Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Thế Nào Để Khai Thác Hiệu Quả Các Dự Án Đầu Tư Ở Miền Núi?

Làm Thế Nào Để Khai Thác Hiệu Quả Các Dự Án Đầu Tư Ở Miền Núi?
Ngày đăng: 10/11/2014

Ưu tiên mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển KT-XH vùng miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bình quân mỗi năm tổng các nguồn đầu tư cho một huyện miền núi như Hướng Hóa là hơn 50 tỷ đồng, Đakrông khoảng 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiệu quả mang lại như thế nào, đời sống người dân vùng núi được cải thiện ra sao là một vấn đề mà loạt bài này tập trung phản ánh.

Thực trạng kinh tế, xã hội ở miền núi

Vùng núi Quảng Trị chủ yếu nằm ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng với diện tích 313.675 ha, chiếm 68,7% tổng diện tích đất tự nhiên và 17% dân số toàn tỉnh; là nơi sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô với gần 62.000 người.

Đây còn là địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh với tuyến biên giới dài 206 km, tiếp giáp với hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào; có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo gắn với Khu KTTMĐB Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay và 3 cửa khẩu phụ (Thanh, Cheng, Tà Rùng).

Do vậy, phát triển KT-XH vùng núi Quảng Trị là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 1/7/2002 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển KT-XH miền Tây và Chương trình hành động số 2348/ UB-CTHĐ ngày 27/12/2002 của UBND tỉnh. Đây là Nghị quyết chuyên đề giúp các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các huyện, xã miền Tây xác định những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển KT-XH ở địa phương. Trên cơ sở đó, các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành phù hợp với xu thế phát triển ở miền núi.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển KT-XH các xã miền núi như: Chương trình bảo vệ phát triển rừng; Chương trình bố trí lại dân cư;

Chương trình định canh định cư; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững cho huyện nghèo Đakrông; Chương trình 135,134; Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; Hỗ trợ đầu tư giao thông và thủy lợi miền núi (vốn trái phiếu Chính phủ); Chương trình hỗ trợ có mục tiêu hạ tầng cửa khẩu…

Đồng thời tiếp cận và huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư trên địa bàn các xã miền núi như các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA (Dự án Chia sẻ do Thụy Điển tài trợ; Chương trình phát triển nông thôn do Chính phủ Phần Lan tài trợ; Dự án giảm nghèo tại Quảng Trị-vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện nông thôn từ nguồn vốn JBIC;

Dự án phục hồi bản cổ Klu-xã Đakrông; Dự án phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kông đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và nâng cao năng lực thôn Klu, xã Đakrông (vốn vay ADB). Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (NGO) cũng đã quan tâm hỗ trợ đầu tư trên địa bàn miền núi Quảng Trị nhiều công trình hạ tầng dân sinh có ý nghĩa thiết thực với nhu cầu đời sống của người dân.

Hiện nay nền kinh tế vùng miền núi tỉnh Quảng Trị chủ yếu là nông, lâm nghiệp. Cơ cấu cây trồng phong phú với các loại cây chủ lực như cao su 17.333 ha, cà phê 4.659 ha, hồ tiêu 2.263 ha, sắn 8.000 ha, chuối 2.486 ha, lạc 2.500 ha và một số loại cây trồng khác. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đa dạng nên các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, là những cây trồng đặc trưng đang được thị trường ưa chuộng, trở thành hàng hóa có giá trị.

Chỉ với diện tích đất tự nhiên là 1.950 ha, nhưng hiện nay ở xã Tân Long (Hướng Hóa) có đến 1.000 ha đất chuyên canh trồng chuối. Cây chuối không chỉ giúp người dân Tân Long xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân trở nên giàu có. Bình quân mỗi năm xã Tân Long xuất bán từ 500-600 tấn chuối, tổng doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng.

Nhưng phải khẳng định bước đột phá trong xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi Quảng Trị phải kể đến chủ trương đưa cây sắn vào trồng ở vùng Lìa. Đến nay toàn huyện Hướng Hóa có hơn 4.000 ha sắn KM 94, tập trung ở các xã vùng Lìa từ Thanh, Thuận, A Túc và A Dơi, sản lượng mỗi năm trên 10.000 tấn mang lại thu nhập trên 70 tỷ đồng.

Có thể nói cây sắn đã làm “cuộc cách mạng” về xoá đói giảm nghèo cho hàng ngàn hộ dân miền núi đang thường xuyên thiếu hụt lương thực. Cứ bình quân mỗi hộ có 1 ha sắn sẽ cho thu nhập trên 30 triệu đồng/vụ. Đây quả thực là nguồn thu nhập lớn giúp cho nhiều hộ gia đình từ thiếu đói dần ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Trên thực tế dân cư ở miền núi của tỉnh Quảng Trị có hơn 90% sống dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại nông sản hàng hóa sản xuất gồm cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn, chuối các loại...Cho dù chất lượng chuối, cà phê đã được khẳng định nhưng người dân không khỏi bức xúc vì luôn bị tư thương ép giá.

Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các thương lái thu mua đã khiến thị trường nông sản luôn ở trong tình trạng mất ổn định, gây thiệt hại cho người trồng. Bên cạnh đó thì diện tích cà phê ở địa bàn Hướng Hóa đang đứng trước nguy cơ bị lão hóa. Việc chặt bỏ những vườn cà phê già, kém năng suất, chất lượng đang tạo ra những khó khăn cho người dân trong quay vòng sản xuất, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Dân thiếu đất ở, đất sản xuất

Những thành tựu về KT-XH ở vùng núi Quảng Trị như đã nêu ở trên đã phần nào khẳng định hiệu quả tích cực từ các chủ trương đầu tư của nhà nước, sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án phi Chính phủ. Tuy nhiên hiện nay tình hình kinh tế, xã hội ở miền núi vẫn còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn chiếm khá cao (43,66%), một số xã như Hướng Lộc, Hướng Sơn (Hướng Hóa), Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) việc đi lại giữa trung tâm xã với các thôn, bản còn nhiều trắc trở, hạ tầng dân sinh chưa được hoàn thiện; có xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 70% như ở xã Vĩnh Ô, Hướng Lộc, Hướng Sơn trên 40%...

Nguyên nhân tình trạng nghèo đói một phần do tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Mặc dù chiếm tới 68,7% tổng diện tích đất toàn tỉnh nhưng do địa hình là đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt và hiểm trở nên thiếu đất bằng phẳng để ở và sản xuất. Thêm nữa, tỉnh Quảng Trị nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, lũ lụt; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ven sông, suối thường xuyên chịu cảnh sạt lở đất, lũ ống, lũ quét phải di dời nơi ở.

Mặt khác có không ít hộ dân thiếu đất sản xuất, chưa ổn định được chỗ ở là do phải nhượng đất để xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện... Bên cạnh đó tỷ lệ phát triển dân số cao, việc chia tách hộ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 750 hộ người dân tộc thiểu số thiếu đất ở. Nếu với diện tích đất ở tối thiểu cho mỗi hộ là 200 m2 thì diện tích cần có là 150.000 m2 (15 ha), trong đó huyện Hướng Hóa có 335 hộ xin được cấp đất ở với diện tích 6,7 ha; huyện Đakrông 364 hộ, cần có 7,28 ha; Gio Linh 51 hộ, cần hơn 1 ha...

Thực trạng người dân miền núi thiếu đất ở, đất sản xuất còn do việc xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống chưa đáp ứng. Điều này dễ nhận thấy khi chúng tôi đến xã A Bung (Đakrông), một xã có vị trí tương đối thuận lợi, nằm trên đường 14 đi Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Theo báo cáo của UBND xã, từ năm 2004 đến năm 2013, A Bung được đầu tư gần 25 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Đường giao thông, nước sinh hoạt, điện đã về hầu hết các thôn bản; trường học, trạm y tế đã được xây dựng khang trang.

Nhưng đến nay toàn xã vẫn còn trên 230 hộ nghèo, chiếm 60% tổng số hộ trong toàn xã. Lật xem các danh mục đầu tư chúng tôi thấy trong số 33 công trình được đầu tư 5 năm qua, chỉ có 2 công trình thuỷ lợi, 1 công trình khai hoang ruộng nước, nhưng 2 trong 3 công trình dù được đầu tư tiền tỷ vẫn không phát huy được hiệu quả. Thuỷ lợi không đưa nước về đến ruộng, ruộng đã khai hoang mà người dân vẫn không canh tác được vì thiếu nước.

Tương tự ở xã A Xing trong danh mục đầu tư từ năm 1995 đến 2014 có tất cả 50 công trình với tổng số vốn trên 22 tỷ đồng nhưng chỉ có 2 công trình thủy lợi, 1 khai hoang ruộng nước, 1 sửa chữa kênh mương, 1 công trình nước sinh hoạt.

Đành rằng với điều kiện khó khăn như các xã vùng núi thì rất nhiều hạng mục cần được đầu tư xây dựng với hy vọng ngày càng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên điều quan trọng là phải biết ưu tiên nguồn đầu tư cho những hạng mục công trình cấp thiết nhất. Đặc biệt là các công trình thúc đẩy sản xuất như thủy lợi, khai hoang ruộng nước hay các công trình phục vụ thiết thực cho đời sống dân sinh như nước sinh hoạt, trạm y tế…

Trong khi đó rất nhiều địa phương đã dành phần lớn nguồn vốn cho tu sửa, nâng cấp trụ sở làm việc, nhà công vụ, nhà sinh hoạt cộng đồng, bê tông hóa đường giao thông. Bởi một khi cán bộ có nơi làm việc khang trang, nơi sinh hoạt đầy đủ tiện nghi nhưng ngược lại người dân lại chật vật với mấy tấm ruộng thiếu nước tưới; quanh năm chắt chiu theo từng giọt nước uống, nhất là mùa nắng hạn…thử hỏi hạng mục đầu tư nào là thiết thực và cần kíp nhất?

Theo số liệu thống kê chúng tôi có được thì sau hơn 25 năm thực hiện cuộc vận động định canh định cư, toàn huyện Đakrông có được 560 ha ruộng nước nhưng chỉ có gần 400 ha chủ động được nguồn nước tưới từ 45 công trình thuỷ lợi quy mô vừa và nhỏ, trong đó nhiều công trình đã xuống cấp hoặc hư hỏng nặng, hiệu quả hoạt động thấp.

Sản lượng lương thực hàng năm thu được từ diện tích ruộng nước chỉ cung cấp đủ cho người dân 2 tháng, 10 tháng còn lại phải dựa vào rừng, vào việc khai thác phế liệu chiến tranh, khai thác vàng và lâm sản trái phép… Tuy nhiên, cái khó của việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi ở huyện miền núi nói chung và Đakrông nói riêng là rất tốn kém, công suất nhỏ và thường xuyên bị hư hỏng do thiên tai tàn phá.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Đakrông Hoàng Nam bày tỏ nỗi lo lắng của địa phương về tình trạng xuống cấp, hư hỏng của hàng loạt công trình thủy lợi trên địa bàn, có những công trình bị mưa lũ cuốn trôi gần cả chục năm nay vẫn chưa có kinh phí sửa chữa như thủy lợi Pa Cha ở xã Tà Long, thủy lợi A Pun ở xã Tà Rụt, Ty Nê ở A Bung hay Ăng Công ở A Ngo…Nguồn kinh phí đầu tư sửa chữa phục hồi các công trình thủy lợi này là hàng chục tỷ đồng. Và thực trạng người dân miền núi thiếu đất ở, đất sản xuất do thiếu nước tưới, nước sinh hoạt vẫn đang tồn tại và chưa biết đến bao giờ chấm dứt.

Trước thực trạng đó, tháng 11/2013 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đề án “Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ”.

Đối với đất sản xuất, qua khảo sát toàn tỉnh có 4.425 hộ đang thiếu đất sản xuất, nhu cầu tối thiểu cho các hộ có đủ đất sản xuất là 2.514 ha. Huyện Hướng Hóa có 2.770 hộ, cần 1.553 ha; Đakrông 1.054 hộ, cần 431 ha; Vĩnh Linh 198 hộ, cần 599,4 ha. Do đó, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số chính là giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống, tạo điều kiện để họ có việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hạn chế tình trạng du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy, đồng thời giữ vững trật tự, an ninh quốc phòng vùng biên giới...

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88091


Có thể bạn quan tâm

Cả Thôn Xây Nhà, Sắm Ô Tô Nhờ... Cây Cảnh Cả Thôn Xây Nhà, Sắm Ô Tô Nhờ... Cây Cảnh

Từ việc trồng sanh, si, duối… để phục vụ thú chơi cây, đến nay hàng chục hộ dân ở thôn Thượng Phường, xã Yên Thành (Yên Mô, Ninh Bình) đã trở thành triệu phú, trong đó không ít hộ thu nhập lên tới tiền tỷ.

21/05/2014
Giá Thành Lúa Vụ Hè Thu Là 4.370 Đồng/kg Giá Thành Lúa Vụ Hè Thu Là 4.370 Đồng/kg

Bộ Tài chính vừa công bố giá thành sản xuất lúa bình quân cho vụ hè thu năm 2014 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở cho các doanh nghiệp mua lúa cho nông dân với mức lãi tối thiểu là 30%.

21/05/2014
Vinamilk Tiếp Tục Nhập Bò Sữa Cao Sản Từ Úc Về Việt Nam Vinamilk Tiếp Tục Nhập Bò Sữa Cao Sản Từ Úc Về Việt Nam

Sau chuyến hành trình 8 giờ vượt đại dương, ngày 19/5/2014, chuyến bay mang số hiệu SQ 7285 của hãng hàng không Singapore Airlines chở 200 con bò cao sản mang thai từ Melbourne, Australia về Việt Nam đã đáp xuống cảng hàng không sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất

21/05/2014
Phát Triển Kinh Tế, Nâng Cao Thu Nhập Của Người Dân Phát Triển Kinh Tế, Nâng Cao Thu Nhập Của Người Dân

Đến xã Cự Thắng (huyện Thanh Sơn) nhìn những cánh đồng lúa xanh tốt, hứa hẹn một mùa vàng bội thu, chúng tôi ngỡ ngàng bởi lúa ở đây bây giờ tốt không kém lúa ở đồng bằng.

21/05/2014
Ứng Dụng Vi Sinh Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Ứng Dụng Vi Sinh Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Sáng 19/5 tại Nha Trang, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III phối hợp với trường Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ mở lớp tập huấn Ứng dụng vi sinh trong nuôi trồng thủy sản. Tham gia tập huấn là các giảng viên, cán bộ khoa học nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản đến từ các viện và trường đại học trên cả nước.

22/05/2014