Giảm Ô Nhiễm Môi Trường Khi Nuôi Gà An Toàn Sinh Học Ứng Dụng Đệm Lót Sinh Thái
Người dân Gò Công Đông (Tiền Giang) sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trong đó nuôi gà thả vườn khá phát triển, trên địa bàn huyện có tổng đàn gà 260.000 con. Người nuôi theo truyền thống, ít tiếp cận với việc phòng ngừa dịch bệnh và xử lý môi trường vẫn chưa triệt để.
Nhằm giúp người chăn nuôi vừa có kỹ thuật nuôi tốt để vừa đảm bảo kinh tế, lợi nhuận tăng vừa xử lý tốt môi trường, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, Trạm Khuyến nông huyện Gò Công Đông vừa hỗ trợ, chuyển giao mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái bằng chế phẩm men vi sinh trong chăn nuôi gà an toàn sinh học, điểm trình diễn nuôi 2.000 con của 4 hộ tham gia tại ấp Bà Lẫy 2 xã Tăng Hòa, đến nay, đàn gà đã xuất chuồng và theo đánh giá có hiệu quả kinh tế nhất là hạn chế ô nhiễm môi trường so với chăn nuôi truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Sồi - một trong 4 hộ nuôi cho biết: Đệm lót trong mô hình chăn nuôi này là lúc đầu người chăn nuôi rải đều lớp trấu dày từ 10-15 cm lên nền chuồng, sau đó thả gà vào nuôi. Sau một thời gian quan sát trên bề mặt chuồng thấy phân rải kín, trong vòng 10 ngày, người nuôi cào lớp mặt đệm lót cho tơi xốp. Lấy chế phẩm men đã ủ, rải đều lên toàn bộ bề mặt đệm lót. Mô hình giảm lượng chất thải trong chăn nuôi, giảm thiểu 90% mùi hôi trong chuồng trại, hạn chế ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra và giảm chi phí công lao động. Cách ủ men vi sinh như sau: lấy 1 kg phân vi sinh ủ với 6 ký cám gạo, tưới ít nước (tưới nhiều nước sẽ bị vón cục), xốc đều ủ trong 3 ngày rắc rải trên 20 m2 nền chuồng.
Qua thời gian gần 3 tháng thực hiện, bước đầu cho thấy hiệu quả, trước đây nuôi cách truyền thống, gà thường bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, nhất là mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường mà ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh. Từ khi thực hiện mô hình đệm lót sinh học, hiệu quả cải thiện đáng kể, gà ít bệnh tật hơn như không mắc bệnh ké chân, bướu lườn, gà ít cắn mổ, đặc biệt là ít các bệnh về đường hô hấp, gà tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao, môi trường được giải quyết một cách cơ bản; tỷ lệ hao hụt đạt thấp, chỉ chiếm 2%, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 1,5 kg/con; tổng chi phí con giống, thức ăn tiêm phòng 140.000 triệu đồng, tổng thu 219 triệu đồng, lợi nhuận 79 triệu đồng.
Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình phòng bệnh cho gà bằng tiêm vac-xin, định kỳ sát trùng chuồng trại, cách ly vật nuôi với mầm bệnh, tạo được vùng an toàn dịch. Mức độ sử dụng vitamine, khoáng chất và kháng sinh được các hộ chăn nuôi sử dụng đúng để đảm bảo sức khỏe vật nuôi. Qua đó, các hộ nuôi trong dự án tiếp nhận thêm kỹ thuật chăn nuôi mới như: Chuồng trại thiết kế hợp lý, chế độ ăn dinh dưỡng cho gà, biện pháp tiêm phòng, vệ sinh thú y, đặc biệt là xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi, cách ly mầm bệnh, chú trọng tạo được vùng nuôi an toàn, bước đầu tạo được sản phẩm gia cầm sạch.
Kỹ sư Nguyễn Thị Khen - Trạm Khuyến nông huyện, người trực tiếp hướng dẫn mô hình cho biết: "Mô hình trình diễn được nhiều người dân đến tham quan, học hỏi kỹ thuật, qua đó, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức hội thảo, được nhiều người dân đồng tình, mô hình sẽ nhân ra diện rộng trong thời gian tới, nhằm giúp bà con nâng cao trình độ chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, sang tập trung với qui mô lớn có kiểm soát, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch trong chăn nuôi gia cầm, giảm được rất nhiều trong khâu ô nhiễm môi trường, xử lý nguồn chất thải tốt, tận dụng phân bón cho cây trồng, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân".
Có thể bạn quan tâm
Hơn 20 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để khai hoang vùng đất chua, mặn Tứ giác Long Xuyên, giờ Sáu Đức đã có số vốn đất lận lưng thuộc hàng “khủng” nhất nước.
Tùy theo điều kiện chủ động rút nước hay chờ nước rút, bà con nông dân ĐBSCL thường xuống giống vụ đông xuân trong tháng 11 và 12.
Trong vòng 3 năm từ 2013-2016, bà con nhận bò nuôi sẽ phải hoàn trả vốn bằng tiền như giá trị ban đầu vay mua bò (22 triệu đồng/cặp) để dự án tiếp tục phân bổ cho hộ nghèo các địa phương khác. Mục tiêu của dự án là đến 2016 có từ 60 - 70% hộ nghèo sẽ thoát nghèo bền vững.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nhưng "thầy giáo trẻ" lại chọn con đường mở trang trại chăn nuôi và làm giàu từ đàn gà, vịt...
Đó là thành quả mà ông Lê Xuân Long, thôn Ngọc Liên, xã Kim An, Thanh Oai, T.P Hà Nội gặt hái được sau hơn 10 năm trồng cam Canh, bưởi Diễn.