Thỏa Giấc Mơ Đóng Tàu Lớn
UBND tỉnh vừa xét duyệt 6 cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đủ tiêu chuẩn đóng tàu lớn vươn khơi theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đây là tin vui để những cơ sở đóng tàu tiếp tục “nâng cấp” về thiết bị, nhân lực để đóng những con tàu lớn...
Cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Tân An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), một trong 6 cơ sở được tỉnh duyệt đủ tiêu chuẩn đóng mới, thời điểm này khá nhộn nhịp. Chỉ vào đôi tàu có công suất gần 600CV vừa hoàn thành đóng mới và đã làm lễ hạ thủy, ông Cao Minh Êm, thôn Tân An vui mừng, bảo: “Con tàu cứng cáp lắm.
Hy vọng nó chịu sóng gió biển khơi”. Đôi tàu của ông Minh đóng mới trị giá 6,5 tỷ đồng, số tiền mà ông tích cóp sau nhiều năm làm ăn có hiệu quả từ đôi tàu có công suất 250CV ở ngư trường Hoàng Sa.
Không những đôi tàu của ông Minh, mà từ cơ sở đóng mới và tu sửa tàu thuyền Tân An này, đã có nhiều con tàu đánh bắt khơi xa, vững chãi vượt qua bao đợt bão lớn trở về trong niềm vui của mọi người. Đã 8 năm rồi, khi nhắc lại chuyện vượt bão Chanchu, ngư dân Nguyễn Hồng Anh vẫn một mực khẳng định, bên cạnh may mắn thoát nạn, phần nhiều nhờ những con tàu lớn.
“Rơi vào vùng tâm bão thì ngoài kinh nghiệm để vượt gió to sóng lớn, điều phải kể đến là sức chịu đựng của chính con tàu”. Thoát bão Chanchu trở về còn có tàu của anh Hùng, anh Thuận. Các con tàu vượt bão này đều được “khai sinh” từ cơ sở đóng mới tàu thuyền Tân An.
Tiếng lành đồn xa, sau mỗi mùa biển tàu thuyền về triền đà Tân An tu sửa, nâng cấp, đóng mới tấp nập. Trong mùa biển năm nay, cơ sở nhận đóng mới 30 chiếc, sửa chữa nâng cấp 100 chiếc. Đến thời điểm này, cơ sở đã đóng hoàn thành 25 chiếc, công suất từ 400 – 1.000CV.
“Để hình thành một cơ sở đóng mới và tu sửa, nâng cấp tàu thuyền được bà con đồng tình ủng hộ là không chỉ có mặt bằng đảm bảo, mà phải có vị trí thuận lợi nằm bên dòng sông có độ sâu, trang thiết bị hiện đại và đội thợ có tay nghề, kỹ thuật cao”, anh Lê Văn Phượng - chủ cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Tân An khẳng định.
Cơ sở của anh Phượng đã hình thành hơn 20 năm. Để đóng tàu ngày một cứng cáp hơn, anh Phượng đã đầu tư nhiều trang, thiết bị, dụng cụ đóng tàu. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có đội thợ giàu kinh nghiệm. Chính vì vậy nên bên cạnh lớp thợ già giàu kinh nghiệm, anh còn tuyển chọn những kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản.
Đến nay, cơ sở đóng mới và tu sửa tàu thuyền Tân An đã có mặt bằng 2.800m2, nhà điều hành, dụng cụ thiết bị hiện đại và trên 40 người thợ có tuổi nghề từ 2 – 30 năm. Trong đó, có 2 kỹ sư được đào tạo trường lớp và 6 người thợ có trình độ tương đương với kỹ sư đóng tàu theo kinh nghiệm dân gian.
Nhờ thiết bị, dụng cụ đảm bảo, cùng với tay nghề của đội thợ đóng mới, sửa tàu giàu kinh nghiệm nên ở cơ sở đóng sửa tàu thuyền này đã đóng mới hàng trăm con tàu vừa đánh bắt an toàn, vừa hiệu quả và là điều kiện để cơ sở của anh Phượng được tỉnh xét duyệt đảm bảo tiêu chuẩn để đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67.
Cùng với cơ sở đóng mới và tu sửa tàu thuyền Tân An, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Phổ An, cơ sở Thái Văn Thi (xã Phổ Quang), Hợp tác xã Viễn Đông – Sa Huỳnh xã Phổ Thạnh (Đức Phổ); Công ty TNHH MTV 19/5 xã Bình Châu (Bình Sơn), xưởng đóng sửa tàu thuyền Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng vừa được tỉnh xét duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ theo Nghị định 67. Những cơ sở này sẽ đóng những con tàu từ 100 – 200 tấn, với công suất từ 400 – 1.000CV theo đơn đặt hàng.
Anh Lê Văn Phượng - chủ cơ sở đóng sửa tàu thuyền Tân An, bộc bạch: Được tỉnh duyệt cho phép đóng những con tàu lớn chúng tôi rất mừng. Nhưng đây cũng là “thách thức” để các cơ sở đóng sửa tàu thuyền phải nỗ lực vươn lên. Cơ sở của tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm 3 tỷ đồng để nâng cấp trang thiết bị.
Còn ông Lê Trung Thành – Giám đốc Hợp tác xã tàu thuyền Viễn Đông – Sa Huỳnh (Đức Phổ) thì cho biết: Hợp tác xã đang tính toán đầu tư 7 tỷ đồng để nâng cấp đường ray, giàn đẩy kéo tàu và hệ thống nhà xưởng... Hiện đã có hai chủ hộ được xét duyệt vay vốn theo Nghị định 67 đăng ký đóng tàu tại triền đà. Hợp tác xã sẽ phấn đấu đáp ứng theo nhu cầu của ngư dân.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/thoa-giac-mo-dong-tau-lon-2352130/
Có thể bạn quan tâm
Điểm mới nhất của chương trình sản xuất hàng hóa chất lượng cao (CLC) năm 2015 là việc TP Hà Nội chuyển giao về các huyện triển khai. Hiệu quả của chương trình trong 5 năm qua đã trở thành động lực thúc đẩy các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích với nhiều giống lúa cho năng suất và chất lượng hơn.
Nhằm tiết kiệm nguồn nước cũng như để duy trì sản xuất trong mùa khô hạn, nhiều nông dân ở thôn Sơn Hải 2 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) đã chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhờ đó nhiều diện tích đất trước đây vào mùa khô thường bỏ hoang hoặc cho năng suất cây trồng thấp, nay đã được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi 642 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại màu, đến nay huyện Tiểu Cần đã chuyển đổi được 141ha đất giồng cát, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 02 vụ màu – 01 vụ lúa, hoặc chuyên sản xuất cây màu, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân tại các khu vực này.
Giá nhiều loại lúa, gạo hiện giảm bình quân khoảng 100 - 150 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tuần.
Sau thời gian chịu khó học hỏi và đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới, giờ đây gia đình chị Phạm Thị Liên ở thôn Tú Loan 2, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch - Quảng Bình) đã có một cuộc sống đủ đầy, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng từ trang trại nuôi đà điểu...