Làm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Vịt, Thả Cá

Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.
Lúc đầu, gia đình chị đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt, nhưng sau một vài lứa gặp khó khăn do giá cả, dịch bệnh không đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình chị gặp không ít khó khăn. Song với quyết tâm làm giàu, không nản chí, vợ chồng chị trăn trở suy nghĩ để có hướng đầu tư mới.
Nhận thấy chăn nuôi vịt đẻ vừa dễ làm lại quay vòng vốn nhanh, gia đình chị đã thử nuôi vài trăm con. Chỉ sau thời gian ngắn, đàn vịt đẻ đã đem lại thu nhập nhờ bán trứng. Để tận dụng nguồn thức ăn rơi vãi, phân chuồng, gia đình chị đào ao, thả một số loại cá như: mè, trôi, rô phi... Nguồn thức ăn từ đó được tận dụng triệt để, cá lớn nhanh mà vịt cũng có môi trường sống lý tưởng.
Chỉ sau vài năm, gia đình chị đã có thể tăng nhanh số lượng đàn vịt và đầu tư xây dựng lò ấp trứng để xuất bán trứng vịt lộn thương phẩm. Đến nay, sau hơn 5 năm cần cù lao động, chăm lo cho khu trang trại, gia đình chị Loan đã có đàn vịt đẻ hơn 1 nghìn con, một lò ấp quy mô và khu ao cá, vườn cây hàng năm đem lại nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng.
Trung bình mỗi tháng, đàn vịt đẻ của gia đình chị cho hơn 3 vạn quả trứng lộn thương phẩm, với giá trứng từ 2 nghìn 500 đồng- 2 nghìn 700 đồng/quả bán buôn. Ngoài ra, cá trong ao cũng cho thu hoạch một năm vài lứa, nhờ đó nhanh chóng thu hồi được vốn, gia đình chị và có vốn đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Chị Loan cho biết, bí quyết trong chăn nuôi của gia đình chị đơn giản là chọn loại thức ăn phù hợp cho vật nuôi, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và vệ sinh phòng dịch tốt. Nhiều gia đình ở địa phương thấy chị chăn nuôi hiệu quả đã tới học hỏi và được vợ chồng chị hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay gia đình chị đang tiếp tục đầu tư nuôi thử nghiệm vài chục con cá sấu.
Với nguồn vốn đầu tư chủ động từ gia đình, lại có lợi thế về đất đai, chuồng trại nên mô hình đã được thực hiện khá thuận lợi. Việc chăn nuôi cá sấu có thể tận dụng được nhiều loại thức ăn sẵn có tại trang trại như: cá, vịt và trứng vịt loại... góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Những lồng bè nuôi cá mú san sát trước đây ở bãi biển Lạch Dù, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), nay đang thưa thớt dần, bởi hầu hết người nuôi thua lỗ nặng do giá cá rớt dần từ trước tết đến nay. Bây giờ dưới màu nước trong xanh tận đáy ven bờ, bà con ngư dân nuôi tạm một vài loài hải sản khác, chờ giá cá mú hồi sinh trở lại…

Trước đây, phần lớn nghề nuôi thủy sản ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phát triển theo hình thức nuôi tự phát. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước phong trào nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh.

Ông Phan Văn Bé (Ba Bé, 66 tuổi, ngụ ấp Lộc Hưng, xã Hòa Phú- Long Hồ- Vĩnh Long) kể, trưa 22/4, con ông phát hiện một con cá lạ nổi đầu ngớp nước ở dưới con rạch Mười Trầu trước nhà nên đã vào nhà báo cho gia đình biết.

Với trên 80% dân số sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có tính bền vững, điển hình là mô hình nuôi bò thịt.

Dù mới chỉ có vài chục hộ ở TP Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bắt đầu sử dụng né gỗ để nuôi tằm và máy để gỡ kén tằm, thế nhưng, hiệu quả của việc nuôi tằm theo công nghệ mới này đã giúp người nông dân giảm được nhiều công lao động và tăng cao thu nhập.