Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Nông Nghiệp Ở Thành Phố

Làm Nông Nghiệp Ở Thành Phố
Ngày đăng: 18/06/2012

Chủ vườn cam cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm ở xã Trường An - TP Vĩnh Long.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở đô thị và vùng ven ngày càng thu hẹp do đô thị hóa. Một số bà con nông dân do đặc điểm cư trú “nửa chợ nửa quê” nên đã chuyển đổi nghề. Nhưng nhiều người vẫn “bám đất” bằng việc trồng cây, nuôi cá; không chỉ tạo “mảng xanh” cho thành phố mà còn tăng thu nhập đáng kể gia đình.

Nghề “nửa nông nửa thương”

Cái nghề mới nghe thấy hơi lạ, nhưng nhiều năm qua nó trở nên khá quen thuộc với nhiều nông dân sống ở các xã, phường vùng ven TP Vĩnh Long. Họ là những nông dân thứ thiệt, có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng có chung một đặc điểm là ít đất sản xuất, chăn nuôi nên rất khó có thể đảm bảo cuộc sống, nếu chỉ bám vào “cọng rau, con gà, con vịt”. Từ đó, để tăng thêm thu nhập cho gia đình, nhiều bà con tranh thủ đem sản phẩm của mình làm trực tiếp ra chợ ngồi bán, dần dần có thêm nghề mới, mà nhiều người thường gọi vui: Nghề “nửa nông nửa thương”. Một đặc điểm rất dễ nhận ra, những nông dân này thường buôn bán với giá cả rẻ, ăn nói thiệt tình, chân chất, từ đó mà nhiều người mua lâu trở thành quen thuộc.

Buổi sáng, họ thường tập trung lại trên một đoạn đường Nguyễn Văn Nhã (Phường 1 - TP Vĩnh Long) mà giờ đây mọi người quen thuộc gọi là “chợ chồm hổm”. Ban đầu, việc mua bán tự phát rất lộn xộn, nhưng giờ đây được Ban quản lý chợ sắp xếp, quy định giờ giấc đã tạo nên một khu chợ rất thuận tiện cho người mua kẻ bán. Chợ được phép bày bán ngay dưới vệ đường, bắt đầu từ 2 giờ khuya đến 7 giờ sáng thì tan, trả lại sự thông thoáng cho sinh hoạt thường ngày của chợ trung tâm. Mỗi chỗ bán như vậy, bà con chỉ mất khoảng 5.000 đ/ngày phí “góp chợ”.

Chị Tuyền (36 tuổi) ở xã Tân Ngãi, tiếng là “dân phố” nhưng đường vô nhà rất khó khăn vì tuốt ngoài ruộng, trời mưa thì chỉ có nước… xách dép. Ngày theo chồng rồi ra riêng, được gia đình chia cho 1 công đất, hai vợ chồng loay hoay đủ món nhưng cũng không thể khá lên được. Đến khi những đứa con lần lượt ra đời, rồi chuyện quần áo, học hành… gia đình càng thêm khó. Cách đây 4 năm, anh chị chuyển qua trồng cam, nhưng thay vì bán cho thương lái, mỗi ngày chị tự tuyển chọn hái một ít đem xuống chợ ngồi bán. Khi đã quen, lại thấy buôn bán cũng dễ, vợ chồng chị Tuyền chịu khó đi mua thêm của bà con xung quanh mỗi thứ một ít rồi bán lại nên thu nhập mỗi ngày, tùy lúc cũng được từ 150.000 - 200.000 đ.

Chị Nguyễn Thị Hồng (42 tuổi) ở cùng xóm với chị Tuyền, nhà cũng chỉ có 1,5 công ruộng. Cách đây 3 năm, khi đứa con đầu vào đại học, gia đình càng lâm vào túng quẫn thì chị đã chuyển qua chăn nuôi gà, vịt để bán thịt và trứng, rồi tự mang xuống chợ bán. Gà, vịt chị nuôi hoàn toàn bằng lúa nhà và trồng thêm chuối cũng cho gà, vịt ăn. Chị cho biết, nếu thu hoạch lúa từ 1,5 công ruộng thì bán không được bao nhiêu, nhưng nếu để dành nuôi gà, vịt để bán sẽ có lời hơn. Giờ đây, trứng gà, thịt gà, thịt vịt của chị đã có “thương hiệu” nên nhiều khi không đủ bán. Nhờ vậy, vợ chồng chị rất dễ thở, có thể nuôi đứa con học đại học và 2 đứa con nhỏ ăn học đàng hoàng.

Sống ổn từ khoảnh đất nhỏ

“Phong trào trồng hoa lan cắt cành ở đây giờ phát triển mạnh lắm. Nhiều giống mới như Dendro, hồ điệp, Vanda rất được ưa chuộng. Ngoài giá trị kinh tế cao, trồng hoa lan cắt cành còn phù hợp những nơi có đất ít” - chú Nguyễn Thái Bình (Phường 4 - TP Vĩnh Long) - người được xem khá thành công với phong trào trồng hoa lan cắt cành cho biết. Với diện tích ban đầu khoảng 300 m2 đất quanh nhà, sau 3 năm gầy dựng đến nay vườn lan gia đình chú đã xây dựng được 4 nhà lưới với khoảng 5.000 chậu lan các loại. Trong đó, có khoảng 2.000 chậu đã cho thu hoạch. Giống lan Sonia dùng để cắt cành, do màu sắc bắt mắt nên được thị trường rất ưa chuộng. Chú Bình cho biết: Bình quân 2 ngày cắt bông 1 lần, mỗi lần được từ 230 - 250 bông, với giá 800 đ/bông thì cho thu nhập khoảng 190.000 đ. Ngoài ra, chú còn bán lan chậu, trừ chi phí thu lãi khoảng 2 triệu đồng/tháng. “Trồng lan cắt cành không khó nhưng lợi nhuận khá cao. Chỉ cần thường xuyên phòng trừ sâu bệnh, làm vệ sinh khu vực trồng sạch sẽ, sử dụng kích cỡ lưới phù hợp với t
ừng giống lan là phát triển tốt” - chú Bình cho biết thêm.

Cũng tạo thu nhập ổn định cho gia đình, chú Ba (Phường 1 - TP Vĩnh Long) thì chọn khoảng sân thượng chưa đầy 15 m2 trồng rau mầm. Nhờ vậy, hàng ngày hầu như không phải đi chợ mà vẫn có nguồn rau sạch, thậm chí còn có rau bán chợ, thu nhập vài chục ngàn mỗi ngày. Vườn rau mầm của chú được “quy hoạch” khá bài bản. Để tiết kiệm, chú Ba đã làm nhiều tầng, có độ cao, kích thước khác nhau để trồng từng loại rau. Rau mầm sau 5 - 6 ngày gieo hạt là có thể thu hoạch, hàm lượng dinh dưỡng cao và cũng dễ chế biến. “Tui lớn tuổi, huyết áp không ổn định, bác sĩ khuyên ăn nhiều rau. Trong khi nhà không có đất trồng mà mua rau ngoài chợ sợ không an toàn. Vì vậy, trồng rau kiểu này thấy hay mà ăn cũng yên tâm” - chú Ba vừa tưới rau vừa nói. Kế hoạch sắp tới, chú Ba cho biết sẽ học trồng thêm nhiều loại rau củ mới để bán trực tiếp vào các nhà hàng, siêu thị tại địa phương.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long: Từ năm 2008 đến nay, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị ngày càng phát huy hiệu quả. Thông qua các hình thức, TP Vĩnh Long, các thị trấn và vùng ven đô thị còn hình thành mô hình hiệu quả như: chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè, mô hình nuôi rắn ri voi, mô hình trồng cam sành và mô hình trồng hoa lan…

Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Gặp Khó Trong Khâu Chọn Giống Lúa Nông Dân Gặp Khó Trong Khâu Chọn Giống Lúa

Những năm qua, ngành nông nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận. Song, không ít hộ dân sản xuất ra không sử dụng được để làm giống mà chỉ bán lúa thương phẩm, do ruộng sản xuất giống xen kẽ với ruộng lúa thương phẩm nên bị tạp giao.

24/06/2013
Tăng Tỷ Trọng Đầu Tư Cho Ngành Thủy Sản Tăng Tỷ Trọng Đầu Tư Cho Ngành Thủy Sản

Năm tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 2,28 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Phần lớn các thị trường xuất khẩu đều sụt giảm mạnh.

25/06/2013
Tăng Cường Quản Lý Vịt Chạy Đồng Tăng Cường Quản Lý Vịt Chạy Đồng

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tổng đàn vịt trên địa bàn hiện có gần 2,37 triệu con và ngành thú y tỉnh đã cấp sổ quản lý vịt chạy đồng được 1.194 đàn, với 980.798 con.

25/06/2013
Thu Hoạch Lúa Vụ Hè Thu Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Khốn Đốn Vì Mưa Dầm Thu Hoạch Lúa Vụ Hè Thu Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Khốn Đốn Vì Mưa Dầm

Mưa liên tục trong những ngày qua đã làm cho người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thêm lo lắng. Giá lúa đã xuống thấp nay phải đối mặt với lúa thu hoạch khó do bị đổ ngã, ngập trong nước. Còn khi đã thu hoạch xong nhưng chưa có người mua thì lại vất vả với việc phơi lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi.

25/06/2013
Dưa Hấu Trúng Mùa Được Giá Dưa Hấu Trúng Mùa Được Giá

Vụ hè thu 2013, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) xuống giống 700 ha hoa màu, trong đó có 400 ha dưa hấu, tập trung ở các xã: Bình Nhì, Đồng Thạnh, Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu… Trà dưa đang vào mùa thu hoạch rộ, chủ yếu là các giống: Hắc Mỹ Nhân, Super Hoàng Châu…

25/06/2013