Làm Mắm Trên… Biển
Nhận được thông tin vùng biển Lý Sơn – Quảng Ngãi trúng đậm cá nục, nhiều tàu công suất lớn của Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên đã về đây mua cá. Họ mua cá không phải để chuyên chở đi nơi khác tiêu thụ kiếm lời mà đưa cá vào muối mắm ngay trên biển.
Mỗi chiếc tàu chở đầy thùng phuy lớn, những bao tải muối, neo tại cảng Lý Sơn, Sa Kỳ hàng chục ngày trời để mua cá nục. Cá mua xong được muối ngay trên tàu, đổ vào thùng chứa. Nhờ những con tàu làm mắm này mà lượng cá nục đánh bắt được của ngư dân Quảng Ngãi không cần phải chuyên chở đi xa tìm nơi tiêu thụ như trước nữa.
Mua cá trên biển, muối mắm trên tàu
4 giờ sáng, tàu từ khơi xa ùn ùn kéo về cảng Lý Sơn. Trong ngổn ngang tàu cá, rất lạ là có nhiều chiếc tàu lớn chở hàng trăm chiếc thùng phuy to. Theo thúng của anh Nguyễn Văn Tâm, thôn Tây, xã An Vĩnh, người nhà tàu cá QNg 96393 TS, chúng tôi ra “chợ nổi bán cá” cách cảng Lý Sơn khoảng 1km.
Tiếng chào mời, mặc cả rộn cả một góc biển. Những chiếc tàu lớn đến từ Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định bật đèn sáng trưng cặp mạn với các tàu cá. Hơn 20 tàu cá mà tàu nào cũng trúng đậm đến cả chục tấn. Mua cá trên biển chỉ lường bằng khay chứ không cân đo như ở chợ. Cứ thế cá từ tàu đánh bắt rào rào đổ vào những con tàu mua. Ngổn ngang cá là cá. Cá chất thành đống cao ngồn ngộn, chật ních khoang tàu.
Mỗi khay được ước lượng 20kg, giá 100.000 đồng/khay, tương đương 5.000 đồng/kg cá nục. Cá mua xong được đổ ra một tấm bạt lớn trên sàn tàu. Muối từ những bao tải to chở theo tàu được xúc ra theo định lượng đã được những người thợ làm mắm tính toán kỹ. Cứ thế cá – muối trộn đều.
Cá đã muối xong được xúc vào thùng phuy đậy kín nắp. Khi những chiếc thùng phuy đã đầy, cá được xúc vào bao nilong loại lớn, dày, bên ngoài lồng thêm một chiếc bao tải. Tất cả số bao ấy đều được buộc miệng rất kỹ lưỡng để đảm bảo nước cá muối không thể chảy ra ngoài trong quá trình vận chuyển từ Lý Sơn về nhà máy chế biến nước mắm.
Công việc mua và muối cá trên tàu diễn ra rất khẩn trương. Trong vòng vài ba tiếng đồng hồ, hàng trăm tấn cá nục vừa mới vớt dưới lòng đại dương lên đã biến thành những thùng phuy, bao tải mắm. Anh Nguyễn Tấn Tài, một chủ tàu từ Khánh Hòa ra Quảng Ngãi đã một tuần, mua được hơn 140 tấn cá nục muối mắm.
Anh Tài cũng chính là chủ cơ sở chế biến nước mắm Tấn Tài nổi tiếng ở TP.Nha Trang. Cá muối xong, anh cho tàu chạy vào Sa Kỳ, chuyển các thùng phuy mắm lên xe tải, chở về cơ sở chế biến tại Nha Trang. Còn tàu anh tiếp tục quay trở ra vùng biển Lý Sơn bám trụ mua cá, muối mắm.
Ngư dân trúng mùa – nghề mắm trúng mánh!
Anh Nguyễn Tấn Tài bảo rằng: “Đây là lần đầu tiên tàu anh ra Quảng Ngãi mua cá muối mắm. Đúng là năm nay vùng biển này cá nục được mùa quá. Cá nục tươi muối mắm là số một đấy!”.
Hôm đầu mùa cá nục, có một số đầu nậu ở Quảng Ngãi thu mua cá nục chở vào bán cho cơ sở nước mắm của anh Tài, nhưng cá trúng đậm mua không xuể. Thương lái điện thoại cho anh Tài và anh trực tiếp lái tàu của mình ra Quảng Ngãi để mua cá. Cùng đi với anh Tài còn có 3 tàu khác ở TP.Nha Trang.
Trên tàu chở theo thùng chứa và muối. “Cá mua xong còn tươi muối ngay chất lượng mắm sẽ ngon lắm. Lâu lắm mới mua được cá nục tươi ngon mà giá lại rẻ. Ngư dân trúng mùa, nghề làm mắm của mình cũng trúng mánh!” – anh Tài cho hay.
Cá nục được mùa vùng biển Lý Sơn không chỉ có tàu đánh bắt của ngư dân mà hàng chục chiếc tàu lớn khác hành nghề… mua cá muối mắm cũng về đây hoạt động. Sự có mặt của những con tàu ấy đã giúp cho cá nục của ngư dân Quảng Ngãi có “đầu ra” tại chỗ, ổn định. Ngư dân sau khi kết thúc phiên biển, bán cá xong lại có thể giong tàu ra khơi ngay, đỡ hao tốn nhiên liệu, thời gian.
Có thể bạn quan tâm
Công ty CP đầu tư nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm ITA-RICE (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) vừa được nhận chứng nhận hệ thống thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP) cho dự án trồng lúa tại Long An.
Liên quan đến thời hạn giao đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Chinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng, không phải là nới thêm 20 năm mà cần giao đất nông nghiệp vĩnh viễn cho nông dân...
Đệm lót lên men là công nghệ mới được ngành chăn nuôi heo và gia cầm ở Đồng Tháp áp dụng đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vật nuôi tăng trưởng nhanh hơn, ít tốn công chăm sóc, tăng lợi nhuận cho nông hộ.
Để có đàn giống tốt phục vụ cho nuôi thương phẩm, cần đặc biệt chú trọng đến khâu ương nuôi từ giai đoạn cá bột cho tới cá giống.
Trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã trồng thử nghiệm me ngọt (giống Thái), mang lại hiệu quả đáng kể. Người trồng thành công nhất là mô hình của anh Hồ Quang Dũng ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên - Trà Vinh. Anh Dũng cho biết với diện tích 2 hecta, anh đã trồng trên 250 cây, hiện đang cho trái sum suê, năng suất bình quân mỗi cây khoảng 100 kg/vụ.