Lâm Thao Sản Xuất Vụ Chiêm Xuân Theo Hướng Nâng Cao Chất Lượng Nông Sản

Trong những năm gần đây, sản xuất vụ chiêm xuân ở huyện Lâm Thao không chỉ chú trọng nâng cao năng suất mà còn quan tâm đến chất lượng sản phẩm để đạt hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa.
Đồng chí Cao Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, vụ chiêm xuân năm nay huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình khuyến nông nhằm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao gắn với việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tích cực nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn kết hợp với sử dụng các giống lúa có hiệu quả kinh tế cao đã được khảo nghiệm, đánh giá; đẩy mạnh liên kết với một số đơn vị cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.
Trong tổng số 3.347ha lúa chiêm xuân của huyện có khoảng hơn 50% diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, năng suất bình quân phấn đấu đạt trên 64 tạ/ha, sản lượng 21.000 -21.500 tấn. Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, huyện Lâm Thao liên kết với Công ty Giống - Vật tư công nghệ cao Việt Nam, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao như: JO2, ĐS1, Thiên ưu 8 tập trung ở các xã: Cao Xá, Vĩnh Lại, Kinh Kệ, Tứ Xã…
Đồng chí Nguyễn Hữu Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết: “Vụ chiêm xuân năm nay xã vận động bà con nông dân thay thế giống Khang dân dễ nhiễm bệnh, hay bị đổ bằng giống Thiên ưu 8.
Xã trích ngân sách từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 100% giống cho các hộ tham gia trong 40ha mô hình. So với lúa Khang dân thì lúa Thiên ưu 8 hiệu quả hơn hẳn.
Lúa Khang dân năng suất 200 kg/sào, chất lượng gạo không ngon, chủ yếu phục vụ chăn nuôi, bán với giá 6.500 đồng/kg. Lúa Thiên ưu 8, năng suất 230 kg/sào, chất lượng gạo ngon. Công ty Giống cây trồng Trung ương mua lúa tươi tại ruộng với giá 8.500 đồng/kg".
Cùng với lựa chọn bộ giống tốt, huyện bố trí các trà lúa hợp lý với các xã, thị trấn, chỉ đạo gieo cấy đúng khung lịch thời vụ để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tiếp tục mở rộng diện tích thâm canh lúa cải tiến (SRI), phấn đấu diện tích gieo cấy SRI đạt trên 1.800ha. Đồng thời đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất.
Đối với cây ngô, huyện mở rộng diện tích ngô liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm như: Viện nghiên cứu ngô Trung ương, Công ty Delka Việt Nam… nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích tại các xã: Kinh Kệ, Tiên Kiên, Xuân Huy, Xuân Lũng… Phấn đấu diện tích ngô đạt 103ha.
Ngoài ra, chỉ đạo đẩy mạnh liên kết sản xuất các giống cây rau màu có giá trị kinh tế cao như: Dưa chuột Nhật, ớt… tại các xã: Cao Xá, Kinh Kệ, Sơn Dương, Tứ Xã, Bản Nguyên. Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu GOT sẽ bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Riêng đối với xã Tứ Xã tuyên truyền vận động nông dân mở rộng liên kết sản xuất trên diện tích quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn.
Hiện nay, Trạm Thủy nông Lâm Thao, các HTX thực hiện dịch vụ thủy lợi phục vụ tưới tiêu đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, có phương án phòng trừ bảo vệ sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Vấn đề quan trọng hiện nay là việc triển khai đề án này cần được thực hiện như thế nào. NTNN đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý.

Ông Lê Thành Nam - Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, sau Tết Nguyên đán - 2013, nắng nóng kéo dài khiến 48 ao nuôi tôm bị thiệt hại khoảng 37ha. Hầu hết tôm nuôi công nghiệp dễ bị chết, tôm nuôi quảng canh ít chết, không tốn thức ăn.

Xóm 5 Kim Tân, xã Kim Sơn (Định Hoá) có 62 hộ thì có gần một nửa thuộc diện nghèo và cận nghèo, 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn do thiếu đất và nước sản xuất. Việc làm giàu trên chính mảnh đất khó này lâu nay vẫn được xem như một kỳ tích và người làm lên kỳ tích đó chính là gia đình anh Lường Xuân Quý với mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi.

Gần đây, tại TP.HCM nhiều mặt hàng thủy hải sản được bày bán trên sạp tạm, xe đẩy bên lề đường với số lượng khá lớn và giá rẻ hơn cả giá bán sỉ.

Mới đây tôi lại có dịp về lại xã Bình Thuận của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong cái nắng hè khá gay gắt, anh Dương Ngọc Thơi - chủ tịch hội Nông dân và anh Nguyễn Hữu Thái- chủ tịch hội Nghề cá xã Bình Thuận đã nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan các địa điểm nuôi cá mú lồng tại địa phương.