Làm Giàu Từ Vùng Chiêm Trũng
Trên khu đồng trũng, cấy lúa quanh năm mất mùa, gia đình anh Nguyễn Văn Trực và chị Vũ Thị Vụ, thôn 3, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã mạnh dạn nhận xin dồn đổi ruộng làm trang trại. Đến nay, trang trại nuôi vịt, lợn kết hợp thả cá của gia đình anh Trực cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng mỗi năm.
Trước đây, cánh đồng Ao Đàng là xứ đồng xấu nhất của thôn 3, cấy lúa thường xuyên bị ngập, năng suất chỉ đạt vài ba chục kg/sào nên nhiều hộ dân không mặn mà với việc sản xuất, thậm chí còn bỏ ruộng hoang hóa. Để cải thiện tình hình, năm 2005, UBND xã Vạn Thái có chủ trương chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nắm bắt cơ hội đó, vợ chồng anh Trực đã bàn bạc đổi ruộng của anh em họ hàng được diện tích 2 mẫu tại khu Ao Đàng để làm trang trại.
Là hộ đầu tiên xây dựng trang trại của xã, anh Trực không khỏi lo lắng, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với quan điểm "không mạnh dạn không thể làm giàu", vợ chồng anh đã làm đơn xin vay hơn 300 triệu đồng của ngân hàng để thuê máy xúc đào ao, kè bờ, xây dựng chuồng trại. Trên diện tích 2 mẫu đó, anh Trực dành hơn 1 mẫu để đào ao thả các loại cá trắm, trôi, mè, chép; còn lại xây dựng chuồng nuôi lợn và khu thả vịt. Hiện tại, trang trại của anh Trực nuôi 2.000 vịt đẻ, mỗi ngày cho hơn 1.000 trứng. Ngoài ra, anh còn nuôi và duy trì thường xuyên 60 - 70 con lợn thịt và 6 - 7 lợn nái.
Không dừng lại ở đó, với số lượng trứng vịt tăng lên, vợ chồng anh Trực còn đầu tư mua 3 lò ấp trứng vịt lộn, giá 10 triệu đồng/lò. Ngoài số trứng của gia đình sản xuất ra, anh chị còn thu mua thêm trứng của các hộ dân khác trong vùng về ấp, cung cấp trứng vịt lộn cho các thương lái đưa vào tiêu thụ trong nội thành. Anh Trực tính toán, mỗi năm thu nhập từ đàn vịt và ấp trứng vịt lộn của gia đình đạt 200 - 300 triệu đồng, thu nhập từ đàn lợn khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra ao cá cho thu 2 lứa/năm với sản lượng 3 tấn, thu về 100 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm gia đình anh Trực, chị Vụ thu được 500 - 600 triệu đồng từ trang trại.
Từ mô hình kinh tế của gia đình anh Trực, vài năm nay, hàng chục hộ dân khác trong thôn 3 cũng mạnh dạn xin chuyển đổi làm trang trại tại khu Ao Đàng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất, các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn về vốn. Chị Vũ Thị Vụ tâm sự: "Mặc dù trang trại cho thu nhập khá nhưng hiện nay chi phí đầu tư cho sản xuất, nhất là thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng. Do đó, chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để duy trì và mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập".
Có thể bạn quan tâm
Cô Nguyễn Thị Thu (xã Long Điền B, Chợ Mới, An Giang) cho biết, giá nấm rơm hiện khá cao, từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Trên diện tích 2.000m2 trồng nấm, mỗi ngày gia đình cô thu hoạch từ 250 – 300kg, trừ các khoản chi phí lãi gần 50 triệu đồng/vụ.
Nắng nóng kéo dài khiến các diện tích ngô của người dân ở các xã Tân Long, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bị mất mùa nghiêm trọng, người dân buộc lòng phải bán tháo ngô cây để giảm bớt thiệt hại về kinh tế.
Đó là cặp dưa hấu được anh Phạm Văn Chơn (ngụ tổ 26, ấp Bình Phú, xã Hòa An, Chợ Mới, An Giang) mua về từ chợ Lấp Vò (Đồng Tháp) ngày 28 tháng chạp 2014. Đây là loại dưa vỏ xanh, ruột đỏ, có trọng lượng 5 kg/quả, với giá 3.000 đồng/kg. Sau khi để chưng trên bàn thờ vào dịp Tết, anh Chơn quên bẵng đến 2 tháng sau Tết, anh mới lấy một quả ra xẻ ăn, vỏ dưa còn rất giòn, ruột dưa đỏ, ngọt và mọng nước.
Vùng trồng khóm Đồng Dinh (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) rộng 500ha, năm 2014 bị bệnh héo đỏ lá, 6 tháng đầu năm 2015 gặp nắng hạn, cây khóm xuống sức làm giảm năng suất… Mặc dù hiện nay, giá khóm ổn định nhưng người trồng khóm không vui.
Ông Huỳnh Văn Lành, một chủ nuôi cá lồng bè cho biết, trong thời gian từ giữa tháng 6 trở lại đây, hiện tượng cá chẽm, cá bớp và tôm kẹt bỏ ăn, yếu dần và chết rải rác xuất hiện ở các bè nuôi thủy sản trên sông Chà Và. Hiện 500 lồng nuôi ở tiểu khu này đều có hiện tượng cá bỏ ăn, yếu và chết.