Trang Trại Chuối Laba Điền Công Tâm
Trang trại chuối Laba Đà Lạt Điền Công Tâm là ý tưởng và tâm huyết chung của ba ông Điền, Công, Tâm - cũng là những người bạn thân thiết của nhau. Đây là trang trại chuyên canh chuối khép kín từ khâu sản xuất cây giống, đến trồng chuối thương phẩm, bắt đầu từ năm 2013, trên diện tích 50ha tại thôn 8, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh.
Ông Điền (trái) và ông Tâm với sản phẩm chuối Laba Đà Lạt Điền Công Tâm tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương tháng 12/2014
Giống chuối Laba ở Lâm Đồng thuộc nhóm chuối Cavendish AAA, hiện có hai dòng chính là dòng thân trắng và dòng thân tím; cây cao từ 3 - 3,5m, mỗi buồng cho từ 10 - 12 nải, trọng lượng trung bình 40 - 50kg; quả dài và hơi cong, khi chín cho vỏ vàng và mỏng, thịt quả vàng - sánh - dẻo - ngọt và có mùi thơm đặc trưng.
Ông Trần Phú Điền - Giám đốc kinh doanh trang trại chuối Laba Điền Công Tâm, cho biết: Từ khi tỉnh Lâm Đồng có chủ trương đầu tư, phục tráng lại giống chuối Laba, chúng tôi đã nghiên cứu quy trình sản xuất chuối từ nuôi cấy mô đến kỹ thuật trong trồng trọt… Ở trang trại Điền Công Tâm, chúng tôi thấy mật độ trồng thích hợp cho chuối Laba là 2,5x1,5m/cây và đã trồng 3.300 cây/ha cho thành phẩm đạt chất lượng cao, quả to, đều, được người tiêu dùng ưa chuộng và thị trường đánh giá cao.
Trang trại chuối Laba Điền Công Tâm là một trong những trang trại trồng chuối có diện tích, quy mô lớn nhất tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Trung bình mỗi tháng, trang trại chuối Laba Điền Công Tâm có khả năng cung cấp cho thị trường từ 200 đến 300 tấn chuối trái, với mức giá ổn định 6 ngàn đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn một số loại cây trồng khác như bắp, lúa, cà phê… Đặc biệt, nhờ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nên cây chuối sinh trưởng và phát triển nhanh, ít tốn công chăm sóc...
Chuối Laba Điền Công Tâm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được đầu tư bài bản, canh tác theo hướng an toàn bền vững, ứng dụng tối đa công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất, nên sản phẩm đảm bảo sạch cho người sử dụng. Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc kỹ thuật Trang trại chuối Laba Điền Công Tâm cho biết thêm: Cây chuối thực tế là cây dễ nuôi trồng chứ không phải khó. Quy trình trồng chuối không đòi hỏi thời gian. Về yếu tố giống, chúng tôi phối hợp với Viện Sinh học Tây Nguyên nên an tâm về nguồn gốc, chất lượng. Trong quá trình chăm sóc, chỉ phải chú ý đến sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân hại cây khi cây đang có độ phát triển tốt.
Bên cạnh sản phẩm chính là trái chuối tươi để cung cấp cho người tiêu dùng trên thị trường, trang trại Điền Công Tâm còn cung cấp cây giống chuối Laba, phân bón và chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng chuối cho nông dân… Cây giống được sản xuất bằng kỹ thuật nhân giống In-vitro từ cây chuối bố mẹ có năng suất cao, cây con được ươm trên giá thể sạch có bổ sung chất dinh dưỡng… Sau khoảng 45 - 60 ngày, cây giống đủ mạnh sẽ được mang đi trồng… Với quy mô sản xuất hiện tại, Trang trại Điền Công Tâm đang tạo công ăn việc làm cho 50 lao động có mức thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng…
Chuối Laba Điền Công Tâm là một loại đặc sản đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức trong Tuần lễ Bế mạc Năm DLQG 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt ngày 25/12/2014, Trang trại Điền Công Tâm đã có thêm đối tác và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chuối Laba; đồng thời cũng có lời mời xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản. Nhưng theo ông Nguyễn Đắc Tâm - Tổng Giám đốc: Chuối Laba của Điền Công Tâm mới phục vụ tiêu dùng trong nước, chứ sản lượng của trang trại chưa đủ nhiều để xuất khẩu…
Chuối Laba - trước đây chỉ có ở Phú Sơn (Lâm Hà). Nhưng nhiều năm gần đây đã được phát triển tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Di Linh. Những năm trước, do thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh, nhiều diện tích chuối đã bị nông dân phá bỏ… Sự xuất hiện của Trang trại chuối Đà Lạt Điền Công Tâm với mô hình trồng chuối chuyên nghiệp, canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP đã đưa thương hiệu chuối Laba đến với người tiêu dùng như một loại đặc sản riêng của tỉnh Lâm Đồng.
Có thể bạn quan tâm
Chạch bùn là loại cá thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng, nhưng từ trước đến nay loại cá này chủ yếu được khai thác từ thiên nhiên nên hiệu quả kinh tế không cao.
Hiện mô hình nuôi tôm ao nhỏ khoảng 2.000m2 có xi phông đáy đang được nhiều trang trại khác ứng dụng. Tân Nam cũng là điểm sáng trong việc bảo vệ môi trường và cộng đồng.
Nghề nuôi cá lồng bè trên biển tại Kiên Giang vẫn mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào SX, chăm sóc quản lý sức khỏe cá...
Trước đây, người dân chỉ bắt sò giá loại lớn để làm thức ăn cho tôm hùm. Nhưng hiện nay, vì thương lái đổ xô mua loại sò này với giá cao nên người dân khai thác triệt để.
Từ đầu năm đến nay, lượng mưa ít, nắng nóng gay gắt kéo dài nên phần lớn các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị khô hạn, ảnh hưởng lớn đến nuôi cá vụ ba.