Bệnh Nấm Trên Cây Mía Đang Bùng Phát
Hiện nay tại địa bàn xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các loại nấm bệnh trên cây mía đang bùng phát mạnh và có mức độ lây lan nhanh, khiến nông dân vô cùng lo lắng. Niên vụ mía 2013 - 2014, xã Sông Cầu có 395ha mía. Vì thế, việc xử lý các loại dịch bệnh là một yêu cầu bức thiết.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Thơm, thôn Đông, Sông Cầu canh tác mía đã gần 20 năm với trên 10ha, nhưng chưa bao giờ anh gặp phải loại bệnh trắng lá mía như hiện nay. Theo hướng dẫn của Hội Nông dân xã và Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện, anh phải nhổ bỏ và tiêu hủy số mía trên diện tích bị dịch bệnh. Anh Thơm nói, để bảo vệ phần mía còn lại, gia đình phải tiêu hủy số mía bị bệnh. Mong muốn của bà con là được Nhà nước hỗ trợ thuốc xử lý bệnh cho cây mía.
Ngoài loại bệnh đang rất phổ biến này, người dân cũng đang lo sợ trước một loại bệnh khác trên cây mía. Đó là bệnh sùng gây hại. Người dân tuy đã biết cách xử lý nhưng diễn biến bệnh và phạm vi lây lan khá nhanh nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các ngành chức năng. Anh Lê Khánh Vũ, một nông dân trồng mía cho biết: “Nhổ cây mía bị vàng lá nào lên cũng có 1 con sùng đục rễ, đó là nguyên nhân làm làm cây chết rất nhanh. Mía ở đội 1, đội 5, đội 3 đều có loại sùng này”.
Trước tình hình trên, nếu không có biện pháp xử lý quyết liệt để cứu cây mía, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân và họ đang đối mặt với nguy cơ mùa màng thất bát. Trong khi đó, đa số họ đều vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng mía. Hiện nay, Trạm BVTV huyện đã kiểm tra khảo sát, lấy mẫu để xét nghiệm và xác định bệnh đang gây hại trên cây mía của xã là bệnh trắng lá mía.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trạm trưởng Trạm BVTV Khánh Vĩnh cho biết: “Xã Sông Cầu có 395ha mía. Trong số 9ha mía giống Uthông và Supasburi, có 5ha phát hiện nhiễm bệnh và 20% bị bệnh. Bệnh do phytoplatsma gây ra, hiện chưa có thuốc đặc trị. Triệu chứng bệnh là lá mất diệp lục chuyển từ xanh sang trắng toàn thân và nhánh, phải nhổ bỏ tiêu hủy. Riêng bệnh vàng lá mía, nông dân cũng phải phun thuốc để diệt trừ, đào gốc rắc vôi bột để hạn chế lây lan”.
Ông Tùng cho biết thêm: “Đây là bệnh lây lan nhanh, diễn biến phức tạp chủ yếu trên các giống Supasburi và Uthông, xuất hiện ở thời kỳ nảy mầm vươn lóng. Biện pháp phòng trừ duy nhất là nhổ bỏ, tiêu hủy, rắc vôi vào gốc để ngăn lây lan; dùng các thuốc trừ rầy rệp để cắt đứt môi giới truyền bệnh. Đối với mía nhiễm bệnh nặng, phải nhổ bỏ tiêu hủy. Sau đó trồng luân canh cây khác từ 1 - 2 năm sau đó mới quay lại trồng mía. Đối với diện tích mía trồng mới, nên lựa chọn giống K99, K94200 vì những giống này chưa phát hiện dịch bệnh.
Tuyệt đối không sử dụng hom của những ruộng mía nhiễm bệnh để làm giống, trước khi sử dụng hom giống phải xử lý hom bằng cách ngâm với nước nóng hoặc dung dịch kháng sinh. Để phòng bệnh, bà con cần kiểm tra đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời, chăm sóc bón phân hợp lý”.
Hiện tại, yêu cầu đặt ra là các địa phương trồng mía cần thống kê lại diện tích trồng và diện tích bị nhiễm bệnh, báo cáo với Trạm BVTV huyện. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cho người trồng mía cách nhận biết bệnh dịch, tác hại và cách xử lý để bà con chủ động phòng trừ không để bệnh có cơ hội lây lan.
Không riêng xã Sông Cầu, cây mía ở Khánh Vĩnh những năm qua được xem là cây trồng chủ lực mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho người dân. Vì vậy, với tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp như hiện nay, rất cần các cơ quan chức năng ở huyện và tỉnh nhanh chóng hỗ trợ nông dân có biện pháp xử lý dứt điểm để bà con yên tâm sản xuất và giữ ổn định diện tích mía trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Cá tra được xem là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vấn đề nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới được quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây. Với Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ Về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (Nghị định 36), cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến phải được nuôi từ cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đáp ứng theo các điều kiện quy định.
Nhóm nghiên cứu Đặng Quốc Cường, Công ty cổ phần BVTV Delta, Cần Thơ; Trương Thị Nga, khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ và Trần Thị Diễm Phúc, Công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ đã nghiên cứu “Hiệu quả sử dụng đất ngập nước trồng lúa để xử lý nước ô nhiễm của ao ươm cá tra”, với mục đích tận dụng lại nguồn dưỡng chất có trong nước thải ao ươm cá tra giống cung cấp cho quá trình phát triển của cây lúa, góp phần hạn chế ô nhiễm nước mặt từ quá trình ươm cá tra giống.
Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển trang trại thủy sản thâm canh cao giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Bắc Giang, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đang chuẩn bị các điều kiện để xây dựng 3 mô hình nuôi cá thâm canh cao tại 3 huyện: Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa.
Không khuất phục trước khó khăn, bằng sức trẻ, sự siêng năng cần cù cộng với lợi thế đất đai của gia đình, chị Nguyễn Thị Duyên, 34 tuổi, ở xã Cát Minh – huyện Phù Cát – tỉnh Bình Định đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá và ba ba, tạo thu nhập đáng kể cho gia đình, được nhiều người mến phục.
Với diện tích thả nuôi năm 2014 gần 603 ha, huyện Tam Nông được xem là “thủ phủ” tôm càng xanh (TCX) tại Đồng Tháp.