Làm Giàu Từ Nghề Trồng Gấc
Về thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang), hỏi thăm đến nhà ông “vua gấc” Trần Sĩ Quảng, bà con trong thôn từ già đến trẻ nhỏ ai nấy đều cho biết, ông Quảng là một nông dân cần cù, chịu khó, làm giàu và nổi danh từ nghề trồng cây gấc.
Cơ duyên đến với nghề trồng gấc
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng gấc của gia đình, khi những giàn gấc trong vườn đang bước vào cuối vụ, ông Quảng phấn khởi kể lại câu chuyện “cơ duyên” đến với nghề trồng gấc của gia đình. Là một cựu chiến binh, ông Quảng đã từng vào sinh, ra tử ở chiến trường B. Năm 2005, nhân chuyến cùng đồng đội trở lại thăm chiến trường xưa ở tỉnh Lâm Đồng, ông Quảng thật sự ngạc nhiên khi tình cờ gặp một phái đoàn quân sự Mỹ cũng đến thăm địa phương này rất quan tâm đến cây gấc và họ đã mang nhiều cây gấc về để nghiên cứu...
Sau này, khi đọc tài liệu qua sách báo ông Quảng nhận thấy rằng, thành phần trong quả gấc có chứa chất carotel dùng để bào chế các loại thuốc chữa bệnh cho người bị nhiễm chất độc da cam và chữa được nhiều bệnh khác. Từ đó, ông Quảng đã quyết định thử vận mệnh với nghề trồng gấc. Và cũng từ đây, cây gấc như một duyên nợ, gắn bó với ông Quảng và gia đình hơn tám năm qua.
- Vì sao ông lại chọn cây gấc để làm giàu ?- chúng tôi hỏi ông Quảng. Ông cười đôn hậu rồi giảng giải: Qua nghiên cứu thị trường cho thấy, quả gấc đang rất được ưa chuộng và rất quý đối với người Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vì giá trị của quả gấc có hàm lượng dinh dưỡng cao, phòng chống được bệnh ung thư, có tác dụng tốt cho tim mạch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể... Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu trồng loại cây này lại rẻ, bởi gấc là loại cây có khả năng thích nghi nhiều loại chất đất.
Nhớ lại ngày đầu khi mới bắt tay vào nghề trồng gấc, ông Quảng cũng như gia đình gặp không ít khó khăn. Trong đó, để trồng, chăm sóc và hiểu được “tính nết” của cây gấc đã khó, nhưng khi đến mùa thu hoạch, việc tìm “đầu ra” cho quả gấc lại càng khó khăn hơn. Vì lúc đó, giá gấc bán ra thị trường ở trong nước giá quá rẻ, chỉ 1.500 đồng/1kg…
Bởi vậy, ông Quảng đã cơm nắm, muối vừng “khăn gói quả mướp” một mình lặn lội vào miền nam, nằm “phục” ở những bến cảng lớn, từ cảng Sài Gòn, Đà Nẵng, đến các cảng hàng không, với mục đích ghi lại địa chỉ của những người làm ăn ở nước ngoài, để gửi sản phẩm từ gấc qua đó nhằm giới thiệu sản phẩm. Niềm vui của ông như được nhân lên khi sản phẩm từ gấc được thị trường nước ngoài ưa chuộng và mong muốn mua được với số lượng lớn sản phẩm từ gấc của ông.
Sau khi tìm được “đầu ra”, ông Quảng quyết tâm trồng gấc và tiêu thụ sản phẩm gấc với qui mô lớn hơn. Trong đó, ông đã liên kết với các cơ sở, gia đình trồng gấc ở địa phương cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Đà Nằng, Đác Lắc, Lầm Đồng… áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng gấc và cũng chính ông Quảng là đứng ra nhận bao tiêu các sản phẩm từ gấc.
Thương hiệu “vua gấc” Trần Sĩ Quảng
Sau hơn tám năm gắn bó với nghề trồng gấc, thu mua sản phẩm từ cơ sở ở các địa phương để chế biến sản phẩm từ gấc, đến nay, ông Quảng và gia đình đã tạo dựng được một thương hiệu riêng về gấc, với hai mặt hàng thiết yếu là tinh bột gấc nguyên chất và màng gấc sấy khô. Điều đáng nói là, các sản phẩm chế biến từ quả gấc do gia đình ông Quảng sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cao, được ưa chuộng ở thị trường trong nước và quốc tế.
- “Bí quyết nào giúp gia đình ông trồng gấc đạt năng suất và mang lại giá trị kinh tế cao ?”- chúng tôi hỏi. Ông Quảng thật thà chia sẻ: Điều quan trọng là ở khâu lựa chọn giống gấc. Vì cây gấc truyền thống thường cho quả bé, vỏ dày, thịt ít. Do vậy, gia đình tôi đã chủ động chọn giống gấc lai cao sản của Australia; chúng cho quả to, khối lượng trung bình đạt từ 4-5 kg/quả, ruột màu đỏ tím và đặc biệt là hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với giống gấc truyền thống trồng ở trong nước.
Loại gấc lai cao sản của Australia không chỉ cho năng suất cao, mà khi xuất khẩu được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng, vì các sản phẩm từ gấc nguyên chất có thể sử dụng làm nguyên liệu trong chế biến thuốc chữa bệnh. Theo giá thị trường trong nước hiện nay, trung bình 10 nghìn đồng/kg gấc quả.
Được biết, gia đình ông Quảng không chỉ ươm, triết giống gấc để cung cấp cho các cơ sở sản xuất trồng trong nước, mà còn cung cấp giống gấc cho các cơ sở trồng gấc ở nước ngoài như: Thái-lan, Sin-ga-po. Hàng năm, đến mùa thu hoạch, gia đình ông Quảng trở thành trung tâm thu mua gấc chín cho các hộ gia đình trồng gấc ở các địa phương. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp hơn 10 vạn cây giống và thu mua hơn một nghìn tấn gấc quả.
Hiện nay, cơ sở trồng gấc của ông được triển khai ở khắp 56 tỉnh, thành phố trong cả nước và các sản phẩm từ gấc được xuất khẩu sang thị trường 29 nước trên thế giới, trong đó có những nước lớn như: Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Australia… và ở châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Hiện tại, có không ít công ty nước ngoài tìm đến gia đình ông Quảng đặt vấn đề hợp tác để thu mua gấc quả... Nhờ vậy, mà tên tuổi, “tiếng thơm” và thương hiệu “vua gấc” của ông Trần Sĩ Quảng đã vang xa, thu hút nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đến học hỏi kinh nghiệm trồng gấc và hợp tác với ông.
Từ nghề trồng gấc, thu mua gấc và chế biến các sản phẩm từ gấc để tiêu thụ ở thị trường trong nước và nước ngoài, trừ chi phí ban đầu, lợi nhuận mà gia đình ông Quảng thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. Những năm “mưa thuận, gió hoà”, việc trồng, thu mua và xuất khẩu thuận lợi, gia đình ông Quảng thu lãi được trên dưới một tỷ đồng/năm. Đến nay, gia đình ông Quảng đã gây dựng thành lập được Công ty Đại Thăng chuyên giao dịch, xuất khẩu các sản phẩm từ gấc, hiện công ty có số vốn lưu động hơn sáu tỷ đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, giàu lên bằng nghề trồng gấc, ông Quảng còn là người có tấm lòng nhân ái, ông Quảng đã ủng hộ hàng chục triệuđồng vào quỹ nạn nhân chất độc màu da cam, hội người tàn tật, hội người mù ở địa phương. Ông Quảng luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng gấc cho bà con địa phương, với một suy nghĩ giản dị là, cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chia tay ông Trần Sĩ Quảng và gia đình, cuối năm tiết trời rét đậm, nhưng nhìn ngôi nhà hai tầng khang trang của gia đình ông Quảng được bao phủ bởi những giàn gấc sai chĩu quả, chúng tôi thêm ấm lòng và thầm cảm phục ý chí, nghị lực của một cựu chiến binh đã không cam chịu đói nghèo, vượt khó vươn lên làm giàu từ nghề trồng gấc...
Có thể bạn quan tâm
Theo dự báo của Hiệp hội Điều Việt Nam, xuất khẩu điều năm 2015 có thể đạt hơn 300.000 tấn với trị giá 2,25 tỷ USD. Trong khi các mặt hàng khác như cà phê, gạo đều giảm cả về kim ngạch lẫn sản lượng.
Ngày 11/9, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm nay, do nhu cầu của thế giới tăng cao, nên giá tiêu xuất khẩu cao chưa từng thấy. Giá hạt tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 9.300 - 9.700 USD/tấn.
é cửa hầm nhìn ra bên ngoài, ông Sáng kinh hoàng nhìn thấy đạn tiểu liên, trung liên và cả mảnh đạn đại liên găm nát thân tàu...
“Trong ngày 11-9, tổng cộng có sáu tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị cướp biển tấn công khiến một người chết tại chỗ và hai người khác bị thương.
Cảm giác giòn rụm khi nhai và vị ngọt thanh cứ đọng mãi ở đầu lưỡi... đã đưa trái triên, còn có tên gọi khác là trái "cứu người" vào sổ tay "nhớ mua, cố tìm" của người miền xuôi mỗi khi có dịp lên các huyện miền núi phía tây của Quảng Ngãi.