Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Trang Trại Chăn Nuôi

Làm Giàu Từ Trang Trại Chăn Nuôi
Ngày đăng: 20/10/2014

Là một trong năm trang trại được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (Đắc Lắk) cấp giấy chứng nhận hoạt động, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt (sinh năm 1987) ở thôn 10, xã Ea Lê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Năm 1995, từ tỉnh Bắc Ninh anh Nguyễn Văn Hoạt theo gia đình vào xã Ea Lê lập nghiệp. Do cuộc sống gia đình khó khăn nên việc học hành của anh dang dở. Năm 2007, anh phải bươn chải học nghề kiếm sống nuôi bản thân, nhưng thu nhập từ công việc sửa xe máy ít ỏi, không được bao nhiêu.

Đến năm 2011, anh lập gia đình với chị Triệu Thị Thúy là người cùng xã. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi anh chị sinh thêm đứa con gái đầu lòng. Với sức trẻ, ý chí và nghị lực không chấp nhận nghèo đói, anh nghỉ nghề sửa chữa xe máy, cùng với chút vốn ít ỏi trong tay anh chị đã vay mượn thêm bà con, gia đình để mua 1 ha đất.

Do đất quá khô cằn, chủ yếu là sỏi đá khó canh tác các loại cây trồng, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh chị đã quyết định đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi, bắt đầu từ việc chăn nuôi nhỏ theo hình thức tích góp mở rộng dần. Những ngày đầu mở trang trại, gia đình anh gặp muôn vàn khó khăn về dịch bệnh cũng như giá thức ăn tăng cao, chưa biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, nguồn thu nhập từ chăn nuôi tuy có nhưng không lớn…

Dần dần, trong quá trình chăn nuôi, vợ chồng anh đúc rút kinh nghiệm, tiết kiệm và đầu tư mở rộng từng bước. Đến nay cũng trên 1 ha đất sỏi ngày nào, gia đình anh đã mở rộng được 3 ao thả cá với tổng diện tích mặt nước 2.000 m2, chủ yếu thả các loài cá chép, mè, trôi; 5 sào đất lúa; diện tích đất còn lại anh xây dựng nhà và 2 dãy chuồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tận dụng mặt nước sẵn có anh kết hợp chăn nuôi vịt với số lượng lớn.

Nhận thấy xung quanh có những chân ruộng lúa nước 2 vụ rộng lớn của các nông hộ; tận dụng lợi thế này hằng năm gia đình anh nuôi 3 lứa vịt thịt, mỗi lứa 2.000 con; trong đó 2 lứa vịt nuôi chạy đồng và một lứa nuôi công nghiệp. Khi bà con nông dân tiến hành thu hoạch lúa cũng là thời điểm anh đưa vịt ra đồng tận dụng những hạt lúa còn sót lại để làm thức ăn cho vịt.

Đợt 1 nuôi chạy đồng bắt đầu vào cuối tháng 2 đến cuối tháng 4 là có thể xuất bán, đợt 2 anh nuôi công nghiệp từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7, đợt 3 nuôi chạy đồng từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 10. Chăn vịt chạy đồng có rất nhiều lợi thế, tốn ít công chăm sóc, ít chi phí đầu tư; vịt chạy đồng dễ bán, được các thương lái xuống tận nơi thu mua. Nếu tính 2.000 con vịt nuôi chạy đồng khi xuất bán trừ chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 40 triệu đồng, lời gấp đôi so với nuôi vịt công nghiệp.

Ngoài số vịt thịt, trong trang trại còn có 1.200 con vịt đẻ, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 500 quả trứng; đồng thời gia đình anh làm lò ấp cung ứng giống cho những người có nhu cầu. Cùng với nguồn thu nhập từ nuôi vịt đẻ, ao cá, chăn nuôi heo, hằng năm gia đình anh thu nhập khoảng 250 triệu đồng.

Với việc đầu tư mô hình chăn nuôi xoay vòng bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 2 vừa qua anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại và được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển của Nhà nước.

Dự định thời gian tới gia đình anh sẽ chuyển đổi 5 sào đất lúa kém năng suất sang đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi vịt với tổng đàn lớn để nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Nhập Nhằng Phân, Thuốc Lúa Đẹp, Hạt Lép Nhập Nhằng Phân, Thuốc Lúa Đẹp, Hạt Lép

Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân ấp Phú Thọ, xã Tân Phú, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) nói: "Hiện có rất nhiều sản phẩm phân bón phun trên lá bày bán ngoài thị trường. Nông dân chúng tôi rất rối trí khi chọn mua phân bón để phun cho cây trồng. Điển hình là các sản phẩm siêu ra hoa, đậu trái, hạ phèn, ra rễ nhanh, to hạt, đẹp màu.

29/07/2014
Thanh Bình (Đồng Tháp) Liên Kết Tiêu Thụ Bắp Lai Thanh Bình (Đồng Tháp) Liên Kết Tiêu Thụ Bắp Lai

Những năm qua, nhờ chuyển đổi sang trồng bắp lai trên nền đất lúa mà nhiều nông hộ ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã cải thiện được doanh thu đáng kể so với độc canh cây lúa như trước đây. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại nông sản khác, bắp lai vẫn “lận đận” trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

08/08/2014
Tái Cấu Trúc Ngành Và Xây Dựng Nông Thôn Mới Là Nhiệm Vụ Then Chốt Tái Cấu Trúc Ngành Và Xây Dựng Nông Thôn Mới Là Nhiệm Vụ Then Chốt

Chiều 28/7, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình hoạt động của đơn vị 6 tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát dự và chỉ đạo hội nghị.

29/07/2014
Bưởi Phúc Trạch Đang Hồi Sinh Sau Nhiều Năm Thất Bát Bưởi Phúc Trạch Đang Hồi Sinh Sau Nhiều Năm Thất Bát

Sau nhiều năm thất bát, năm nay ông đã chăm sóc theo đúng quy trình, thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật như làm cỏ, xới xáo tỉa cành, tạo tán, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh hại và hoàn chỉnh hệ thống tưới, thoát úng, nhờ vậy tỷ lệ cây đạt quả rất cao. Ước tính vườn bưởi của ông Cường có hơn 4.000 quả, dự kiến cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

08/08/2014
Ngao Há Miệng, Người ... Há Mồm Ngao Há Miệng, Người ... Há Mồm

Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.

29/07/2014