Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Nuôi Cá Chình

Làm Giàu Từ Nuôi Cá Chình
Ngày đăng: 19/08/2013

Những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình mới và đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó mô hình nuôi cá chình của ông Phạm Văn Tân, làng Hà Lâm, xã Sơn Lang là một điển hình. Nhờ nuôi cá chình mà gia đình ông Tân đã xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Phạm Văn Tân - ở làng Hà Lâm, xã Sơn Lang, là người dân tộc Tày và là người đầu tiên đưa giống cá chình về nuôi. Trước đây, trên đất của gia đình, ông chỉ trồng lúa rẫy, bắp, mì…, làm lụng vất vả nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Song từ năm 2009 khi xem ti vi, ông phát hiện một số mô hình nuôi cá chình ở nhiều nơi cho thu nhập cao, sau khi tham khảo, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông đã quyết định tận dụng 400 mét vuông đất vườn đào ao nuôi thử cá chình.

Ông Phạm Văn Tân cho biết: “Năm 1992, gia đình tôi lên Sơn Lang sinh sống, khi đó tôi chưa có nhà ở phải ở nhờ nhà bà con. Tôi thấy ở đây có thể phát triển kinh tế nên mua đất và đào ao làm trang trại theo mô hình V.A.C. Đầu tiên gia đình nuôi thử một số loại cá như: trắm, rô phi, trôi nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau tôi thấy nhiều nơi nuôi cá chình hiệu quả nên mua cá giống đánh bắt ở sông, suối về nuôi thử 15 con”.

Kết quả cá chình có thể thích nghi với điều kiện ở địa phương vì vậy ông Tân đã đào thêm một ao rộng hơn 700 m2 và mua thêm gần 100 con cá chình giống về nuôi. Mua cá giống rất khó, vì việc sinh sản nhân tạo cá chình đến nay chưa có nơi nào nghiên cứu thành công. Tất cả nguồn giống đều dựa vào đánh bắt tự nhiên trên các sông, suối. Cá chình được chăm sóc, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì lớn nhanh và phát triển tốt. Đây là loài cá dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn thường là cá, tôm băm nhỏ.

Ông Tân cho biết: Ao thả cá cũng phải được chú trọng đúng mức. Trong ao nước luôn phải sạch, phải thay nước, có chỗ thoát nước nhanh, bờ ao phải cao và đáy ao đặt ống xả, dưới đáy ao cần đặt rải rác lốp xe làm hang cho cá ẩn náu, mực nước trong ao khoảng 2,5 đến 3 mét. Cứ 7 đến 10 ngày phải thay nước một lần, sau đó bơm thêm nước sạch vào. Cá chình nuôi hơn 1 năm là có thể thu hoạch.

Thời điểm xuất bán, cá chình đạt trọng lượng từ 2 kg đến 6 kg. Hiện 1 kg cá chình có giá dao động từ 400 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng tùy theo cá lớn hay nhỏ. Ông Tân cho biết thêm: Nuôi cá chình không sợ đầu ra, dù giá cá khá cao nhưng có bao nhiêu là tiêu thụ hết, phần lớn bán cho các nhà hàng, khách sạn ở Quy Nhơn (Bình Định). Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình còn lãi gần trăm triệu đồng.

Ngoài nuôi cá chình, gia đình ông Tân còn đầu tư thả thêm cá trắm cỏ, mè, rô phi đơn tính và trồng hơn 5 ha cà phê, 3 ha mì, mỗi năm trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng. Ông Tân từ hộ nghèo trở thành một trong những gia đình khá nhất trong xã. Ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, cho biết thêm: Mô hình ông Tân áp dụng là mới và đã phát huy hiệu quả. Nuôi cá chình tương đối đơn giản, tận dụng thức ăn sẵn có tại địa phương, đặc biệt là nguồn nước.

Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Nông dân xã rà soát các hộ dân xem có nhu cầu thì sẽ tổ chức cho bà con đến tận ao của ông Tân thực tế, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời nghiên cứu đầu tư nhân rộng mô hình này. Chúng tôi sẽ nghiên cứu nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới để đầu tư hỗ trợ giống và đào ao cho các hộ có nhu cầu.

Nuôi cá chình có giá trị kinh tế cao sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân xã Sơn Lang. Đồng thời tạo sự chuyển biến về nhận thức, năng lực tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.


Có thể bạn quan tâm

Xà Lách Xoong Có Nhiều Khoáng Chất Xà Lách Xoong Có Nhiều Khoáng Chất

Xà lách xoong rất giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin B6 và những vitamin tan trong dầu như vitamin E, vitamin K. Nó cũng chứa một hàm lượng cao các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như iodine, sắt, calcium, magnesium, kẽm

16/02/2011
Nuôi Tôm Hùm Ở Từ Nham Nuôi Tôm Hùm Ở Từ Nham

Sinh ra, lớn lên ở vùng biển nên từ nhỏ Nguyễn Thành Nhơn ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, Phú Yên), đã quen với sông nước vịnh, đầm nơi đây. Đến khi lập gia đình, anh vào nghề nuôi tôm hùm làm kế mưu sinh và trở thành đại gia tôm hùm

01/12/2011
Vẫn Sử Dụng Phác Đồ Điều Trị Bệnh Sữa Trên Tôm Hùm Cũ Vẫn Sử Dụng Phác Đồ Điều Trị Bệnh Sữa Trên Tôm Hùm Cũ

Chiều 27.6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo công bố phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm do vi khuẩn riskettsia - like gây ra tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

30/06/2012
Đến Lượt Tôm Hùm “Rớt Đài” Vì Bí Đầu Ra Đến Lượt Tôm Hùm “Rớt Đài” Vì Bí Đầu Ra

Đến ngày 14.6, tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà – nơi nuôi tôm hùm nhiều nhất nước, giá tôm hùm thương phẩm loại 1 chỉ còn 800.000 đồng/kg, so với trước đây khoảng 2,8 triệu đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm nay.

17/06/2012
Mô Hình VACR Cho Thu Nhập Gần 100 Triệu Đồng / Năm Mô Hình VACR Cho Thu Nhập Gần 100 Triệu Đồng / Năm

Với sự siêng năng, cần cù, chịu khó, mô hình vườn - ao - chuồng - ruộng (VACR) của ông Trần Văn Khải ngụ ấp Ông Gồng, xã Tân Đông (Tiền Giang) cho thu nhập 100 triệu đồng/năm

09/02/2011