Làng Hoa Cúc Vào Vụ Tết
Tính đến nay, cúc Vĩnh Liêm đã được gần 3 tháng tuổi, cây cao khoảng 50cm. Đây là thời điểm cúc cần phải được chăm sóc tích cực để bảo đảm sinh trưởng phát triển.
Về làng hoa cúc Vĩnh Liêm thuộc phường Bình Định (TX An Nhơn-Bình Định) vào thời điểm này, tôi cảm nhận được sự tất bật, hối hả của các chủ nhà vườn với những công việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để những chậu cúc cho hoa đúng dịp tết...
Hơn 20 năm qua, ngoài làm ruộng, hơn 30 hộ dân ở khu vực Vĩnh Liêm, phường Bình Định (TX An Nhơn) lấy nghề trồng hoa cúc bán tết làm nguồn thu chủ đạo trong năm.
Họ bảo, làm nông “của ruộng đắp bờ”, chẳng mong dư dả. Mỗi năm một mùa hoa tết, nếu thắng lợi, khoản lợi nhuận thu được có thể dành dụm để lo cho con cái ăn học.
Nhưng trồng cúc không phải “dễ ăn”, nếu không “dính” lũ lụt thì cũng bị thời tiết bất thuận luôn rình rập gây hại, nếu không dày công chăm sóc, để sâu bệnh tấn công là công toi.
Ví như năm nay, do nhuận hai tháng 9 âm lịch, nắng mưa bất thường, khiến người trồng cúc ở Vĩnh Liêm phải vừa áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, vừa ngày đêm bám vườn chăm sóc cho từng cành lá để cúc cho hoa đúng dịp tết.
Mắt vừa dán vào từng chậu cúc, tay thoăn thoắt lựa những lá cúc bị hư ngắt bỏ, chị Lê Thị Đào, chủ nhà vườn có 300 chậu cúc ở Vĩnh Liêm vừa trò chuyện: “Tui nối nghề của ba làm cúc đến nay đã hơn 20 năm, kinh nghiệm “đầy mình” nhưng gặp thời tiết bất thuận như năm nay cũng phải “bó tay”.
Không hiểu sao những chậu cúc bị chạy lá chân hết (hư hết lá chân), đi mua thuốc BVTV người bán thuốc cũng không biết do bệnh gì, chỉ nói vì mấy tháng nay khi nắng thì nắng quá, khi mưa thì dầm dề khiến lá cúc bị dập, sinh bệnh, chết dần.
Bây giờ tui phải lựa lá hư lặt bỏ để nó không lây bệnh qua những lá khác. Cúc mà bị hư hết lá chân, trống chậu, giá bán sẽ giảm nhiều”.
Theo chị Đào, vì năm nay nhuận hai tháng 9 âm lịch nên các nhà vườn trồng cúc ở Vĩnh Liêm phải xuống giống muộn 1 tháng. Nếu những năm trước đầu tháng 8 ÂL đã xuống giống thì năm nay đến đầu tháng 9 ÂL mới bắt đầu.
Tính đến nay, cúc Vĩnh Liêm đã được gần 3 tháng tuổi, cây cao khoảng 50cm. Đây là thời điểm cúc cần phải được chăm sóc tích cực để bảo đảm sinh trưởng phát triển.
“Tui trồng giống cúc đóa mua từ Đà Lạt. Trước khi mua giống, các chậu phải được vô đất sẵn sàng, giống về là gieo ngay. Khoảng 10 ngày sau cúc bén rễ, đó là lúc nó cần tiếp sức bằng thuốc tăng lực cho rễ, đồng thời bơm phòng thuốc bệnh...Đến khi cúc tròn 3 tháng thì cắm cây trụ chính”, chị Đào cho biết.
Nhìn giàn điện treo trên những chậu cúc, tôi ngạc nhiên, hỏi: “Sao lại phải thắp điện cho hoa?”. “Thắp điện là để hãm không để cúc trỗ búp sớm, với lại ánh điện sẽ “kéo” cho các nhánh hoa cao lên, đẹp cây, dễ bán”, chị Đào trả lời.
Qua quan sát, tôi thấy trên mỗi luống hoa (3 hàng chậu/luống) được giăng 1 hàng bóng điện. Cứ cách 2m treo 1 bóng, các bóng điện được treo cách những chậu hoa khoảng 1m.
“Khi hoa được 1 tháng là bắt đầu cho chúng “ăn” điện. Thời gian ấy nhìn các vườn hoa trông như một thành phố sáng rực đèn điện. Khi hoa đến 2 tháng tuổi là cắt, không dùng điện để hãm chúng nữa để chúng phát triển tự do, lấy sức đơm búp, để hoa nở đúng dịp tết”, chị Đào giải thích thêm.
Cứ đến cuối tháng Chạp hàng năm, làng cúc Vĩnh Liêm tấp nập thương lái tập trung về các vườn cúc ở đây để mua trọn lô chở đi bán ở TP Quy Nhơn và các tỉnh Tây Nguyên như: Ban Mê Thuộc, Gia Lai, Kon Tum...Số nào không được thương lái mua sỉ thì các nhà vườn huy động người nhà bán lẻ cho người tiêu dùng. Ông Lê Bá Lộc, chủ vườn cúc 800 chậu hy vọng: “Nếu Tết Ất Mùi 2015 này giá hoa cúc ổn định từ 100-150 ngàn đồng/chậu thì gia đình tui chắc sẽ thu được 100 triệu đồng. Chúng tôi hy vọng mùa hoa năm nay sẽ gỡ được “cú thua” của mùa hoa năm ngoái do lũ lụt”.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây lĩnh vực Chăn nuôi, Thủy sản đã có những sự chuyển dịch đáng kể về quy mô cũng như các đối tượng nuôi.
Đồng bào dân tộc quanh xã A Ngo, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên thấy trồng chuối có bón phân, bao buồng, toàn bộ ruộng chuối trổ hoa cùng một lúc.
Từng trải qua giai đoạn suýt phá sản vì bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) vẫn đứng vững.
Với quyết tâm làm giàu cùng với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, bác Vũ Văn Sai thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình đã xây dựng.
Với những lợi thế chi phí đầu tư thấp, mang lại lợi nhuận cao, thân thiện với môi trường, qua hơn 10 năm áp dụng, mô hình nuôi sò huyết xen canh với tôm.