Hiệu Quả Kinh Tế Và Rủi Ro Từ Tôm Thẻ Chân Trắng
Gần đây, việc bùng phát nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, An Giang nói riêng đã khiến cho chính quyền và các nhà chuyên môn vô cùng lo lắng, bởi đi liền với hiệu quả kinh tế thì có không ít rủi ro với đối tượng nuôi mới này.
Với giá bán hiện nay 128.000 đồng/kg (loại 60 – 70 con/kg), tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao so với các loài thủy sản khác trong vùng. Nếu cá tra được các doanh nghiệp trong tỉnh thu mua giá 25.000 đồng/kg thì giá trị tôm thẻ chân trắng cao hơn gấp 5 lần.
Năng suất bình quân mỗi héc-ta mặt nước đạt từ 5 tấn trở lên. “Tôm thẻ chân trắng có giá trị kinh tế cao, mức đầu tư thấp, mùa vụ nuôi ngắn, cho năng suất cao, dễ tiêu thụ, kích cỡ tôm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thế giới.
Trong bối cảnh cá tra đã thua lỗ quá nặng, nuôi tôm càng xanh hiệu quả không cao, nông dân chúng tôi tự tìm một đối tượng nuôi mới có hiệu quả cao để gỡ nợ”- ông Nguyễn Hữu Trinh, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), nói.
“Vụ tôm năm nay, tôi thả nuôi trên diện tích 5.000m2. Khi có thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không cho phát triển tôm thẻ chân trắng, tôi đành bán tôm trong lúc tôm đang lớn. Lúc này, tôm đạt 70 con/kg, thương lái mua giá 128.000 đồng/kg. 5 công tôm, tôi lãi trên 160 triệu đồng.
Trong thời gian nuôi, tôi chưa thấy phát sinh dịch bệnh gì hết”- ông Huỳnh Văn Thạch, thị trấn An Châu (Châu Thành), cho biết.
Hiệu quả kinh tế là vậy nhưng rủi ro thì khôn lường. Rủi ro dễ nhận thấy là khâu tiêu thụ sản phẩm. Đa phần nông dân nuôi tôm chân trắng bán cho thương lái “trôi nổi” mà không có hợp đồng bao tiêu, đây chính là “mối nguy” cần kiểm soát, nếu không muốn xảy ra tổn thất. Do nuôi tự phát nên dễ bùng phát về sản lượng, trong khi bài học nhãn tiền trong những mùa tôm trước đây là “được mùa thì rớt giá”.
Việc khoan giếng ngầm để lấy nước nuôi tôm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm mà bài học từ Đài Loan là một điển hình. Khi vùng nuôi phát triển mạnh, dịch bệnh sẽ tăng theo bằng con đường lây từ nguồn giống và các mầm bệnh ở đáy ao.
Nguy hại hơn là các chủ thể nước ngọt như động vật phù du sẽ mang mầm bệnh virus đốm trắng và tồn tại trong khu vực, một lúc nào đó dịch bệnh sẽ phát sinh, lây lan mầm bệnh tôm thẻ chân trắng cho tôm càng xanh thương phẩm.
Từ những rủi ro trên, ngành Nông nghiệp An Giang khuyến cáo nông dân ngừng thả nuôi trong vụ tiếp theo. “Nhà nước có yêu cầu ngưng nuôi thì chúng tôi chấp hành, nhưng việc chấp hành này chưa “tâm phục khẩu phục”.
Cần có một nghiên cứu khoa học cụ thể hơn để đánh giá chính xác hậu quả khi thả nuôi tôm chân trắng. Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi tôm với số tiền quá lớn mà chủ trương không cho nuôi đã gây thiệt hại không nhỏ”- ông Nguyễn Bá Kế, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), nói.
“Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản sống trong môi trường nước mặn. Việc phát triển đối tượng này trong điều kiện nước ngọt của tỉnh An Giang sẽ phát sinh một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; ảnh hưởng đến cơ cấu giống loài thủy sản tự nhiên của tỉnh An Giang.
Tôm thẻ phải sử dụng nguồn nước giếng có độ mặn khoảng 2%o, vì vậy khi thải trực tiếp nguồn nước này ra môi trường sẽ có nguy cơ làm cho nền đất trồng lúa bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Về mặt chuyên môn, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trong thời gian tới” - ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, cho biết.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tôm thẻ chân trắng đã vượt qua tôm sú cả về sản lượng lẫn giá trị (diện tích thả nuôi ở 30 tỉnh, thành cả nước trên 66.000 héc-ta, sản lượng đạt gần 300.000 tấn), trở thành mặt hàng chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 3 tỷ USD thì tôm thẻ chân trắng chiếm gần 60%.
Có thể bạn quan tâm
Lâu nay, người nuôi tôm thường gặp khó khăn do dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, đầu ra cho sản phẩm cũng rất bấp bênh. Trước tình hình này, Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải (Bạc Liêu) quy hoạch lại vùng nuôi tôm sạch, liên kết với doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ con giống, chế phẩm vi sinh, bao tiêu sản phẩm… Từ đó giảm bớt nỗi lo cho người nuôi tôm trong huyện.
Tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chọn làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long để thực hiện thí điểm tiểu dự án 2 “Sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long-Cát Bà” - dự án về lĩnh vực phát triển, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Ngày 21-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã có cuộc họp với các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo và xử lý những kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai.
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang bắt đầu bộc lộ rất nhiều bất cập cần phải điều chỉnh và thay đổi kể từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như một cách nhìn lại mình để “lột xác” và phát triển. Nhiều chuyên gia mạnh dạn cho rằng, đã đến lúc phải giảm dần lúa gạo để đầu tư cho nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Vì sao?