Lãng Phí Phân Bón
Tập quán sử dụng các loại phân bón hóa học ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng mới có từ khi thành lập các HTX NN lại nay.
Từ chỗ sử dụng chủ yếu bằng các loại phân hữu cơ như: phân chuồng, phân xanh, phân rác, nay phần lớn các cơ sở sản xuất chủ yếu sử dụng các loại phân hóa học để bón cho cây trồng, còn các loại phân hữu cơ gần như đang dần ít được sử dụng. Theo các kỹ sư nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đang lãng phí phân bón.
Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh sử dụng từ 50 - 60 ngàn tấn phân đạm, 30 - 35 ngàn tấn phân lân, 16 - 18 ngàn tấn phân kali và 120 - 130 ngàn tấn phân hỗn hợp NPK các loại, để bón cho tất cả các loại cây trồng. Việc sử dụng nhiều phân bón hóa học hiện nay hoàn toàn không có lợi có về mặt kinh tế và xã hội.
Về kinh tế, qua tính toán cho thấy mức độ đầu tư các loại phân bón cho các loại cây trồng hiện nay khá cao. Trung bình 1 sào lúa bón tới 10 - 12 kg đạm Urê, 20 - 25 kg Super lân và 7 - 8 kg Kali hoặc 25 - 30 kg NPK loại 8-10-3 + 5 - 6 kg đạm Urê và 5 - 6 kg Kali.
Cũng các loại phân đó nếu bón cho ngô phải nhiều gấp 1,3 lần và nếu bón cho cây mía phải nhiều gấp 1,5 - 1,7 lần so với cây lúa. Với lượng phân bón nhiều như vậy, nhưng năng suất lúa chỉ đạt được từ 2,8 - 3,2 tạ/sào trong vụ xuân và 2 - 2,2 tạ/sào trong vụ hè thu. Đối với cây ngô chỉ đạt được năng suất bình quân 2,2 - 2,5 tạ/sào trong vụ xuân và 1,5 - 1,7 tạ/sào trong vụ đông. Đối với cây mía năng suất chỉ đạt được bình quân 27- 28 tạ/sào.
Chi phí đầu tư về phân bón cho các loại cây trồng chiếm hơn 1/3 tổng chi phí sản xuất và đây cũng chính là nguyên nhân làm tăng giá thành, giảm hiệu quả sản xuất. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nông hóa thổ nhưỡng thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thì hiệu quả sử dụng phân bón hóa học của cây trồng chỉ đạt 55 - 60%, nhất là phân đạm hiệu quả sử dụng càng thấp hơn.
Lý do hiệu quả sử dụng phân bón thấp là do: Bón không đúng lúc, bón không đúng cách, bón mất cân đối, bón không phù hợp với liều lượng cần từng thời kỳ, từng loại đất đai khác nhau. Riêng phân hỗn hợp NPK thì chưa phân biệt được loại nào dùng để bón lót, loại nào dùng để bón thúc.
Sử dụng phân bón hóa học nhiều, nếu không đi kèm với sử dụng nhiều phân hữu cơ sẽ làm cho sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, kết cấu đất biến dạng theo chiều hướng thoái hóa dần, gây ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng sản phẩm nông sản, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Chính vì vậy Tổ chức Lương thực thế giới và Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế kêu gọi các nước thực hiện "3 giảm 3 tăng".
Trong đó đặc biệt coi trọng giảm sử dụng phân hóa học và giảm thuốc trừ sâu. Tại sao chúng ta không chỉ đạo bà con nông dân sử dụng các loại phân bón hóa học có hiệu quả nhất, ít gây ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sản phẩm.
Phải nói rằng hàng năm tỉnh đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư cho khuyến nông, cho các trung tâm chuyển giao KHKT và các lớp dạy nghề cho nông dân… nhưng xem ra người trực tiếp sản xuất là nông dân còn rất mơ hồ về kỹ thuật sử dụng phân bón hóa học.
Thực tế hiện nay người nông dân đang có nhu cầu nâng kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp nói chung, kỹ thuật sử dụng phân bón nói riêng. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức cho nông dân, chúng tôi đề nghị những cơ quan có trách nhiệm, trước hết là ngành Nông nghiệp:
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ KHKT nói chung, phương pháp sử dụng phân bón nói riêng cần làm tốt hai việc: Thứ nhất có tài liệu hướng dẫn, nói thẳng cách làm, sử dụng từ ngữ dễ hiểu cho người dân đọc hiểu.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tập huấn cho nông dân phải là những cán bộ có trình độ chuyên môn khá, có kinh nghiệm cả về nghề nghiệp và phương pháp nói (sư phạm) cho nông dân nghe, giải thích có cơ sở khoa học và thực tiễn khi nông dân hỏi, trường hợp thiếu cán bộ KHKT có trình độ, có kinh nghiệm làm nhiệm vụ chuyển giao KHKT bằng phương pháp tập huấn thì thuê chuyên gia ngoài như một số tỉnh ở miền Nam đang làm hiện nay.
- Đối tượng tập huấn là nông dân thì người đi nghe phải là nông dân. Hạn chế mời người đi nghe là những người "nghe cũng được, không nghe cũng được". Không mời hết nông dân thì mời đại diện nông dân để từ hộ nông dân này tuyên truyền cho hộ nông dân khác hoặc từ việc làm thành công của hộ nông dân này nhân rộng ra hộ nông dân khác.
- Các huyện, xã, HTX NN nên có sự liên kết hợp tác với các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh phân bón để xây dựng mô hình sử dụng các loại phân bón đúng quy trình kỹ thuật nhất và từ kết quả của những mô hình này mà tổ chức cho bà con nông dân tham quan, học tập làm theo. Cũng từ những mô hình đó để bà con nông dân đánh giá chất lượng phân bón của các doanh nghiệp đã cung ứng cho nông dân tốt và chưa tốt.
- Ngành NN & PTNT cần có kế hoạch nhân rộng mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) của tổ chức OXFAM quốc tế đã và đang triển khai ở Nghệ An với nội dung thực hiện "3 giảm 3 tăng", trong đó hết sức quan tâm giảm phân bón hóa học và tăng cường sử dụng phân bón có hiệu quả nhất.
Có thể bạn quan tâm
Những năm 80 của thế kỷ 20, chính quyền và nông dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) đã bắt đầu hình thành những vùng chuyên canh, xen canh giữa cây lúa và ngô (bắp) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đến nay, cây ngô đã trở thành cây trồng chủ lực tại đây, với năng suất lên đến 13, 14 tấn/ha, mở hướng phát triển bền vững cho việc tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.
Giồng Riềng là huyện thuộc vùng đất thấp trũng (Tây sông Hậu) của tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mô hình trồng tiêu trên đất vườn của huyện Giồng Riềng được nhiều nông dân quan tâm đầu tư nhân rộng. Điểm đặc trưng nổi bật của mô hình trồng tiêu trong huyện là trồng trên đất liếp vườn dùng cây tràm sống làm trụ.
Mùa rộ trái cây ĐBSCL thường “đụng hàng” mùa thu hoạch tập trung ở miền Đông, Tây Nguyên và miền Bắc, nên lượng cung ra thị trường khá lớn gây khủng hoảng thừa, rớt giá. Do vậy, việc điều chỉnh mùa vụ, sản lượng trái cây đáp ứng nhu cầu thị trường là vấn đề rất cần thiết.
Sả là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, chịu hạn tốt, chi phí đầu tư ít, chỉ 6 tháng đầu năm 2014 diện tích sả tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đã tăng thêm gần 100 ha. Tính đến nay, Tân Phú Đông có gần 600 ha sả, tăng gần 200 ha so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu tập trung tại xã Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 2,33 triệu tấn bắp, nhiều hơn tổng lượng bắp nhập khẩu của cả năm 2013. Nguyên nhân là do giá bắp trên thế giới trong những tháng qua xuống thấp nên doanh nghiệp nhập về để dự trữ cho những tháng tiếp theo.