Chăn Nuôi Gà Dưới Tán Cao Su
Thời gian qua, giá cao su giảm mạnh khiến nhiều người trồng cao su lo lắng, thì gia đình anh Trần Văn Hùng, thôn Lạc Sơn, xã Gio Sơn (huyện Gio Linh,Quảng Trị) vẫn có nguồn thu nhập ổn định nhờ biết tận dụng bóng mát lô cao su để chăn nuôi gà ta thả vườn.
Gia đình anh Hùng có 2 ha cao su đi vào khai thác đúng vào thời điểm giá cao su liên tục xuống thấp nên nguồn thu từ mủ cao su của anh Hùng chỉ khoảng từ 200 - 300 ngàn đồng/ngày.
So với chi phí đầu tư của 7 năm kiến thiết cơ bản và công sức bỏ ra hàng đêm để thu hoạch mủ cao su của vợ chồng anh Hùng thì khoản tiền trên không đủ trang trải vốn đầu tư ban đầu. Tình cảnh này khiến nhiều người có vườn cao su vừa đi vào khai thác được 2 – 3 năm nay rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, không muốn đầu tư công sức chăm sóc, khai thác vườn cây như những năm trước.
Để tìm được lối làm ăn nhằm có thêm thu nhập, anh Hùng tự học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi và đã tận dụng diện tích đất dưới tán cao su của gia đình mình để chăn nuôi gà ta thả vườn. Trung bình mỗi năm anh nuôi từ 1.000 – 1.200 con gà, chia làm 6 lứa theo hình thức nuôi gối lứa.
Thời gian chăn nuôi mỗi lứa gà khoảng 4 tháng, trọng lượng gà khi xuất chuồng khoảng 1,1 – 1,3 kg/con, phù hợp nhu cầu tiêu thụ của các nhà hàng, bếp ăn phục vụ đám cưới, tiệc liên hoan... nên thị trường tiêu thụ rất lớn.
Anh Hùng cho biết, hầu như lứa gà nào cũng có người vào hợp đồng đặt hàng trước. Mỗi năm riêng tiền chăn nuôi gà anh thu khoảng 100 triệu đồng, trong đó lãi ròng khoảng 60 triệu đồng.
Theo tính toán của anh Hùng, thông thường với số lượng gà trên mỗi năm cần khoảng 4 tấn lúa làm thức ăn nhưng nhờ hàng ngày thả gà để chúng tự kiếm ăn giữa vườn cao su nên lượng thức ăn chăn nuôi gà của anh giảm một nửa. Không những giảm được chi phí mua thức ăn mà việc chăn nuôi gà ở giữa lô cao su cách xa khu dân cư, không gian thoáng mát nên không bị lây lan dịch bệnh.
Qua một thời gian chăn nuôi, anh Hùng nhận ra rằng việc nhập con giống bên ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro vì đôi khi nhập đàn nhưng không rõ nguồn gốc con giống. Ý thức được điều này, anh quyết định đầu tư nuôi thêm gà bố mẹ cho đẻ trứng để ấp giống.
Theo anh Hùng, trong chăn nuôi gà giống, khâu quan trọng nhất là phải chọn được con gà mái mẹ tốt và chú trọng khâu tiêm phòng định kỳ các loại vắc xin phòng bệnh cũng như vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng xung quanh môi trường chăn nuôi định kỳ 2 lần/tháng. Mô hình chăn nuôi dưới tán cây cao su của gia đình anh Hùng là mô hình đầu tiên ở xã Gio Sơn đang mở ra nhiều triển vọng.
Đây được xem là mô hình “nhất cử lưỡng tiện” bởi nhờ chăn nuôi gà giữa vườn cao su, anh Hùng có thêm nhiều thời gian ở bên vườn cao su để chăm sóc, bảo quản vườn cây. Trước những biến động của giá mủ cao su thì đây là cách làm hay để nông dân cải thiện đời sống và làm giàu trên mảnh đất của mình.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi vụ lúa hè thu trên toàn tỉnh sắp bước vào thu hoạch, thì thời điểm này, trên một số cánh đồng ở Trà Phong – vựa lúa của huyện miền núi Tây Trà, người dân lại xuống đồng gieo cấy. Đây là một điều lạ, vì mùa mưa bão đang đến gần.
Cùng với cây cà leo, ươi… thương lái đang lùng sục các núi rừng thu mua cây khổ sâm (cứt chuột) để bán sang Trung Quốc. Người dân đang đổ xô vào rừng khai thác, khiến cây cứt chuột đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Xuất khẩu gạo mấy tháng gần đây thuận lợi không chỉ do những yếu tố chủ quan, mà còn do sự cộng hưởng của những tác động tích cực của thị trường thế giới.
Ngư dân Phan Thành ở Phan Rí, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đang neo đậu tại cảng cá Phước Tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Chuyến đi biển vừa rồi ông Thành lỗ hơn 100 triệu đồng trả tiền bạn ghe. Ra khơi trong tình trạng thấp thỏm sợ thua lỗ và vì không còn vốn nên ông Thành đành cho thuyền tạm nằm bờ.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn giữ được “phong độ” tại các thị trường tiêu thụ lớn, trong khi đó bức tranh của ngành cao su lại nhuốm màu ảm đạm khi mà các chỉ số về sản lượng và kim ngạch đang có chiều hướng sụt giảm mạnh.