Làm Giàu Từ Nuôi Dê

Các hộ nuôi dê ở làng Tao Chor A (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, so với các vật nuôi khác như heo, bò, gà,… thì nuôi dê đem lại nguồn lợi lớn hơn mặc dù vốn đầu tư cho con giống và chuồng trại khá cao, từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/cặp giống bố mẹ.
Tuy nhiên, dê được cho là rất dễ nuôi bởi nguồn thức ăn cho chúng là các loài thực vật mà nông dân có thể tận dụng từ các vụ mùa như mì, bắp, cỏ, lá cây keo,… Bên cạnh đó, dê là một loài có khả năng sinh trưởng khá nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể xuất chuồng hoặc sinh sản. Mỗi lứa, dê mẹ thường đẻ 4-6 con nên đàn dê cũng vì thế mà tăng số lượng nhanh chóng. Mặc dù vậy, dê cũng khá nhạy cảm, dễ bị bệnh, nên khi nuôi các gia đình cũng cần phải thường xuyên quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời những con dê bị bệnh để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn.
Phần lớn các hộ nuôi dê tại làng Tao Chor A đều từ nơi khác chuyển đến, hộ khá cũng chỉ có vài chục đến vài trăm trụ tiêu nhưng lại “chết lên chết xuống”. Cũng có gia đình không có lấy mảnh đất cắm dùi, quanh năm phải đi làm thuê cuốc mướn cho những gia đình khác. Vì vậy mà cuộc sống cứ bấp bênh mãi cho tới khi mô hình nuôi dê lấy thịt đem đến cho họ niềm hy vọng đổi khác.
Gia đình anh Nguyễn Đắc Thế (SN 1970) sau khi mạnh dạn vay 20 triệu đồng cùng với vốn của gia đình để đầu tư chuồng trại và 9 con dê với tổng chi phí lên tới 40 triệu đồng. Sau 4-5 tháng chăm sóc, hiện nay đàn dê của gia đình anh Thế đã tăng lên 16 con, trung bình mỗi con nặng 30-50 kg. Với giá mua dê thịt tại chuồng là 110.000 đồng/kg thì đàn dê của anh Thế đang hứa hẹn đem về nguồn lợi rất lớn.
Anh Thế vui mừng cho biết: “Nuôi dê thấy khá an toàn mà hiệu quả lại cao và ổn định. Thức ăn cho dê chỉ cần là những cành cây keo được phơi cho ráo nước, chuồng trại phải sạch sẽ. Chỉ cần chịu khó bỏ vốn đầu tư sẽ nhanh chóng lấy lại được và có lời trong thời gian ngắn”.
Tương tự, ngoài ngôi nhà tình thương do Phòng Giáo dục huyện Chư Pưh xây tặng thì vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhật (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hương không còn một tài sản nào đáng giá. Rời mảnh đất Bình Định, anh chị cùng nhau lên đây với hy vọng làm giàu. Nhưng trong tay không có vốn, không có đất sản xuất, cả hai vợ chồng chỉ biết đi làm thuê cho người khác để sống qua ngày.
Năm ngoái, hai vợ chồng mạnh dạn vay vốn đầu tư 10 triệu đồng nuôi 2 con dê giống và làm chuồng trại. Đến nay, trong khu chuồng rộng chừng 9 m2 là đàn dê 9 con, con nào cũng to béo, khỏe mạnh. Ngoài ra, anh chị còn nhận nuôi rẽ 1 cặp dê giống cho một gia đình khác, công đổi lại là từ 1 đến 2 dê con nếu dê mẹ đẻ được 4-6 con.
Sống giữa nơi được coi là “thủ phủ” hồ tiêu của cả tỉnh nhưng nhiều người không có đủ điều kiện, thời gian và vốn liếng để đầu tư cho loại cây lợi nhuận cao nhưng rủi ro nhiều này. Họ đã tìm cho mình một hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi dê, từng bước chậm nhưng chắc để đảm bảo cho một cuộc sống ổn định, vững chắc, tiến tới làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Phương là tấm gương nông dân sản xuất giỏi ở thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Từ trồng lúa và nuôi bò sinh sản, mỗi năm gia đình ông thu về cả trăm triệu đồng.

Chuyện con bò tót “lạc đàn” về xã Phước Bình “gắn kết” với bò nhà sản sinh những con bê lai F1 “cường tráng” đang trở thành đề tài thời sự thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước.

Phân bón cho cây trồng nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng có thể qui tập vào những nhóm chủ yếu: phân hữu cơ (cả hữu cơ vi sinh); phân vô cơ (phân đa lượng, trung lượng, vi lượng); phân vi sinh vật. Phân hữu cơ và phân vô cơ đều cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhưng không thể thay thế cho nhau.

Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) mới đi vào hoạt động được một năm nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.