõ nguồn gốc và không qua kiểm dịch. Bên cạnh đó, do các hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, diện tích ao đầm lớn, độ sâu đáy ao không đồng đều nên khó quản lý được các yếu tố môi trường trong ao nuôi.
Các ao đầm đều không theo quy hoạch, không có hệ thống ao lắng lọc ban đầu, không thể tháo cạn để cải tạo đáy ao sau mỗi vụ nuôi nên mùn bã hữu cơ tích tụ, sinh ra khí độc, khi gặp thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sức khoẻ tôm và không loại bỏ được mầm bệnh”.
Như vậy có thể thấy, nghề nuôi tôm ở Hải Lạng những năm qua đều là tự phát, theo phong trào, vì vậy hệ thống ao đầm không được quy hoạch đồng bộ. Chất lượng tôm giống, nguồn nước trước khi đưa vào nuôi thả đều không được quản lý, kiểm soát. Trong khi đó, việc nuôi tôm theo hướng công nghiệp lại quá xa vời đối với người nông dân vì yêu cầu kỹ thuật cao và vốn đầu tư ban đầu quá lớn.
Trung bình để cải tạo diện tích ao đầm từ 6ha trở lên người dân sẽ mất vài trăm triệu đồng. Cũng theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, sau khi Chi cục tiến hành thu 4 mẫu tôm xét nghiệm và căn cứ vào phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng II, 4/4 mẫu sau khi kiểm tra đều dương tính (+) với hội chứng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS/EMS).
Tác nhân gây hội chứng là do vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus. Vi khuẩn này bị nhiễm một loại thể thực khuẩn sinh ra độc tố cực mạnh, lây lan qua đường miệng sau đó chúng xâm nhập vào đường tiêu hoá của tôm gây phá huỷ mô và làm rối loạn chức năng của gan, tụy, cơ quan tiêu hoá. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thú y tỉnh đã đề nghị các hộ nuôi tôm xã Hải Lạng cần thực hiện theo đúng những khuyến cáo để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra xuống mức thấp nhất.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hội chứng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính được phát hiện ở xã Hải Lạng lần này cũng là lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, đây cũng là bệnh nằm trong danh mục các bệnh thuỷ sản phải được công bố dịch theo thông tư số 38/2012/TT-BNNPTNT và chưa có biện pháp chữa trị đặc hiệu. Trong khi đó theo ông Đông, đối với bất cứ một dịch bệnh nào, việc quan trọng nhất sau khi phát hiện và công bố dịch là công tác chống dịch và dập dịch.
Tuy nhiên, do người dân xã Hải Lạng vẫn còn mang nặng tâm lý coi đây là một nghề “đánh bạc với trời” nên phần lớn mọi người đều không tuân thủ các biện pháp chống dịch theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, khả năng toàn bộ diện tích hơn 500ha ở Hải Lạng đều bị dịch bệnh giống như năm 2012 là không tránh khỏi. Và con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Lời kết
Thiết nghĩ, sau 2 năm liên tiếp bị dịch bệnh, đẩy người nuôi tôm rơi vào cảnh lao đao, kiệt quệ thì các ngành chức năng ngoài việc xác định nguyên nhân gây bệnh cũng cần nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại toàn bộ vùng nuôi trồng thuỷ hải sản của Hải Lạng một cách cụ thể, khoa học.
Để từ đó giúp địa phương và người nuôi tôm có định hướng cho vụ nuôi sau. Về phía người dân xã Hải Lạng, nếu tiếp tục sử dụng ao đầm vào nuôi trồng thuỷ sản thì cần phải mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao đầm, nghiên cứu chuyển đổi vật nuôi… tránh để thiệt hại chồng thiệt hại như 2 vụ tôm vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 14-6, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) Phạm Quốc Liêm cho biết, container 40 feet với gần 22 tấn chuối già hương xuất khẩu của công ty đang trên đường đến Tokyo, Nhật Bản.
Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã dự thảo xong Đề án phát triển vùng sản xuất cam xoàn ở xã Phương Phú và được các sở, ngành tỉnh góp ý xong, đa phần đều thống nhất với nội dung dự thảo của đề án.
Các loại trái cây hè tại các huyện Tân Thành, Châu Đức và Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) đang vào mùa thu hoạch. Mới đầu mùa nhưng giá một số loại trái cây bán tại vườn giá 10 - 20% so với vài tháng trước. Điệp khúc “rộ mùa mất giá” lại tái diễn khiến các nhà vườn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Dự án thiết lập vườn dừa giống và bình tuyển cây dừa mẹ để cải thiện giống dừa trong sản xuất đại trà đã được Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai vào năm 2014. Mục tiêu dự án là bình tuyển 18 ngàn cây dừa mẹ theo tiêu chuẩn, hướng dẫn chăm sóc dừa mẹ đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất.
Thời tiết khô hạn khiến năng suất chuối đạt thấp, thêm vào đó giá chuối lại rớt thê thảm do hạn chế khối lượng xuất khẩu.