Để Chè Shan Tuyết Nghệ An Vươn Xa
Với khoảng thời gian hơn 10 năm, cây chè Shan tuyết khẳng định ưu thế trên vùng đất Huồi Tụ và Mường Lống của huyện biên giới Kỳ sơn. Sản phẩm chè Shan tuyết ở Nghệ An đã được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị, cần tăng cường công tác chế biến và quảng bá cho thương hiệu vươn xa hơn…
Ngược dòng thời gian, cách đây khoảng 10 năm, buổi đầu tiên đưa giống chè từ suối Giàng (Yên Bái) về với Huồi Tụ, anh Nguyễn Hữu Tranh - Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong 8 (TNXP) cho biết: Để đưa giống chè mới này về với Kỳ Sơn, lúc đó có 12 người bao gồm các chuyên gia kỹ thuật và anh em trong Tổng đội đều phải hết sức cẩn trọng trong suốt quá trình trồng thí điểm, nhân giống.
Giữa mùa hè nên anh Nguyễn Hồ Lâm - Thủ lĩnh của nhóm yêu cầu anh em xách từng can nước tưới cho từng bầu. Rồi khi chưa làm được nhà giàn, vườn ươm thì anh em phải nhường tấm bạt lợp nhà ăn để tạm che cho cây giống.
Rồi mọi người phải đến từng nhà giới thiệu về giống chè mới cho bà con người Mông ở Huồi Tụ và Mường Lống; may mắn lúc đó 2 anh Lỳ Bá Cải (bản Trung Tâm) và Dềnh Bá Mai (bản Huồi Khả) là những người địa phương thân thiết với bà con đồng bào, lại am hiểu về giống chè nên đã phối hợp với các anh em trong tổng đội để vận động bà con mở rộng diện tích. Từ đó, các đồi chè Shan tuyết bắt đầu phủ xanh các nương rẫy phía Tây Bắc huyện Kỳ Sơn.
Hiện tại, tổng diện tích trồng chè Shan tuyết ở 2 xã Huồi Tụ và Mường Lống đã lên tới gần 500ha. Trong đó có 6 bản thuộc xã Huồi Tụ có gần 100% số hộ dân trồng là Huồi Khả, Huồi Khe, Pà Xắc, Huồi Mú, Trung Tâm và Huồi Đun. Đối với Mường Lống có 2 bản Sa Lầy, Tham Lực là những bản có trên 50% số hộ trồng. Hằng năm các hộ dân và Tổng đội đều tăng thêm diện tích canh tác loại cây này.
Năng suất đạt được cũng khá cao, diện tích do tổng đội trồng, trung bình từ 4,5 đến 5 tấn/ha; còn đối với diện tích trồng của người dân trung bình 3 tấn/ha.
Tổng sản lượng búp chè có thể đáp ứng vài ngàn tấn mỗi năm. Vừa qua, ông Hoàng Vĩnh Long - Đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam và Vũ Hữu Hào - Đại diện Tổng công ty Chè Việt Nam đã đến khảo sát 30ha chè của Tổng đội đang cho sản phẩm và một số lô trồng mới của bà con đang trong thời gian kiến thiết cơ bản. Đoàn đã đánh giá cao chất đất, khí hậu của Huồi Tụ và Mường Lống rất phù hợp với cây chè Shan tuyết.
Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ của Kỳ Sơn, với nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ 1 lớp trắng nhẹ như tuyết và cho năng suất khá cao.
Chỉ tính riêng 30ha của Tổng đội TNXP trong năm 2013 đã cho sản lượng gần 50 tấn búp khô với chất lượng cao cả mùi lẫn vị. Sản phẩm sau chế biến, chè có hình móc câu, khi pha nước trà màu vàng đượm như màu của mật ong chứ không xanh như những loại trà khác.
Chỉ cần nhấp nhẹ, đầu lưỡi đã cảm nhận được vị ngọt, chát lan tỏa đậm đà. Quan trọng nhất là trà Shan tuyết có vị đậm sau khi uống. Anh Nguyễn Hữu Tranh - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 8, chia sẻ thêm: “Nếu là trà Shan tuyết loại 1 và được pha đúng cách thì trà sẽ dậy mùi, dậy vị thơm ngon đặc biệt. Các cụ già vùng cao luôn có biệt tài pha loại trà này và thường truyền lại kinh nghiệm cho mọi người trong các dịp lễ, Tết. Việc pha trà Shan tuyết có chút cầu kỳ hơn các loại trà khác bởi cần phải tinh tế trong nhiệt độ của nước.
Ấm trà cần là loại sứ nung già (nếu pha bằng nước mưa hoặc nước suối đun sôi càng tỏa hương đặc biệt), nước thử đầu tiên để đánh thức trà phải có nhiệt độ cao hơn từ 3 đến 5 độ so với nước ủ trà. Khi đổ nước thử xong phải để nguyên ấm trong vòng vài chục giây để trà ngậm nước.
Khi rót trà ra chén cần rót mỗi chén một ít theo 2 đến 3 vòng để các chén không bị chênh lệnh về độ đậm, nhạt. Cần lường số trà pha để rót trong một lượt, tránh trường hợp ngâm trà quá lâu trong nước nóng sẽ mất hương thơm. Trà này đặc biệt phù hợp với ngày Tết bởi thanh vị và giải độc cho cơ thể. Do đó, đây là món quà được nhiều người chọn lựa trong những năm qua”.
Chè Shan Tuyết trồng ở độ cao trên 2000 mét so với mặt biển, nơi mây mù phủ quanh năm của Kỳ Sơn thơm ngon là vậy nhưng thương hiệu chưa được quảng bá, lan tỏa, chưa xứng với tiềm năng của vùng. Nhìn ra tỉnh bạn, nếu như hiện tại chè Shan tuyết ở tỉnh Yên Bái, hàng năm đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Anh từ 3,5 đến 4 ngàn tấn thì chè Shan tuyết Nghệ An vẫn chỉ tiêu thụ chủ yếu trong nội tỉnh.
Theo đánh giá của Hiệp hội chè trong lần khảo sát vừa qua thì chè Shan tuyết Nghệ An không thua kém ở nơi khác, nhưng vấn đề ở cách làm hàng hóa. Đối vơi khâu chế biến ở đây vẫn thiếu hệ thống dây chuyền máy móc hợp chuẩn.
Một phần sản phẩm vẫn còn phải phơi trực tiếp dưới ánh mặt trời làm giảm hương vị thơm của trà. Về đóng gói sản phẩm vẫn còn đơn điệu. Sản phẩm chủ yếu làm quà tại các cuộc họp, hội nghị… Ngoài ra việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Tìm đến các hộ gia đình trồng nhiều chè ở Huồi Tụ như hộ anh Dềnh Như Chò, Vừ Pá Chống, Vừ Khừa Hùa… mỗi hộ đều trồng gần 1,5ha, được biết, các hộ sau khi thu hoạch búp chè tươi thì mang đến nhập trực tiếp cho Tổng đội TNXP với giá trung bình khoảng 6.500 đồng/kg, thu nhập 1 năm trung bình khoảng 40 triệu đồng.
Đây là nguồn thu lớn đối với đồng bào, tuy nhiên để đầu tư mở rộng và phát triển diện tích chè thì nguồn vốn còn quá ít. Anh Vương Xuân Trụ - Tổng độ phó phụ trách kỹ thuật cho biết: “Hiện tại giá bán của trà khô là 170.000 đồng/kg, với giá đó vẫn còn thấp để tạo vốn quay vòng sản xuất cho bà con. Trong hội chợ chè Hà Nội vừa rồi, giá bán của trà Shan tuyết Hà Giang là 1,5 triệu đồng/kg, giá thấp nhất cũng là 800 nghìn đồng/kg.
Qua đánh giá, với chất lượng trà như hiện nay nếu có mẫu mã đẹp và tiếp thị tốt hơn có thể bán với giá 300 nghìn đồng/kg”. Tuy nhiên, hiện tại năng lực sản xuất và chế biến của Tổng đội còn rất khiêm tốn. Trong số 500ha chè đứng, mới chỉ có 250ha cho thu hoạch. Hệ thống dây chuyền chế biến còn thô sơ, với 4 máy vò chè công suất 1 tấn/ngày chạy bằng diezel (do chưa có hệ thống mạng lưới điện), làm hạn chế chất lượng của chè.
Vừa qua, sở Khoa học - Công nghệ đã đầu tư 2 máy sấy bằng nhiệt ga trị giá 150 triệu đồng/máy giúp cho tổng đội nâng cao chất lượng chè… Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, Tổng đội TNXP đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tăng cường công tác chế biến theo hướng nâng cao chất lượng, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại để sản phẩm có thể đến rộng rãi với người tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
9 năm qua, nông dân Nguyễn Duy Hoàn phủ xanh 5 ha sầu riêng hữu cơ vườn nhà, đồng thời liên kết thành lập HTX ‘bắt tay’ sản xuất nông sản hữu cơ làm giàu...
Đinh Hạnh, cô gái trẻ 9X đã làm chủ được quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên tại Ninh Thuận.
Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ tôm giống đạt chỉ tiêu nuôi quảng canh, anh Phạm Văn Hưng đã mạnh dạn mở trại thuần dưỡng tôm giống Postlarvae 12 (P12)
Hơn 20 năm nuôi ba ba sinh sản, anh Nguyễn Đức Lợi, ấp Phước Thọ B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng có cuộc sống khấm khá
Gần 25 năm trong nghề nuôi tôm nhưng chỉ đến khi chuyển hướng sang nuôi cá dìa một cách chuyên nghiệp, ông Hồ Văn Hổ