Lấp Vò (Đồng Tháp) Vào Mùa Thu Hoạch Rộ Khoai Môn Và Kiệu
Hiện tại, bà con vùng màu của huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đang vào mùa thu hoạch rộ khoai môn và củ kiệu. Theo phản ánh của bà con nông dân, do năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất của kiệu và khoai môn giảm trung bình từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, do sức mua của thị trường năm nay khá yếu nên giá thành giảm từ 10 - 15% so với năm 2013. Với mức giá và năng suất như hiện nay, người nông dân ở vùng màu hầu như không có lãi, không ít nông dân lỗ vốn do phải tốn thêm chi phí thuê đất canh tác.
Anh Lê Văn Còn ngụ ấp An Bình, xã Hội An Đông tâm sự: “Mọi năm trung bình 1 công kiệu thu hoạch năng suất đạt từ 4 - 5 tấn, nhưng năm nay do nắng nóng kéo dài, ruộng kiệu của tôi năng suất giảm khoảng 40%. Với mức giá 10.500 đồng/kg như hiện giờ tôi bị lỗ ít nhất từ 2 - 3 triệu đồng/công”.
Hội An Đông là một trong 3 xã tập trung diện tích kiệu và khoai môn lớn ở huyện Lấp Vò, với hơn 72ha trồng khoai môn và 32ha sản xuất kiệu. Đến nay, đã có gần 50% diện tích khoai môn và kiệu của địa phương được thu hoạch. Diện tích còn lại sẽ được thu hoạch dần từ nay đến hết Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên cũng giống như kiệu, năng suất và giá khoai môn cũng giảm mạnh so với cùng kì năm trước. Hiện tại, giá khoai môn được thương lái thu mua tại ruộng với mức 8 ngàn đồng/kg, giảm từ 2 - 3 ngàn đồng so với cùng kỳ năm trước. Năng suất bình quân đạt 3 tấn/công, giảm từ 1 - 1,5 tấn so với cùng kỳ năng trước.
Theo thông tin từ nhiều thương lái, do năm nay khoai môn xuất đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bị hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến giá cả khoai môn nội địa.
Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của thị trường TP.HCM và Hà Nội cũng giảm so với các năm trước nên giá thành của kiệu và khoai môn năm nay giảm mạnh. Với diện tích còn lại, bà con nông dân hi vọng thị trường cuối năm sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn.
Theo ngành chức năng khuyến cáo, để trồng kiệu và khoai môn đạt năng suất cao, hạn chế sâu bệnh gây hại, ngoài áp dụng đúng kỹ thuật thì bà con nông dân cần lưu ý việc cách ly giữa các mùa vụ trong canh tác, không nên trồng liên tục kiệu hoặc khoai môn trên cùng một đơn vị diện tích qua nhiều mùa.
Để kiệu và khoai môn đạt năng suất cao, bà con nông dân có thể trồng luân canh hoặc xem canh các giống cây trồng khác trên nền đất đã trồng khoai môn và kiệu. Kỹ thuật này sẽ giúp cắt nguồn lương thực của một số ký sinh gây hại, đồng thời rễ cây trồng mới sẽ tiết những chất ức chế mầm bệnh của cây trồng vụ trước.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã đầu tư tạo dựng được rất nhiều khu vườn kinh tế cao, chủ lực là các loại cây như quế, lòn bon, hồ tiêu, măng cụt, dó bầu… Nhưng nay, nhiều vườn đã tan hoang do bão.
Năm 2013, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh Đồng Tháp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình hình chế biến xuất khẩu, sản xuất và tiêu thụ thức ăn cho cá tra cũng không thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, do việc nuôi cá tra đã có sự sắp xếp lại, phần lớn diện tích nuôi cá tra trong tỉnh là các vùng nuôi thuộc 41 doanh nghiệp (chiếm 65,21% diện tích) nên chủ động cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
“Tôi dự định sẽ nhân giống thanh long tím bán cho các gia trại, trang trại bạn nhằm tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Đồng thời, sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này bằng cách đứng ra làm đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm, cùng bà con phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới” - Anh Trịnh Tiến Mạnh chia sẻ
Việc đưa cây chuối tiêu hồng có giá trị kinh tế vào trồng ở vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân nơi đây. Thế nhưng, trên thực tế việc trồng tập trung và đầu ra cho sản phẩm chuối lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Người trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) đang tỏ ra phấn khởi khi mùa bưởi năm nay, trúng mùa, tốt giá...