Làm Hồng Khô Phong Cách Nhật
Đà Lạt không chỉ được người sành ăn biết đến với rau ôn đới, dâu tây mà còn có những trái hồng nổi tiếng. Hồng Đà Lạt có thể ăn theo nhiều cách, hồng chín đỏ ngọt lịm, hồng giòn ngọt mát, hồng khô dẻo quánh. Những lò sấy hồng Đà Lạt đã cho ra đời những trái hồng sấy có thể để lâu, để du khách mang theo như một món quà đặc biệt.
Và một vài năm nay, hồng khô Đà Lạt có thêm một phong cách mới: phong cách Nhật. Không cần sấy, chỉ với không khí và nắng trời, những trái hồng Đà Lạt tươi ngon cũng tự biến mình thành những trái hồng khô nâu, ngọt đậm đà và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Làm hồng khô theo phong cách Nhật chính là một món quà của Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tặng người trồng hồng Đà Lạt. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt cho biết, khi tới thăm Đà Lạt, đại diện của JICA rất thích khi biết Đà Lạt cũng có một vùng hồng nổi tiếng, tương tự với thành phố Iida, thuộc tỉnh Nagano miền trung Nhật Bản. Iida còn nổi tiếng với những trái hồng khô - hoshigaki, được làm bằng cách phơi trong không khí, không cần qua sấy lửa. Vậy là JICA quyết tâm giúp người Đà Lạt khôi phục vùng chuyên canh hồng, trong đó có việc chế biến hồng tươi thành hồng khô theo phong cách Nhật.
Nhiều cán bộ kỹ thuật và nông dân Đà Lạt đã được JICA đưa sang Iida học tập về phương pháp canh tác, quy hoạch, chăm sóc cây hồng cũng như chế biến trái hồng khô. Sau hai năm, công nghệ làm hồng khô theo phong cách Nhật Bản đã bắt đầu được lan rộng, một số hộ đã chế biến số lượng lớn và đã có sản phẩm bán ra thị trường. So với cách sấy hồng truyền thống của cư dân Đà Lạt, làm hồng theo phong cách Nhật rất khác biệt và thực sự là một cách làm hoàn toàn mới, lạ và rất thân thiện với môi trường.
Anh Lê Tuấn Anh, cán bộ Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, người đã trực tiếp học tập tại Iida, Nagano kể lại những kỹ thuật cơ bản về cách làm hồng khô của người Nhật. Đầu tiên là chọn hồng, những trái hồng được chọn là hồng tươi, trái màu vàng cam, cứng chắc tay, không dập, không có vết côn trùng cắn.
Hồng được hái xuống với một đoạn cuống còn trên trái. Sau đó, hồng được rửa sạch, để ráo và gọt vỏ. Hồng đã gọt vỏ được treo trên dây thành chuỗi, phơi trong khoảng thời gian 3-4 tuần. Nơi phơi hồng yêu cầu phải không có ánh sáng trực tiếp, thoáng gió và không bị mưa. Ở Nhật Bản, nơi phơi hồng thường là các nhà kính, tương tự nhà kính trồng rau, hoa của nông dân Đà Lạt. Với Đà Lạt, có thể tận dụng các mái hiên, sân thượng có mái che để phơi hồng. Sau thời gian 3-4 tuần, trái hồng từ từ héo lại, ngả màu nâu và đã có thể ăn được. Công đoạn cuối cùng là giúp trái hồng lên men.
Một trong những cách lên men phổ biến nhất là bỏ trái hồng vào rổ rồi xóc đều, trái hồng qua vận động sẽ lên men, sinh ra một lớp đường trắng bao phủ quanh trái. Hoặc làm theo hướng sản xuất lớn thì bỏ mẻ hồng vào máy quay li tâm, cách này sẽ giúp trái hồng mềm đều, lên men nhanh và ngọt. Lúc này, trái hồng phủ men trắng sẽ đẹp, ngon và có thể bảo quản khá lâu.
Thay đổi thói quen làm hồng khô, nhiều nông dân Đà Lạt đã bắt tay vào làm hồng khô theo phong cách Nhật. Chị Trần Thúy Vân, nông dân xã Trạm Hành đã làm hồng khô mùa này là mùa thứ hai. Chị cho biết, làm hồng khô kiểu Nhật ở Đà Lạt quan trọng nhất là vấn đề thời tiết.
Mùa hồng thường trùng với mùa mưa Đà Lạt, độ ẩm lớn nên khi treo hồng dễ thối, hỏng. Bởi vậy, chị Vân thường chọn làm hồng khô vào cuối mùa, chọn những cây hồng vuông đồng chín muộn, độ ngọt vừa phải làm hồng khô, thời tiết cũng thuận lợi hơn so với hồng đúng mùa.
Một kg hồng khô cần 6-7kg hồng tươi, trong quá trình làm số hồng bị hư khá nhiều nên giá càng tăng. Bởi vậy, nếu 1kg hồng khô làm theo cách sấy truyền thống giá từ 100-120 ngàn đồng thì hồng khô theo phong cách Nhật giá tới 200-250 ngàn đồng/kg.
Tuy nhiên, do sản lượng chưa nhiều và du khách rất thích hồng khô theo phong cách Nhật nên cũng chưa có đủ hàng để đáp ứng. Ngoài chị Vân, còn nhiều hộ khác như anh Trần Quang Phi Phương (Trại Mát), anh Nguyễn Trần Đức Toàn (Xuân Thọ)... cũng làm hồng khô theo phong cách Nhật với số lượng lớn cung cấp cho thị trường.
Không chỉ giúp người dân Đà Lạt có thêm một sản phẩm hồng khô đặc sắc, JICA còn đang xúc tiến việc giúp Đà Lạt xây dựng thương hiệu cho hồng, giúp vùng hồng Đà Lạt được biết đến và đánh giá đúng với tiềm năng. Và hi vọng cùng với những thương hiệu rau, hoa, cây hồng Đà Lạt sẽ được vinh danh, xứng với công lao chăm sóc của những người nông dân hai sương một nắng chăm sóc cho loài cây đặc sản của vùng đất cao nguyên.
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/lam-hong-kho-phong-cach-nhat-2375694/
Có thể bạn quan tâm
Hiện trang trại của anh Bùi Việt Phương (thị trấn Nông Trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình) có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Nhưng ít ai biết trang trại tiền tỷ đó được dựng nên từ... 2 bàn tay trắng.
Anh Nguyễn Văn Thuần-Phó phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV Hà Nội bảo tôi: "Ngay sau khi cơ quan truyền thông đưa cảnh phỏng vấn người trồng rau về loại thuốc kích thích tăng trưởng phun chỉ 1-3 ngày khiến cho rau tăng trưởng đột biến rồi đem bán
Quản lý tôm giống - yếu tố then chốt quyết định thành bại của mọi thành phần tham gia trong quy trình sản xuất tôm - đang có nhiều bất cập. Thông tin từ các Sở NN và PTNT cho thấy, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh trên tôm nuôi đang diễn ra rất phức tạp, tôm bị chết nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tôm chết, nhiều hộ nông dân tại các tỉnh ĐBSCL “cụt” vốn sản xuất ngay những ngày đầu vụ 2012. Tuy nhiên, các ngành chức năng đều cho rằng, tại nông dân làm trái lịch khuyến cáo nên phải... tự chịu trách nhiệm.
Tại các huyện Văn Yên, lực lượng khuyến nông cơ sở, thanh niên tình nguyện đã tổ chức gieo mạ tập trung. Các sân trường, nhà văn hóa…được tận dụng làm nơi gieo mạ.