Lâm Thao Phát Triển Kinh Tế Trang Trại
Để khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại với các dự án phát triển chăn nuôi lợn, dự án nuôi trồng thủy sản, chương trình xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao... ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện, huyện Lâm Thao đã tạo cơ chế thuận lợi cho người dân: Thực hiện giao quyền sử dụng đất lâu dài để các hộ nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Bùi Đức Luận khu 6 xã Sơn Vi mỗi năm cho thu nhập 300-400 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động.
Đối với những hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông lâm ngư nghiệp có nhu cầu và khả năng sử dụng đất mở rộng sản xuất được xem xét cho thuê đất ngoài hạn mức. Một số xã trong huyện còn dùng quỹ đất 5%, đất 1 vụ lúa đổi ruộng cho nông dân, quy hoạch vùng chăn nuôi thủy sản như ở Tứ Xã, Cao Xá, Sơn Dương, Sơn Vi...
Việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện còn gắn với thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như chăn nuôi lợn xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản... Đa số các trại đều được hưởng các chính sách ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ giá giống, công tác thú y theo các chương trình dự án của tỉnh, huyện.
Ngoài ra còn đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn và đưa vào sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có năng suất chất lượng cao như bò thịt, lợn siêu nạc, cá rô phi đơn tính, cá chép lai, lúa chất lượng cao. Nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ trang trại được triển khai thực hiện như mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tại cơ sở...
Nhờ đó số lượng trang trại trên địa bàn tăng lên nhanh chóng. Tính đến nay huyện Lâm Thao có 44 trang trại, bước đầu đã có 4 trang trại được cấp giấy chứng nhận, tỷ lệ trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp chiếm trên 80%. Tổng doanh thu của các trang trại trong năm qua đạt khoảng 80 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt hơn 10 tỷ đồng. Nhiều trang trại thực sự làm ăn có hiệu quả, điển hình như trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của ông Bùi Đức Luận ở khu 6, xã Sơn Vi.
Trên diện tích hơn 2 ha, gia đình ông đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất giống đến chăn nuôi lợn thương phẩm, kết hợp hệ thống ao nuôi thả cá. Với tổng đàn gần 1.000 con lợn, trong đó có 120 nái lợn sinh sản luân phiên, mỗi năm trang trại cung cấp cho thị trường từ 140- 160 tấn lợn thịt, ngoài ra nguồn lợi thủy sản từ việc đầu tư nuôi thả cá cũng cho thu 15-20 tấn cá/năm.
Tổng doanh thu của trang trại đạt khoảng 7-8 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận bình quân đạt 300- 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập từ 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Luận cho biết: “Được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương, gia đình tôi bắt tay đầu tư phát triển kinh tế trang trại từ năm 2002, lúc đầu nuôi thí điểm 15 nái lợn, dần dần tích lũy vốn, kinh nghiệm phát triển lên 50, rồi 70 nái lợn, đến nay ổn định 120 nái.
Để mở rộng sản xuất, nhà tôi phải tích tụ thêm ruộng đất trên cơ sở đất của gia đình sau dồn đổi, đất thuê có thời hạn và mua thêm của các hộ dân xung quanh, sau đó tiến hành san lấp đầu tư xây dựng chuồng trại, ao nuôi thả cá, tổng đầu tư đến nay cỡ khoảng 4 tỷ đồng”.
Cũng ở Lâm Thao, còn có trang trại của ông Cao Xuân Khoát, Cao Xuân Chiến ở xã Cao Xá, trang trại của ông Bùi Quang Hiệu ở xã Tiên Kiên... cho thu nhập 200- 300 triệu đồng/năm. Mặc dù mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại nhưng đến nay hộ ông Luận, ông Khoát, ông Hiệu vẫn còn canh cánh nỗi lo về rủi ro trong chăn nuôi khi mà dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành khiến giá lợn thịt, giá gia cầm xuống thấp, khó tiêu thụ sản phẩm.
Anh Lại Thanh Tú- Cán bộ Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Lâm Thao cho biết: Hầu hết các trang trại trên địa bàn huyện còn hạn chế về tiềm lực, kỹ thuật, cũng như năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất, khó khăn về vốn đầu tư, nên hiệu quả chưa cao, khả năng thu hút, sử dụng lao động chưa nhiều.
Đa số chủ trang trại làm kinh tế theo hướng tự phát và dựa vào kinh nghiệm chủ quan, thiếu thông tin dẫn đến sản xuất kinh doanh còn lúng túng, sức cạnh tranh trên thị trường thấp, việc xử lý môi trường chưa được quan tâm khiến tình trạng ô nhiễm môi trường còn tồn tại, nhất là ở các trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó việc liên kết phối hợp giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) chưa chặt chẽ.
Khắc phục hạn chế này, huyện Lâm Thao tiếp tục đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, bao gồm các giải pháp về quy hoạch, về đất đai, đầu tư nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực...
Có thể bạn quan tâm
Mèo Vạc lâu nay vốn là huyện gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác lâu đời có ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng cây trồng. Xác định chú trọng phát triển nông nghiệp để từng bước XĐGN bền vững, vài năm trở lại đây, địa phương đã mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học (TBKH) vào mô hình sản xuất rau an toàn được xem là hướng đi khá hiệu quả.
Vườn cây ăn trái là thế mạnh của vùng ĐBSCL, thế nhưng nhiều năm qua, hàng loạt nông dân làm vườn lâm vào cảnh thua lỗ, nợ chất chồng bởi thực trạng “tới mùa, rớt giá” lặp đi lặp lại. Giải pháp nào giúp nông dân làm vườn sống được trên mảnh vườn của mình đang là vấn đề bức bách đặt ra.
Dê là con vật dễ nuôi, khỏe mạnh, ít bệnh tật, tiêu hóa chủ yếu thức ăn xơ, không lệ thuộc vào thức ăn tinh, vốn đầu tư ít, không chiếm quá nhiều diện tích đất nên đang được nhiều hộ nông dân chọn nuôi. Mặt khác, dê thương phẩm đang có thị trường tiêu thụ rộng, giá bán khá cao từ 120-130 nghìn đồng/kg.
Ông Mậu vui vẻ cho hay: Cơ duyên đưa ông đến với nghề trồng thanh long ruột đỏ thật tình cờ. Cách đây 4 năm, số là một lần xem chương trình “Đấu trường 100, khi MC Thái Tuấn đưa câu hỏi “Thanh long ruột đỏ được trồng đầu tiên ở Việt Nam là ở địa phương nào?”.
Mủ cao su 2 năm trở lại đây liên tục giảm. Người trồng cao su lại đua nhau chặt bỏ vườn cây được mệnh danh là “vàng trắng” để chuyển sang những cây trồng khác, như mì, mía.