Xuất Khẩu 800.000 Tấn Gạo Cho Philippines Nhiều Doanh Nghiệp Trả Hợp Đồng
Hợp đồng cung ứng 800.000 tấn gạo cho Philippines đã bắt đầu giao hàng trong tháng 5 này với số lượng 200.000 tấn. Thế nhưng đã có dấu hiệu nhiều doanh nghiệp (DN) “bỏ chạy”, trả lại hợp đồng ủy thác cho Tổng Công ty Lương thực 1 và 2 vì sợ lỗ.
Ký giá thấp, doanh nghiệp lỗ
Ngày 15.4.2014, hai Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và Miền Nam (Vinafood 2) đã trúng cả 4 gói thầu cung ứng tổng cộng 800.000 tấn gạo cho Philippines. Trong đó, Vinafood 2 giành được hợp đồng cung cấp 600.000 tấn, còn Vinafood 1 là 200.000 tấn gạo 15% tấm cho Philippines. Thời gian giao hàng từ tháng 5 đến hết tháng 8.2014.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cho biết trong phiên đấu giá ngày 15.4, Việt Nam (VN) là nước đưa ra mức giá thấp nhất (với mức giá các gói thầu bình quân là 437,75 USD/tấn) nên đã đánh bại 3 nhà thầu Thái Lan, Pháp và Hongkong có mức giá đấu thầu bình quân đưa ra cao hơn VN đến hơn 30 USD/tấn. Đây chính là cái cớ mà nhiều DN VN đã “tháo chạy” khi nhận hợp đồng ủy thác của Vinafood 2 cung ứng hàng cho Philippines trong tháng 5 này, bởi theo họ giá giao quá thấp, DN bị lỗ.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang cho hay, công ty nhận được hợp đồng ủy thác từ Vinafood 2 với giá FOB (giao hàng tại cảng Sài Gòn) chỉ là 370,5 USD/tấn. So với giá thị trường hiện nay, nếu thực hiện sẽ khiến công ty của ông bị lỗ 300 đồng/kg gạo.
Chủ một DN khác ở Tiền Giang, ông T (xin được giấu tên) cũng cho rằng Vinafood 1 và Vinafood 2 Việt Nam đã ký “hớ” với giá quá thấp so với các đối thủ nên giờ DN thực hiện hợp đồng gặp khó khăn. Ông T phân tích: “Mình cứ sợ Thái Lan xả hàng bỏ giá thấp nhưng thực tế quy định khi đấu thầu của NFA phải là gạo mới, được thu hoạch không quá 4 tháng.
Với điều kiện này thì Thái Lan khó đáp ứng vì họ đã ngừng mua lúa giá cao từ tháng 2.2014 và gạo họ muốn xả ra bán giá rẻ là gạo tồn từ năm 2012, 2013. Bởi thế họ đấu thầu rất ít chỉ với gói 100.000 tấn và giá không hề thấp nên mình đã bị hớ.
Đành rằng không thể bỏ giá quá cao để không trúng thầu nhưng cũng không thể bỏ giá quá thấp như vậy để rồi DN thành viên thực hiện mua giá thấp của nông dân trong nước, khiến cho mục tiêu ban đầu của mình thất bại là trúng thầu để giữ giá cho vụ hè thu”.
Giá giao thấp, DN gặp lỗ, lại thêm các điều kiện thực hiện hợp đồng khắt khe khiến DN càng thêm ngán ngại, “chạy làng”. Trong văn bản gửi Vinafood 2 và Hiệp hội Lương thực VN (VFA) xin không thực hiện hợp đồng ủy thác xuất khẩu 6.956 tấn gạo 15% tấm sang Philippines, Công ty Việt Hưng có ghi rõ lý do là giá thấp và ràng buộc nhiều điều kiện “không có tiền lệ”.
Những điều kiện “chưa có trong tiền lệ”
Những điều kiện dạng này mà các DN chỉ ra là theo phụ lục mà Vinafood 2 gửi đến các DN trong hợp đồng ủy thác, nếu DN giao gạo không đúng tiêu chuẩn mà NFA đưa ra thì sẽ bị phạt nặng. Chẳng hạn, gạo giao là 15% tấm, nếu nhiều hơn 1% tấm thì bị phạt 3 USD/tấn; nhiều hơn 10% thì tiền phạt là 30 USD/tấn. Đáng lo ngại là nếu hạt gạo xát dối (hạt còn sọc đỏ, sọc đen…) cũng sẽ bị phạt nặng từ 7,7 - 15,4 USD/tấn; hạt nguyên ít, độ ẩm nhiều hơn cũng bị phạt.
Theo các thương lái ĐBSCL, kể từ khi ký được hợp đồng cung ứng 800.000 tấn gạo đi Philippines ngày 15.4, giá gạo trong nước đã tăng từ 200 - 300 đồng/kg. Cụ thể giá gạo nguyên liệu IR 50404 từ 6.400 đã tăng lên 6.600 - 6.700 đồng/kg. Giá gạo trắng 15% tại kho các DN hiện có giá 7.700 - 7.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với trước 15.4.
“Với việc phải giao hàng sâu vào nội địa tận kho NFA, việc bốc dỡ hàng hóa từ kho DN ở VN đến kho NFA phải qua đến 4 lần thì khả năng vỡ hạt thành tấm là rất cao. Hoặc khi các điều kiện DN làm đúng nhưng một đợt hàng qua Philippines gồm của nhiều DN, nếu một DN làm sai mà NFA kiểm tra lại đúng lô làm sai đó thì sẽ phạt tất cả DN đi chung đợt đó.
Bởi điều kiện mà phụ lục Vinafood 2 có ghi rõ là trách nhiệm về chất lượng gạo giao đến kho NFA thuộc về DN, trong khi những hợp đồng trước là thuộc về công ty giám định chất lượng.
DN chỉ giao đến cảng Sài Gòn đạt chất lượng là xong. Vinafood 1 cũng đang làm thế. Cùng một hợp đồng mà điều kiện Vinafood 1 và 2 khác nhau khiến chúng tôi thấy rất bất an khi thực hiện” – ông T phân tích thêm.
Không những thế, các DN còn “tố” thêm là vụ bao bì Vinafood 2 chỉ định các DN sử dụng loại bao bì của một DN cụ thể với mức giá 5.200 đồng/bao. Trong khi đó, các DN tìm được nhà cung cấp khác cùng chất lượng, giá rẻ lại hơn 400 đồng/bao thì Vinafood 2 lại không đồng ý.
Chính vì những lý do trên mà Công ty Việt Hưng đã xin trả lại hợp đồng. Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cũng cho biết công ty ông đang xin trả lại không thực hiện hợp đồng ủy thác cung ứng gần 7.000 tấn gạo 15% tấm sang Philippines mà Vinafood 2 giao. Các công ty Đại Hưng, Phước Thành, Viễn Thông Thuận, Thanh Hồng (Tiền Giang), Khiêm Thanh (An Giang)… cũng đang có động thái tương tự.
Có thể bạn quan tâm
Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) Nguyễn Thành Nhơn cho biết vụ xoài thu hoạch sớm năm nay nguồn cung không đủ cầu và có giá cao kỷ lục.
Thực hiện chuyển đổi giống cây trồng trên vùng đất sản xuất kém hiệu quả, đang được người dân các địa phương trong tỉnh quan tâm áp dụng. Mới đây người dân thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã thử nghiệm trồng giống táo dây xanh trên vùng đất khô hạn, bạc màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ.
Cam Lộ (Quảng Trị) là một huyện trung du, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thủy văn và các vùng sinh thái khác nhau thích ứng cho quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó lợi thế nhất là đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực tế trong những năm qua, với sự tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh, nông dân trong huyện đã khai thác được thế mạnh về đất đai và lao động đưa lại hiệu quả khá cao trong sản xuất cây công nghiệp ngắn, dài ngày và chăn nuôi trâu bò đàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết thành phố vừa phê duyệt Dự án Trung tâm nghề cá ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.
Do hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa vụ xuân hè không cao nên nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... đã thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu sớm bằng một vụ đậu nành sau khi thu hoạch lúa đông xuân.