Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Trồng Ổi Đài Loan Ở Xã Trừ Văn Thố, Huyện Bàu Bàng: Hiệu Quả Từ Liên Kết 4 Nhà

Mô Hình Trồng Ổi Đài Loan Ở Xã Trừ Văn Thố, Huyện Bàu Bàng: Hiệu Quả Từ Liên Kết 4 Nhà
Ngày đăng: 08/08/2014

Ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng có nhiều hộ nông dân nhờ trồng ổi lê Đài Loan đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khấm khá. Dự án trồng ổi này đã thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp, giúp người nông dân tìm ra loại cây ăn trái phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ổi cho thu nhập quanh năm

Gia đình bà Nguyễn Thị Bé là một trong những điển hình vươn lên khá giả từ cây ổi Đài Loan ở xã Trừ Văn Thố. Bà Bé cho biết năm 2011, thấy nhiều nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lên đây trồng ổi cho thu nhập khá nên gia đình bà tìm mua giống ổi lê Đài Loan về trồng.

Lúc đầu, gia đình bà trồng 200 nhánh trên diện tích hơn 2.000m2; sau 8 tháng mỗi ngày vườn ổi cho thu hoạch khoảng 300kg, giá bán khoảng 13.000 đồng/kg. Đến nay, vườn ổi của gia đình bà đã tăng lên 8.000m2 và cho thu nhập đều đặn.

Theo các hộ nông dân ở đây, ổi lê Đài Loan cho trái quanh năm và hạn chế suy cây trong quá trình trồng bằng cách thường xuyên tỉa bỏ bớt trái, đồng thời sau mỗi đợt thu hoạch phải cắt tỉa bớt các cành đã cho trái. Việc cắt tỉa cần chú ý kết hợp hài hòa để tránh gây tổn thương đến cây.

Trong quá trình lớn dần, trái ổi to khoảng 5cm nên dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi ni-lông bọc bên ngoài để trùm trái lại. Sau khi bọc khoảng 2 tháng có thể cho thu hoạch. Việc bọc ổi nhằm hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục trái gây hại. Nhờ vậy mà vườn ổi của các gia đình luôn xanh tốt.

Bà Lê Thị Trúc Huỳnh, cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ - chủ nhiệm đề án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở xã Trừ Văn Thố, cho biết những hộ nông dân trồng ổi ở xã đều thành công khi thực hiện mô hình trồng ổi.

Trong năm 2013, trung tâm đã xây dựng dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan để giúp người nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao, sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao.

Từ quan điểm này, trung tâm đã kết hợp với Công ty TNHH MTV Chang Đình Huy, chính quyền địa phương và nông dân xã Trừ Văn Thố triển khai đề án này cho đến năm 2015. Tính đến nay, có 6 hộ nông dân trồng ổi lê Đài Loan nằm trong dự án với diện tích khoảng 53 ha. Hầu hết các hộ nông dân đều có doanh thu cao từ ổi lê Đài Loan.

Xây dựng thương hiệu trái cây

Sự liên kết “4 nhà” là chìa khóa để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.

Xác định rõ quan điểm này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã đề xuất và bước đầu thành công với dự án trồng ổi lê Đài Loan nhằm hỗ trợ người nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, “nâng chất” cho sản phẩm cây ăn trái.

Ông Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, cho biết xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người nông dân xã Trừ Văn Thố mong muốn thay đổi cây trồng chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm sâu bệnh nhiều hơn so với các loại cây ăn trái khác đang canh tác tại xã, trung tâm đã mạnh dạn kết hợp với doanh nghiệp, chính quyền hỗ trợ nông dân trong dự án này.

Trước thời điểm chưa có dự án, tại xã Trừ Văn Thố đã có một số hộ gia đình trồng cây ổi lê Đài Loan nhưng không đạt được chất lượng, hình thức và mùi vị vốn có của nó.

Qua khảo sát, Công ty TNHH MTV Chang Đình Huy đã thành công trong việc trồng loại cây giống này, vừa có mùi vị ngọt nhẹ, thơm mà hình thức trái đẹp, đều nhau. Tuy nhiên sản lượng hiện tại của công ty vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Công ty cũng mong muốn liên kết cùng nông dân để xây dựng một vùng trồng lớn để đẩy mạnh thị trường ổi lê Đài Loan.

Kết hợp nhu cầu 2 tác nhân chính trong chuỗi liên kết “4 nhà” nên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã thực hiện dự án này với mong muốn giúp nông dân tiếp cận được kỹ thuật trồng ổi lê Đài Loan để đạt được chất lượng, năng suất cao. Thực hiện dự án, người nông dân được hỗ trợ 100% kinh phí cây giống và 30% các vật tư thiết yếu khác như: Phân bón, túi ni-lông, túi xốp... Hiện nay, dự án đã thực hiện được gần 1/2 chặng đường, hỗ trợ giúp bà con về cây giống và một phần phân bón.

“Chúng tôi rất mong muốn thành lập tổ hợp tác cây ăn trái xã Trừ Văn Thố, hỗ trợ xây dựng thương hiệu để bà con có thể ổn định được chất lượng sản phẩm làm ra. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi thực hiện dự án này là ký kết hợp đồng với các đơn vị nhằm tạo thị trường ổn định cho bà con nông dân với giá bán sản phẩm ổn định”, ông Cường nói.


Có thể bạn quan tâm

Cá Sặt Bướm Nhỏ Mà Lợi Ích Không Nhỏ! Cá Sặt Bướm Nhỏ Mà Lợi Ích Không Nhỏ!

Trước đây, dù không phải là sản phẩm khai thác chính nhưng ở Cà Mau sản lượng cá sặt bướm (cá sặt) cũng đạt hàng trăm tấn mỗi năm dưới dạng mắm đồng, khô sặt. Đó là chưa kể bán cá tươi ở các chợ và dùng trong gia đình nông thôn hàng ngày.

12/08/2014
Hội Nông Dân Xã An Ngãi Khuyến Khích Nông Dân Tham Gia Mô Hình Nuôi Cá Mú Hội Nông Dân Xã An Ngãi Khuyến Khích Nông Dân Tham Gia Mô Hình Nuôi Cá Mú

Xã An Ngãi (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có 230ha đất nuôi trồng thủy sản với sản lượng hàng năm đạt hơn 300 tấn hải sản. Tuy nhiên, mấy năm gần đây do nguồn nước bị ô nhiễm đã làm cho tôm bị thiệt hại nặng, khiến người nuôi trồng không mặn mà đầu tư nuôi tôm mà chuyển sang nuôi thử nghiệm giống cá mú.

12/08/2014
Nông Dân Xã Đầu Nguồn Vĩnh Xương Vươn Lên Nhờ Mô Hình Nuôi Trăn Thương Phẩm Nông Dân Xã Đầu Nguồn Vĩnh Xương Vươn Lên Nhờ Mô Hình Nuôi Trăn Thương Phẩm

Theo anh Phan Thành Thơ, ngụ ấp 3 – xã Vĩnh Xương, là một trong những hộ có trên 7 năm kinh nghiệm nuôi trăn cho biết: ban đầu anh nuôi thử nghiệm 2 con trăn giống, thấy trăn dễ nuôi, chi phí thấp, nhưng cho lợi nhuận cao. Sau đó, anh quyết định đầu tư vào nuôi trăn, đến nay đàn trăn của anh Thơ đã lên đến dài chục con.

12/08/2014
Văn Giang (Hưng Yên) Nuôi Lợn Trong Chuồng… Điều Hòa Văn Giang (Hưng Yên) Nuôi Lợn Trong Chuồng… Điều Hòa

Cũng phải vài lần hẹn tôi mới được mục sở thị trang trại chăn nuôi lợn trong chuồng… điều hòa nhiệt độ ở huyện Văn Giang (Hưng Yên). Xem cách nuôi lợn trong các chuồng lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ, tôi gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

12/08/2014
Nuôi Bò Sữa Hướng Đi Hiệu Quả Của Xã An Sinh (Quảng Ninh) Nuôi Bò Sữa Hướng Đi Hiệu Quả Của Xã An Sinh (Quảng Ninh)

Dẫn tôi đi thăm mô hình nuôi bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Thu ở thôn Bãi Dài, một hộ dân nuôi bò sữa lớn nhất trên địa bàn xã An Sinh (Quảng Ninh) hiện nay, ông Lê Đình Đảm, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ An Sinh cho biết: Hiện nay, có 3 thôn của xã An Sinh duy trì và phát triển tốt đàn bò sữa với tổng số là 53 con, nuôi tại 12 hộ dân.

12/08/2014