Hiệu Quả Từ Mô Hình Đa Cây, Đa Con
Thay vì chỉ trồng và nuôi một loại cây, con như trước, những năm gần đây, nhiều nông dân đã chọn cách trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giảm thiểu rủi ro về mất vốn.
Ông Nguyễn Cảnh, ở thôn An Phước, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) là một trong những nông dân có thâm niên trong nghề chăn nuôi vịt, kết hợp ấp trứng vịt lộn. Nghề “truyền thống” này đã đem lại nguồn thu cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bắt đầu chăn nuôi từ năm 1979 với vốn liếng chỉ khoảng 50 con vịt, đến nay ông Cảnh đã sở hữu đàn vịt từ 4 - 5 nghìn con. Trong đó có khoảng hơn 2 nghìn con vịt đẻ và hơn 2 nghìn con vịt thịt. Nhằm giảm giá thành đầu vào, tăng lãi suất, ông Cảnh quyết định đầu tư mua máy ấp trứng để cung cấp trứng vịt lộn cho thị trường. Trung bình 2 ngày lò ấp của ông cho ra khoảng 3.000 quả trứng vịt lộn (3.000 đồng/trứng).
Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tuân thủ các quy trình sản xuất, đặc biệt là nắm bắt được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi mà mấy chục năm chăn nuôi, đàn vịt của ông không xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, sản phẩm của ông làm ra được nhiều người an tâm sử dụng. Thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng…
Tuy lợi nhuận đem lại cao, nhưng từ nhiều năm nay, ông Cảnh quyết định không mở rộng quy mô chăn nuôi vịt nữa mà chia nhỏ nguồn vốn để đầu tư vào nhiều loại vật nuôi. “Bây giờ dịch cúm gia cầm diễn ra ngày càng nhiều, mức độ lây lan cao nên nếu chỉ đầu tư chăn nuôi vịt thì rủi ro rất cao. Một khi đàn vịt của mình mà bị dịch thì coi như đồng vốn sẽ bị tiêu tan. Vì vậy tôi nghĩ đầu tư chăn nuôi nhiều loại vật nuôi thì sẽ ổn định hơn, đồng thời thu nhập cũng thường xuyên hơn”, ông Cảnh chia sẻ.
Xuất phát từ ý nghĩ trên, thay vì chỉ đầu tư vào con vịt, lão nông này quyết định đầu tư chăn nuôi heo theo phương pháp hiện đại. Hệ thống chuồng trại được xây dựng cao ráo, thoáng mát, máng ăn tự động; đồng thời kết hợp xây dựng hầm biogas để tiết kiệm chất đốt, giảm ô nhiễm môi trường. “Nhờ mô hình khép kín này nên mặc dù mình nuôi nhiều heo, nhưng người dân xung quanh vẫn không phàn nàn về tình trạng hôi thối. Hơn nữa, mỗi tháng tôi còn tiết kiệm được khoảng 400 ngàn đồng từ chất đốt hầm biogas”.
Theo ông Cảnh thì trung bình mỗi tháng ông cho xuất chuồng khoảng 25 con heo. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi con ông kiếm lời khoảng 700 ngàn đồng. Ngoài ra, ông Cảnh còn đầu tư, xây dựng chuồng trại để nuôi thêm 4 con bò sinh sản. Theo ước tính của ông thì với 4 con bò sinh sản này 1 năm ông sẽ thu lãi được vài chục triệu đồng.
Với lợi thế đất vườn rộng, ông Nguyễn Vàng ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã kết hợp trồng nhiều loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng cây ăn quả, khu vườn của ông đã có trên 10 loại với nhiều cây có giá trị như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, bưởi, chanh…
Đặc biệt, tận dụng những rìa đất xung quanh vườn, ông Vàng trồng măng Thái Lan. Đây là giống măng mới vừa ít chi phí lại đem lại thu nhập cao. Ông Vàng cho biết, hiện tại ông trồng hơn 70 bụi măng Thái Lan. Trung bình một năm ông thu được 2 tấn măng. Với giá ổn định 6.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu về khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm 4 con bò, hàng trăm con gà. Mỗi năm, gia đình luôn có mức lãi từ 100 - 150 triệu đồng.
Theo ông Vàng thì “đa cây, đa con” có những cái khó đó là đòi hỏi nông dân phải siêng năng, cần cù, bởi quanh năm suốt tháng đều có việc để làm. Nhưng cái lợi đạt được là không hề nhỏ, đó là bà con có thể đảm bảo mức sống, thu nhập cho gia đình nhờ có nguồn thường xuyên hơn, không theo mùa vụ, mức đầu tư cũng rải ra chứ không tập trung nên vốn không lớn.
“Nếu chỉ trồng một loại cây thì thời gian cho thu nhập quá lâu, gây lãng phí. Còn trồng “đa cây” thì trung bình tháng nào tôi cũng thu được 4 - 5 triệu đồng, vừa có tiền chi tiêu lại vừa có tiền để đầu tư cho những loại cây lâu năm. Hơn nữa, nếu chỉ tập trung một loại cây thì đến mùa đầu ra sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Vàng lý giải.
Ông Từ Văn Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành cho biết: Những năm gần đây, người nông dân ngày càng hướng đến mô hình “đa cây, đa con” nhiều hơn. Vì mô hình này đem lại nhiều cái lợi như tạo nguồn thu nhập thường xuyên, giúp người dân có thể “lấy ngắn nuôi dài”. Vả lại trong khi thị trường không ổn định như hiện nay, thì mô hình này sẽ giảm áp lực về đầu ra sản phẩm cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Cách đây vài năm, người trồng cam sành ở huyện Kế Sách còn ngêu ngao câu ví buồn: “Cam sành lột vỏ còn “cay”/Nông dân điêu đứng vì cam sau nhà…”. Ấy vậy mà, sau hơn 2 năm thực hiện mô hình trồng cam sành theo dự án Jica do Nhật Bản tài trợ đã xóa tan đi câu ví một thời.
Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế miền đất nhiễm mặn, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đang hỗ trợ huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) thâm canh mãng cầu xiêm - cây trồng đặc sản đang cho hiệu quả kinh tế cao theo tiêu chí VietGAP.
Ngày 16/4/2013, Trung Tâm Khuyến nông Khuyến Ngư (TTKNKN) Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Hội nông dân xã Tóc Tiên tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật nuôi ba ba thương phẩm trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp” cho hơn 40 nông ngư dân xã Tóc Tiên và xã Hắc Dịch của huyện Tân Thành.
Kết thúc quí 1-2013, tình hình dịch bệnh xảy ra đối với thủy sản nuôi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, một số nhà chuyên môn cho biết vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi chưa có biện pháp phòng, trị bệnh hữu hiệu cho hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm và nghêu.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), khác với nhiều năm trước, lượng hồ tiêu xuất khẩu quý 1 năm nay tăng đột biến, trên 38.300 tấn với kim ngạch hơn 254 triệu USD, tăng trên 23,5% về lượng và 20% về giá trị.