Cây Giống Trồng Rừng Chịu Mặn Trên Ruột Bầu Hữu Cơ Nhẹ
Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong việc trồng mới và hồi sinh những cánh rừng ngập mặn (RNM). Tuy nhiên, trước những biến đổi của khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, ô nhiễm môi trường... thì việc khôi phục và trồng lại RNM là vô cùng khó khăn, tốn kém.
Trên thực tế cho thấy, có những khu vực tỉ lệ cây sống thành rừng chỉ đạt từ 50-60%. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển thành công một số loài cây giống trồng rừng chịu mặn chủ yếu trên ruột bầu hữu cơ nhẹ của 2 kỹ sư Đỗ Thanh Vân và Trần Văn Sáng (Trung tâm KH&SX Lâm nông nghiệp Quảng Ninh), đang được coi là giải pháp kỹ thuật tháo gỡ được một phần bài toán về kinh phí và tăng nguồn gen trong bảo tồn đa dạng sinh học loài.
Chia sẻ về ý tưởng giải pháp trên, kỹ sư Đỗ Thanh Vân cho biết: “Năm 2008, trong một chuyến đi học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc, khi tham quan thực tế mô hình sản xuất bầu siêu nhẹ đối với cây giống bạch đàn giống U6, Quảng Lâm 9, PN13... chúng tôi đã đặt vấn đề tại sao ta lại không sản xuất cây bầu hữu cơ nhẹ cho cây trồng RNM.
Đến năm 2010- 2011, Quảng Ninh hợp tác với JICA sản xuất thành công bầu giá thể nhẹ để tạo cây giống Rhizophora stylosa; Kandelia candel; Aegiceras corniculatum; Avicennia marina... mang ra trồng tại Vụng Ba Cửa trên Vịnh Hạ Long. Các giá thể hữu cơ nhẹ này được thải ra từ trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhưng do nhập từ Nhật Bản về lên giá thành rất đắt. Tại sao không dùng các giá thể nhẹ ngay tại địa phương để sản xuất cây giống chịu mặn trên ruột bầu hữu cơ? Và ý tưởng của chúng tôi đã ra đời”.
Được biết, ngay sau khi có ý tưởng trên, kỹ sư Đỗ Thanh Vân và Trần Văn Sáng đã quyết định đầu tư 30-40 triệu đồng để tiến hành điều tra, khảo sát địa điểm vườn ươm, thu thập hạt giống.
Vườn ươm thực hiện tại khu vực bãi triều phường Tuần Châu (TP Hạ Long) với diện tích 3.000m2, được đắp đê bao, chống triều cường mạnh; hạt giống được thu hái, tuyển chọn đúng tiêu chuẩn, tại cây trội vùng RNM xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) và rừng trồng bảo vệ đê biển Hoàng Tân (TX Quảng Yên).
Qua nhiều lần tiến hành khảo nghiệm, thực hiện tạo bầu hữu cơ nhẹ và đối chứng thực tế cho thấy, với tỷ lệ 40% vỏ trấu hun, 40% lõi ngô, 20% phân hữu cơ đã cho hiệu quả cao, hoàn toàn phù hợp với sự phân huỷ, tạo chất dễ tiêu cho cây trồng trong môi trường hiếm khí và nước.
Sau khi thực hiện thành công, giải pháp đã được 2 tác giả ứng dụng ngay trong hợp đồng kinh tế với tổ chức JICA tại Quảng Ninh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình và Công ty Sản xuất dịch vụ sản phẩm nông nghiệp Công nghệ cao Yên Hưng. Các đơn vị trên đánh giá cao giải pháp khi không khai thác sử dụng đất ngập mặn làm ruột bầu từ tự nhiên, không phá vỡ môi trường đất ngập mặn và môi trường cư trú của động vật, cho tỷ lệ cây sống đạt trên 95%.
Công tác vận chuyển cây không mất nhiều chi phí do cây giống giảm được trọng lượng bầu từ 30-50% khi xuất vườn. Đồng thời, giúp người nông dân tăng thu nhập từ phế thải nông nghiệp, chăn nuôi… Quan trọng hơn cả là giá thành sản xuất cây giống bằng giá thể bầu hữu cơ nhẹ thấp hơn rất nhiều so với việc nhập giá thể từ nước ngoài.
Trung bình 1kg giá thể nhẹ nhập từ Nhật về sẽ mất khoảng 80-90 USD/kg, trong khi đó việc tận dụng những nguyên liệu trên ngay tại địa phương chỉ mất khoảng 7.000-10.000 đồng/kg, nên việc sản xuất cây giống ngập mặn đủ tiêu chuẩn cũng chỉ mất từ 4.300-5.500 đồng/cây. Quá trình chăm sóc cây tại vườn ươm cũng khá đơn giản, người dân chỉ cần theo dõi và phòng chống sâu bệnh, nhặt rác trôi đè vào cây giống...
Mặc dù, tính ưu việt của giải pháp đã được chứng minh, tuy nhiên, theo kỹ sư Đỗ Thanh Vân, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hiện nay ông vẫn chưa đầu tư được hệ thống vườn ươm cứng có diện tích rộng và việc đóng bầu vẫn bằng thủ công.
Nếu được tỉnh tạo điều kiện giao mặt bằng bãi triều từ 2-3ha để xây dựng 2 vườn cây nước lợ và nước mặn; đầu tư máy đóng bầu… thì vườn ươm có thể cho sản lượng cây giống chịu mặn chất lượng cao từ 500.000-1.000.000 cây giống/năm. Đồng thời cũng là nơi chuyển giao, học tập công tác tạo cây giống chịu mặn cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu.
Có thể thấy, khả năng sử dụng bầu hữu cơ nhẹ sẽ thay thế giá thể bầu đất truyền thống là một hướng đi mới trong ngành tạo cây giống phục vụ trồng cây chịu mặn đại trà trong tỉnh, tăng nguồn gen trong bảo tồn đa dạng sinh học loài. Thiết nghĩ, các cấp ngành cần sớm có sự quan tâm đầu tư để giải pháp phát huy hết hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Đối với người làm vườn của tỉnh Bến Tre, trong vườn nhà mình ai cũng phải dành một phần đất để trồng dăm ba chục gốc dừa. Có lúc giá dừa cao ngất ngưỡng, có khi sụt giảm, đời sống người trồng dừa cũng chịu cảnh thăng trầm. Tuy nhiên, niềm tin với cây dừa của người quê dừa, lúc nào cũng thủy chung. Nhân Festival Dừa, tôi có dịp gặp hai người nông dân được cho là ông “Vua dừa” của địa phương, và hơn hết, họ luôn dành một “tình yêu” mãnh liệt cho cây dừa.
Tại miền Nam nước ta, khoai lang có thể trồng quanh năm (nếu đủ nước), nhưng cây chỉ cho năng suất tối đa nếu trồng đúng thời vụ, thích hợp nhất là trồng vào tháng 5 - 6 dương lịch hay tháng 11 - 12 (sau mùa lúa)
Là một giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông Hà Thế Song, xóm Co Lương, xã Vạn Mai (Mai Châu - Hòa Bình) vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi, an hưởng. Với suy nghĩ còn sức khỏe còn phải lao động để đem lại nguồn thu nhập cho gia đình và là niềm vui trong cuộc sống.
Vài tháng trở lại đây, hàng trăm ngư dân ở xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, tỉnh TT - Huế) phải bỏ nghề đầm phá, phiêu tán nhiều nơi do cửa Tư Dung bị bồi lấp, nguồn nước bị ngọt hóa, thủy sản chết hàng loạt.
Vụ lúa Hè Thu ở Vĩnh Long đang thu hoạch rộ. Mặc dù vụ này trúng mùa nhưng nông dân không vui vì giá lúa ở mức thấp. Bên cạnh đó, mưa rả rích những ngày qua làm ruộng lúa lầy lội, nhiều chủ máy gặt cũng lợi dụng cơ hội này “làm giá” nông dân.